Biểu diễn bộ sưu tập áo dài tại Chương trình. Ảnh: Minh Quang
Chương trình trình diễn thời trang "Ninh Bình-Áo dài trên con đường di sản” giới thiệu 11 bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh, kể câu chuyện về di sản Ninh Bình qua những tà áo dài truyền thống như: Bộ sưu tập Kiến trúc cổ và danh lam đặc trưng của Ninh Bình; Ruộng lúa; Gốm Bồ Bát-Nối mạch nghìn năm đất Cố đô; Áo dài Hoa Lau; bộ sưu tập Thuyền; bộ sưu tập Thêu Văn Lâm... Đây là những di sản văn hóa nổi bật, niềm tự hào của người Ninh Bình. Qua đó, vừa tôn vinh áo dài trong đời sống xã hội vừa kể câu chuyện về các làng nghề truyền thống.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Mốt chia sẻ: Cố đô Hoa Lư là mảnh đất có nhiều di sản quý giá. Di sản của ngày hôm nay không còn xa cách với đời sống mà hết sức gần gũi, trở thành động lực để địa phương phát triển kinh tế-xã hội.
Chương trình "Ninh Bình-Áo dài trên con đường di sản” thể hiện sự kết hợp giữa vẻ đẹp của áo dài với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa của đất và người Cố đô Hoa Lư, đồng thời cũng truyền tải thông điệp, mong muốn rằng trên vùng đất di sản này, các di sản sống là các nghệ nhân sẽ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Trình diễn áo dài tại chương trình. Ảnh: Minh Quang
Chương trình là sự kết hợp giữa những nghệ nhân ưu tú của Ninh Bình và nhà thiết kế qua những bộ sưu tập áo dài được thực hiện trên nền lụa tơ tằm của Việt Nam Silk House và đũi Đại Hòa, xã Nam Cao (Thái Bình). Trong không gian kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, âm nhạc và thời trang, chương trình đưa người xem đi qua các di sản, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Ninh Bình đã trường tồn và phát triển cho đến ngày hôm nay. Đồng thời, nhấn mạnh sự sáng tạo, cách thức đổi mới để tạo sức vươn cho các làng nghề trong cuộc sống hiện đại.
Ông Vũ Thanh Luân, nghệ nhân làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư) cho biết: Làng nghề thêu Văn Lâm có lịch sử truyền thống hàng nghìn năm, các sản phẩm thêu của làng đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới trong nhiều thế kỷ qua. Tôi rất vinh dự được tham gia chương trình, góp phần truyền tải giá trị văn hóa của làng nghề thêu Văn Lâm.
Không gian thiên nhiên trước cổng Chùa và động Thiên Tôn là một sàn runway đặc biệt, tôn thêm vẻ đẹp truyền thống cho các thiết kế thời trang. Tất cả hòa quyện, truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc; giới thiệu đến du khách ở trong và ngoài nước về tiềm năng du lịch của Ninh Bình.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng Ban Tổ chức Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024 nhấn mạnh: Tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, sơn kỳ thủy tú, có vị trí trọng yếu, điểm kết nối trung chuyển của 3 vùng kinh tế cũng là 3 vùng văn hóa của đất nước là: vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ-duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc; là vùng đất được lịch sử lựa chọn đặt những dấu mốc sự kiện mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Hơn 30 ngàn năm trước, Ninh Bình được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống. Thế kỷ X, Hoa Lư-Ninh Bình được chọn làm kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của các thể chế nhà nước phong kiến Việt Nam trong các giai đoạn tiếp sau. Cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Đó là 1.821 di tích và danh thắng, 393 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay.
Sự kiện trình diễn thời trang "Ninh Bình-Áo dài trên con đường di sản" được tổ chức tại Di tích quốc gia Chùa và Động Thiên Tôn, nơi từng là cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư xưa, nhằm tôn vinh và tri ân các bậc anh hùng danh tướng, các bậc tiên hiền, các nghệ nhân đã góp công làm nên bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất Ninh Bình.
Cũng ở đây, những nghề thủ công truyền thống được người dân Ninh Bình sáng tạo và lưu truyền từ nhiều thế kỷ trước đến nay: Đó là nghề gốm Bồ Bát, nghề thêu ren Ninh Hải, nghề cói Kim Sơn. Đây là ba trong số hàng chục nghề truyền thống đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Ninh Bình, là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bằng sự quyết tâm vươn lên cùng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như một điểm tựa vững chãi, tỉnh Ninh Bình đã và đang trong tâm thế sẵn sàng bước vào giai đoạn bứt phá để vươn lên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Trình diễn áo dài tại chương trình. Ảnh: Minh Quang
Trong khuôn khổ Festival Ninh Bình lần thứ III, năm 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản", Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức chương trình trình diễn thời trang "Ninh Bình-Áo dài trên con đường di sản" với mong muốn đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của làng nghề Ninh Bình; quảng bá đến khách du lịch trong nước, quốc tế về sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa, truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử và khẳng định mục tiêu phát triển của Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, là nơi các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên được bảo tồn, lan tỏa và phát huy, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hồng Vân