Hàng nghìn người biểu tình ủng hộ EU đã phong tỏa các con đường chính ở Tbilisi. Tổng thống sắp mãn nhiệm Georgia, Salome Zourabichvili, cũng tham gia biểu tình, thậm chí đi đầu đoàn người đụng độ với cảnh sát.
Bộ Nội vụ Georgia xác nhận có ba cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ. Lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng, hơi cay và bình xịt tiêu để giải tán đám đông khi một nhóm thanh niên che mặt cố gắng phá cửa trụ sở quốc hội. Một số người biểu tình đã ném pháo hoa vào cảnh sát.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Georgia Salome Zurabishvili cũng tham gia biểu tình ở Tbilisi vào ngày 28 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Giorgi Arjevanidze/AFP/Getty
Quan hệ giữa Georgia và EU đã xuống dốc trong những tháng gần đây, khi Brussels cáo buộc chính quyền Georgia có khuynh hướng ủng hộ Nga.
Đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia đã chỉ trích EU, cho rằng khối này đang sử dụng triển vọng đàm phán gia nhập như một công cụ "đe dọa và tổ chức cách mạng tại Georgia", cũng như can thiệp vào nội bộ của nước này.
Trong tuyên bố mới đây, Đảng Giấc mơ Georgia khẳng định sẽ không đưa vấn đề đàm phán gia nhập EU vào chương trình nghị sự cho đến hết năm 2028 và từ chối nhận bất kỳ khoản tài trợ ngân sách nào từ EU trong cùng thời gian.
Thủ tướng Irakli Kobakhidze cho rằng việc gia nhập EU có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Georgia, vì điều này đòi hỏi nước này hủy bỏ các hiệp định thương mại và miễn thị thực với nhiều quốc gia khác.
Quyết định trên đã châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ từ phe đối lập. Người biểu tình mang theo các lá cờ Liên minh châu Âu và cờ quốc gia bên ngoài hầu hết các tòa nhà chính quyền.
Tổng thống Zourabichvili, người ủng hộ EU nhưng có quyền lực chủ yếu mang tính biểu tượng, gọi hành động của chính quyền mới là "tuyên chiến với quá khứ và tương lai của Georgia".
Trong khi đó, Đảng Giấc mơ đã đề cử một ứng viên có quan điểm chống phương Tây cứng rắn để thay thế bà Zourabichvili khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào tháng 12 tới. Đó là ông Mikheil Kavelashvili, một cựu cầu thủ từng thi đấu cho Manchester City.
Phe đối lập và các nhà phê bình cáo buộc Đảng Giấc mơ đang hướng đất nước quay lại gần Nga. Georgia đã tách ra để trở thành một quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Nga và Georgia không duy trì quan hệ ngoại giao chính thức kể từ sau cuộc chiến ngắn năm 2008, nhưng gần đây, hai bên đã cải thiện lại mối quan hệ.
Phát biểu từ Kazakhstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi "sự can đảm" của Chính phủ Georgia khi thông qua luật về "điệp viên nước ngoài", nhằm hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài vào nội bộ của đất nước.
Cao Phong (theo CNN, AP)