Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được triển khai quyết liệt để nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Cuộc cách mạng này yêu cầu phải được nhất quán tuân thủ và nghiêm túc triển khai theo định hướng và sắp xếp của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, để bảo đảm tiến độ tinh gọn bộ máy.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định.
Quá trình cải cách triệt để bộ máy chính phủ hướng đến sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự lãnh đạo sáng suốt từ các cấp cao nhất và sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị.
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia xung nội dung này.
Chần chừ tinh gọn bộ máy sẽ gây trở ngại cho sự phát triển
- Thưa ông, là người có nhiều năm nghiên cứu về khoa học quản lý, ông đánh giá thế nào về chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy mà chúng ta đang thực hiện?
PGS.TS Ngô Thành Can: Chủ trương tinh gọn bộ máy lần này được xác định là "cách mạng tinh gọn bộ máy hướng tới Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả; Đảm bảo tổ chức tinh gọn, và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tổ chức các bộ, cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; Giảm hợp lý các đầu mối tổ chức.
Thẳng thắn nhìn nhận, thực tế tổ chức bộ máy vẫn còn công kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Biên chế nhân sự khu vực công còn lớn; hiệu lực, hiệu quả công việc chưa cao; chi phí ngân sách vào hoạt động của bộ máy còn cao.
PGS.TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia.
Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, còn chần chừ còn gây trở ngại cho sự phát triển, sẽ là có lỗi với nhân dân với đất nước. Tiến hành tinh gọn bộ máy khẩn trương, có sự chuẩn bị tốt cho các bước đi phù hợp, thận trọng, Trung ương làm trước, địa phương làm sau. Tạo sự thống nhất, đồng lòng từ trên xuống dưới, quyết tâm thực hiện.
- Bộ máy sau tinh gọn sẽ phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí gì thưa ông?
PGS.TS Ngô Thành Can: Tinh gọn bộ máy phải có định hướng, tầm nhìn, tính hướng đích rõ ràng. Đó là hướng tới bộ máy: Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả.
Thực trạng tổ chức bộ máy cần được nghiên cứu xem xét, sơ kết, tổng kết, có những kinh nghiệm thực tiễn, những bài học tốt cho công tác tổ chức bộ máy.
Tiến hành tinh gọn bộ máy phải đồng hành cùng tinh giản biên chế, phải giữ được, thu hút những người có năng lực thực thi công vụ tốt; dám nghĩ dám làm, dám nhận trách nhiệm; đồng thời thực hiện đưa ra ngoài bộ máy những nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu, thể hiện năng lực yếu kém trong thực thi công vụ, làm cản trở sự phát triển chung của cơ quan, tổ chức và hệ thống.
Xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy định, các chính sách, chế độ đảm bảo cho tinh gọn bộ máy có kết quả tốt, đúng tiến độ. Đó là các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức bộ máy ngày càng được hoàn thiện; sự phân công, phối hợp trong tổ chức hoạt động ngày càng được nâng cao; hoàn thiện về chế độ chính sách nhân sự trong sắp xếp bộ máy. Những người về nghỉ sớm, chờ nghỉ, chuyển vị trí khác, dôi dư sau sắp xếp tổ chức, những người tự nguyện xin nghỉ có đủ điều kiện thủ tục yêu cầu.
Cuối cùng, phải có được sự đồng lòng, nhất trí, sự ủng hộ từ bên trong hệ thống cũng như bên ngoài, đảm bảo thống nhất cao "nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Không để cơ quan Nhà nước là nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém
- Khi thực hiện tinh gọn bộ máy, việc đánh giá cán bộ sẽ là phần rất quan trọng, được người lao động rất quan tâm. Xin hỏi có công cụ nào để đánh giá chính xác trình độ của cán bộ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy?
PGS.TS Ngô Thành Can: Trong đánh giá cán bộ có những tiêu chí đánh giá mang tính định lượng, có những tiêu chí mang tính định tính.
Công tác đánh giá có những thứ có thể cân đo đong đếm được, nhưng cũng có những thứ chỉ định tính thông qua sự cảm nhận, xem xét, theo dõi hành vị các biểu hiện, cũng như kết quả, hiệu quả thực thi công vụ.
Chúng ta đã sử dụng các công cụ đánh giá bản tự đánh giá cá nhân, đánh giá qua họp đánh giá bình bầu, phiếu đánh giá, kết quả thực hiện công việc, báo cáo đánh giá, xu hướng phát triển, theo dõi đánh giá của người lãnh đạo quản lý, thông tin từ các nguồn khác.
Cần lưu tâm đến 3 nguồn thông tin đánh giá quan trọng là: đánh giá từ người lãnh đạo, quản lý, người phụ trách giao công việc, nhiệm vụ; đánh giá từ đồng nghiệp, đồng cấp, những người cộng tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, và đánh giá từ người dân, cá nhân, tổ chức, các đoàn thể.
