Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tăng cường cải cách nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Nhất là, trong gần 40 năm đổi mới của đất nước, từ 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính nhà nước, xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2024. Ảnh minh họa
Do vậy, tinh gọn bộ máy các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cải cách bộ máy nhà nước trên tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, sự đồng thuận của xã hội đối với hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả của cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, trong đó chú trọng giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước – thị trường – xã hội nhằm điều hòa lợi ích của cá nhân, công dân, của các tổ chức và Nhà nước. Có như vậy, mới phát huy được sự đồng thuận của xã hội trong tinh gọn bộ máy nhà nước, thiết lập được xã hội mở rộng, bảo đảm được lợi ích của cộng đồng, thực hiện thống nhất quan điểm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Vì vậy, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp như sau:
Một là, giảm quy mô của hành chính nhà nước.
Cần tiến hành nghiên cứu khoa học trong việc đánh giá vị thế, vai trò, chức năng của Chính phủ, hợp nhất các Bộ có nghiệp vụ gần giống nhau, sắp xếp phù hợp những cơ quan có chức năng trùng lắp, xã hội hóa dịch vụ công… là những biện pháp cơ bản mà nhiều nước trên thế giới tiến hành nhằm tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, từ đó giảm chi tiêu, tăng hiệu quả của Chính phủ.
Hai là, đẩy mạnh phân quyền.
Hướng tới một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả. Ở nhiều nước trên thế giới, Chính phủ đã và đang chuyển giao bớt thẩm quyền từ Trung ương xuống địa phương. Một nguyên tắc quan trọng trong phân quyền là việc gì cấp dưới có khả năng làm tốt, tiện lợi hơn cho dân và doanh nghiệp thì kiên quyết phân quyền để cấp dưới làm và chịu trách nhiệm trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất và thể chế quản lý nhà nước. Xu hướng này một mặt tăng cường sự quản lý thống nhất và sự điều hành của Chính phủ đối với toàn quốc và địa phương; mặt khác tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động của địa phương.
Ba là, tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế.
Song song với bộ máy tinh gọn cần phải tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, đẩy mạnh quá trình xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại, tương thích với những giá trị tiến bộ của pháp luật quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho bộ máy hoạt động hiệu quả vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xét cho cùng thành quả của cách mạng thuộc về nhân dân. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước cần tiến hành đồng bộ, khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phát huy cao nhất sự đồng thuận của nhân dân – “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Trung tá, Ths DƯƠNG VĂN ĐẠI, Học viện Chính trị