Trung tâm phục vụ hành chính công phường Đống Đa tại số 71 phố Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Gần 3 tuần lễ qua, toàn quốc đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xóa bỏ cấp huyện trung gian.
Với tinh thần chủ động, nhanh chóng ổn định tổ chức, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ để công việc thông suốt, không ngắt quãng, không gián đoạn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Nhìn từ địa phương lớn như Thủ đô Hà Nội, mô hình chính quyền hai cấp đã thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực. Bộ máy hành chính tại 126 phường, xã trên địa bàn được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, rõ trách nhiệm, giảm chồng chéo trong xử lý công việc. Chính quyền cấp phường, xã cũng thể hiện vai trò chủ động nên phát huy hiệu quả rõ rệt, thể hiện sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cũng như việc tiếp cận và hỗ trợ người dân sát sao hơn.
Người dân Hà Nội bước đầu đã đánh giá cao việc thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn hơn trước, giúp họ tiết kiệm thời gian và công sức. Nhiều phản ánh từ cơ sở sớm được tiếp nhận và xử lý kịp thời nhờ ứng dụng chuyển đổi số.
Như nhận xét của anh Nguyễn Văn Tình, một người dân phường Kim Liên (quận Đống Đa cũ) là thủ tục hành chính đã nhanh hơn, cán bộ phường xử lý hồ sơ rõ ràng hơn trước. Để làm thủ tục hộ khẩu, trước đây anh phải đến phường nộp hồ sơ giấy, chờ cán bộ kiểm tra, xử lý; nhưng nay có thể nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu tiến độ giải quyết, nhận kết quả qua mạng hoặc đến nhận tại bộ phận một cửa. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và cán bộ phường.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Tuy Vũ Văn Hoạt đánh giá, việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp không làm giảm vai trò giám sát mà còn tăng hiệu quả điều hành. Các quyết sách không còn bị phân tán nhiều cấp, thay vào đó là sự thống nhất và tập trung hơn.
Theo nhận định của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp thành phố kiểm soát hiệu quả dữ liệu, từ đó phân tích, đánh giá chính sách công chính xác hơn. Việc kết nối liên thông dữ liệu giữa cấp phường, xã với cấp thành phố qua nền tảng số sẽ giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch.Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình hai cấp được đánh giá là “cơ bản tốt, chắc chắn, hoàn thiện dần và đi vào hoạt động ổn định.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tình hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Mới đây, khi kiểm tra, động viên đội ngũ cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ và người dân tới làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu phát huy hơn nữa tinh thần vì nhân dân phục vụ và lưu ý, các cơ quan cần quan tâm làm tốt hơn nữa việc kết nối cơ sở dữ liệu; tăng cường tuyên truyền, phát huy các đội hướng dẫn cộng đồng công nghệ số vì một số người dân chưa quen. Đồng thời, bố trí cán bộ làm ngoài giờ hành chính vì một số người dân không thể tới làm thủ tục trong giờ hành chính.
Song, bên cạnh nhiều chuyển biến tích cực thì việc triển khai mô hình mới đang gặp một số khó khăn nảy sinh như một bộ phận cán bộ còn hạn chế về kỹ năng quản lý, kiến thức chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin, ý thức phục vụ nhân dân.
Như phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 7 phường của thành phố Bắc Giang cũ, với quy mô dân số gần 123.000 người.
Từ khi bắt đầu vận hành ngày 1/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường luôn trong tình trạng quá tải, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 lượt công dân, có thời điểm lên tới hơn 700 người.
Trước áp lực lớn, Ủy ban nhân dân phường đã đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị và bố trí nhân sự tại Trung tâm nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, không bị gián đoạn. Đồng thời, tăng cường cán bộ và đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân thao tác hồ sơ trực tuyến, tạo tài khoản định danh điện tử VNeID và hướng dẫn sử dụng các tiện ích số.
Ông Lương Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bắc Giang, cho biết: Phần mềm cơ bản đã thông suốt nhưng vẫn xảy ra tình trạng nghẽn mạng vào một số thời điểm do lượng truy cập lớn; một số thủ tục chưa thực hiện được trực tuyến.
Với những trường hợp này, Trung tâm linh hoạt tiếp nhận hồ sơ bản giấy và hỗ trợ nộp thay qua hệ thống trực tuyến. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phục vụ, cần sớm hoàn thiện phần mềm, tăng tốc độ truy cập nhằm bảo đảm hệ thống vận hành trơn tru.
Đánh giá về hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho hay, Bắc Ninh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục củng cố hoạt động của các Trung tâm Phục vụ hành chính công từ tỉnh đến xã, phường; xác định rõ tinh thần làm việc và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính. Đối với phần mềm mới, mỗi đơn vị cần bố trí cán bộ kỹ thuật riêng để hỗ trợ vận hành hiệu quả. Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất, đề xuất bổ sung kịp thời, tránh gián đoạn trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ máy vận hành thông suốt, tạo thuận lợi cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Trước những nảy sinh này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 111/CĐ-TTg về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi số giai đoạn đầu vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong Công điện nêu rõ 4 nhóm vấn đề chính gây cản trở là hạ tầng kỹ thuật yếu, hệ thống thông tin lỗi, chậm, kém liên thông, thể chế và nhân lực chưa hoàn thiện, công tác hướng dẫn, tuyên truyền còn yếu.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu hoàn thành trong tháng 7 và 8/2025. Trọng tâm gồm: nâng cấp hạ tầng, đảm bảovận hành hệ thống thông tin 24/7, khắc phục lỗi phần mềm, cấp con dấu mới, đồng bộ dữ liệu hộ tịch, cải tiến quy trình, kiện toàn nhân lực cấp xã, xóa điểm “lõm sóng,” đảm bảo điện, tăng cường tuyên truyền, kiểm soát “cò giấy tờ,” thúc đẩy trợ lý ảo phục vụ người dân.
Tiếp đó, ngày 18/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66.1/2025/NQ-CP quy định xử lý khó khăn, vướng mắc về việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đây đã thống nhất đánh giá, bước đầu triển khai mô hình tại 34 tỉnh, thành với 3.321 xã, phường, đặc khu, kết quả sơ bộ cho thấy bộ máy cơ bản vận hành tốt, không có trục trặc lớn, cán bộ công chức bước đầu thích ứng; quy trình xử lý công việc tương đối thông suốt, dịch vụ công được giải quyết nhanh hơn; nhân dân bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng mô hình mới sẽ hiệu quả hơn.
Trung ương sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn, xây dựng quy trình nghiệp vụ liên thông; kịp thời điều chỉnh những bất cập trong phân công, phân cấp nhiệm vụ; nâng cao chất lượng đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã; tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá định kỳ hiệu quả vận hành của mô hình.
Có thể thấy, toàn đảng đã đoàn kết, đồng lòng cùng nhân dân cả nước triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Từ trạng thái “Vừa chạy vừa xếp hàng” sang “Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến,” cả hệ thống chính trị và hệ thống hành chính đều đang vận hành theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành khoa học, hạn chế trung gian, xóa bỏ trùng lắp chức năng, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Xa hơn, là nhằm tạo một không gian phát triển mới, đưa dân tộc bước vào một chương mới trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước.
Đây chính là nền tảng chính trị-xã hội vững chắc, quý báu để chúng ta tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên mới./.
(TTXVN/Vietnam+)