Đánh giá cán bộ, công chức là công việc cần thực hiện thận trọng. Ảnh minh họa
Đánh giá cán bộ trong việc tinh gọn bộ máy được tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau để thấy rõ: phẩm chất đạo đức, tác phong lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, kết quả hiệu quả công việc, xu hướng phát triển, sự phối hợp làm việc, đặc biệt chú trọng vào nội dung kết quả hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Trong đánh giá kết quả đánh giá bị chi phối ảnh hưởng tác động của nhiều yếu tố. Vì thế tránh những tác động tiêu cực trong đánh giá cán bộ luôn được đề cao trong quy trình thực hiện đánh giá cán bộ.
Cần làm rõ tính hiệu quả của cách thức đánh giá có tính hình thức, như họp chung cơ quan để đánh giá, vì nhiều người không làm việc cùng nhau, không hiểu rõ công việc của nhau mà ngồi đánh giá thì không sát thực, hoặc là thiếu khách quan, hoặc là theo ý kiến số đông, hoặc là a dua theo, tâng bốc, cũng có thể có sự ghen tị, trù dập, đó kỵ, hạ bệ nhau. Trong đánh giá phải khách quan, công tâm, có tính phê và tự phê.
Hoàn thiện các quy định để đánh giá ít bị chi phối bởi ý kiến "đám đông" không khách quan, trung bình chủ nghĩa, bè phái, cánh hẩu. Cần có sự kiểm tra, giám sát trong đánh giá cán bộ, để đảm bảo kết quả đánh giá chuẩn xác, không bị nhiễu.
- Như vậy có thể hiểu, những cán bộ làm việc không hiệu quả, không được tín nhiệm… sẽ thuộc diện "nguy cơ" khi thực hiện tinh giản?
PGS.TS Ngô Thành Can: Sẽ không có loại cán bộ nào thuộc diện "nguy cơ" cao nhất trong danh sách tinh giản, mà chỉ có những cán bộ trong thực thi công vụ lộ ra những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm những việc đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm, những cán bộ vi phạm trách nhiệm nêu gương, vi phạm nguyên tắc tập dân chủ và những quy định trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó còn tồn tại một số nhân sự lảng tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không nhận những công việc thấy khó khăn, phức tạp. Về vấn đề này đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm có nói: "Không để cơ quan Nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém", "Phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…".
5 lưu ý khi tiến hành tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế
- Ở góc độ dân sinh, chính sách nào là phù hợp cho những cán bộ thuộc diện tinh giảm?
PGS.TS Ngô Thành Can: Trong việc thực hiện tinh giản biên chế, chúng ta đã có những kinh nghiệm tốt, những bài học quý từ những năm trước tại các cơ quan trung ương và các địa phương. Đó là sự chú ý đến từng đối tượng tinh giản, như cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, là công chức, viên chức người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Việc sắp xếp, bố trí trước hết đối với cán bộ công chức, viên chức phù hợp với nhiệm vụ họ đang đảm nhiệm trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất; trường hợp không còn nhiệm vụ thì có thể bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
Bên cạnh đó, về phía cán bộ, công chức, viên chức cũng cần sự năng động trong công tác cần thể hiện sự quyết tâm, năng lực làm việc và những nỗ lực trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện công việc trước, trong và sau việc tinh giản.
- Để việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện hiệu quả, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì?
PGS.TS Ngô Thành Can: Trong đánh giá cán bộ có những bài học được rút ra để xem xét đối với việc tinh giản nhân sự lần này.
Một là, tầm nhìn, tính tổng thể trong tinh giản, cần dựa trên cái nhìn tổng quát về đội ngũ nhân sự trong tổ chức, điểm mạnh, điểm yếu, sự phù hợp của năng lực với vị trí việc làm, sự đáp ứng của đội ngũ nhân sự đối với sự thay đổi, phát triển chung, các chế độ chính sách về nhân sự, xu hướng phát triển.
Hai là, xác định hệ thống vị trí việc làm chuẩn trong cơ quan, tổ chức và số lượng nhân sự phù hợp.
Ba là, sắp xếp nhân sự vào các vị trí việc làm, các chức danh cần có sự khách quan, đảm bảo năng lực thực hiện công việc phù hợp với vị trí việc làm, chức danh. Đảm bảo sự vận hành tốt cho bộ máy khi thực hiện tinh giản.
Bốn là, đảm bảo có một hệ thống các chế độ chính sách đồng bộ, phù hợp đối với cán bộ công chức, viên chức những người bị ảnh hưởng của việc tinh giản. Không để xảy ra những vấn đề lớn đối với công tác nhân sự làm ảnh hưởng không tốt đối với cơ quan, tổ chức và hệ thống.
Năm là, đảm bảo tính khách quan, công bằng, không chịu tác động của yếu tố tiêu cực như: cấp trên, họ tộc, nể nang, bè phái, lợi ích cá nhân. Thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra, giám sát từ cơ quan cấp trên, trong tổ chức, từ các đoàn thể, người dân và các tổ chức khác.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tô Hội (thực hiện)