Tại hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền TP.HCM diễn ra ngày 18/7, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp đã được nêu ra nhằm phản ánh thực trạng và đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng phát triển du lịch trong bối cảnh thành phố vừa thực hiện sáp nhập địa giới hành chính.
Tổ chức nhiều hơn các chương trình famtrip
Các doanh nghiệp từng hoạt động trên địa bàn Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), hai khu vực mới sáp nhập về TP.HCM, cũng góp mặt tại hội nghị.
Đại diện Công ty Du lịch Bắc Trung Nam Bản Việt đưa ra đề xuất tổ chức nhiều hơn các chương trình famtrip trong và ngoài nước, đặc biệt dành cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để mở rộng mạng lưới, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng kiến nghị chính quyền nghiên cứu các chính sách ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp sau sáp nhập.
Đại diện Công ty Du lịch Bắc Trung Nam Bản Việt đưa ra đề xuất tổ chức nhiều hơn các chương trình famtrip trong và ngoài nước
Đáp lại, đại diện Phòng Quản lý lữ hành thuộc Sở Du lịch TP.HCM khẳng định famtrip là một công cụ hữu hiệu giúp phát triển sản phẩm mới và tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp địa phương với thị trường trong và ngoài nước.
Thành phố hiện đang đẩy mạnh hợp tác với các địa phương khác để tổ chức các chương trình khảo sát thực tế, đặc biệt tại những khu vực mới sáp nhập như Vũng Tàu và Bình Dương, nhằm kích thích tăng trưởng du lịch vùng ven. Ngoài ra, các đoàn famtrip quốc tế cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới để doanh nghiệp TP.HCM tiếp cận những mô hình du lịch thành công trên thế giới.
Cần cải cách mạnh mẽ để doanh nghiệp du lịch thích nghi khi TP.HCM mở rộng
"Việc mở rộng địa giới hành chính mang đến cơ hội lớn để phát triển du lịch với nhiều tài nguyên mới. Tuy nhiên, để doanh nghiệp du lịch có thể tận dụng tốt cơ hội này, cần một loạt điều chỉnh từ chính sách đến hành chính, nhằm tháo gỡ các rào cản hiện hữu”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel ý kiến tại hội nghị đối thoại.
Trước hết, bà Hoàng đề xuất cần sửa đổi Luật Du lịch 2017 cho phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể, nên bỏ quy định xử phạt hành chính đối với khách du lịch nước ngoài ở lại quá hạn, vì điều này ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch thân thiện. Ngoài ra, cần đơn giản hóa quy định về lưu trữ hồ sơ, cho phép số hóa tài liệu thay vì yêu cầu hướng dẫn viên phải mang theo bản giấy rườm rà. Thủ tục cấp đổi giấy phép kinh doanh và thẻ hướng dẫn viên cũng cần được tinh gọn để giảm gánh nặng hành chính.
Bên cạnh đó, bà cho rằng cần đồng bộ dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, giúp tự động cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó minh bạch và tiết kiệm thời gian cho cả hai phía.
Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tình trạng mạo danh doanh nghiệp du lịch để tổ chức hội thảo, sự kiện, gây thiệt hại uy tín. Vì vậy, cần có cơ chế xử lý cụ thể và nghiêm minh đối với các hành vi này. Đồng thời, bà Hoàng cũng cảnh báo về việc các tour du lịch “không đồng” đang làm xấu hình ảnh điểm đến, cần có chế tài rõ ràng để chấn chỉnh.
Khi TP.HCM mở rộng với các vùng sông, biển, núi, bà nhấn mạnh việc cần định vị lại thương hiệu du lịch TP.HCM, tránh tình trạng “loãng” hoặc rối loạn nhận diện. Theo bà, cần sớm xây dựng một chiến lược truyền thông mới để giới thiệu một TP.HCM mở rộng, đa dạng và giàu bản sắc.
Cuối cùng, bà đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch mới, gắn với mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững đến năm 2050 theo định hướng quốc gia. Đây là cơ hội để TP.HCM mở rộng khẳng định vị thế là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng trải nghiệm.
Tiềm năng lớn nhưng còn nhiều điểm nghẽn
Trong quá trình thảo luận, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mối quan tâm đến việc phát triển du lịch tại các khu vực như Côn Đảo, Cần Giờ, nơi được đánh giá có tiềm năng phát triển cao nhưng còn thiếu sự đầu tư bài bản.
Ông Ngô Tuấn Tú, Giám đốc Công ty Du lịch Amadive chia sẻ du lịch tại Côn Đảo chủ yếu mang tính mùa vụ, chỉ hoạt động hiệu quả trong khoảng 6 tháng, phần lớn thời gian còn lại bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi.
Bên cạnh đó, hiện tượng đầu cơ vé máy bay và phòng khách sạn khiến giá cả bị đẩy lên cao bất thường nhưng thực tế lượng khách lại không tương xứng, dẫn đến nhiều hệ lụy như phòng bỏ trống, hướng dẫn viên thiếu chuyên môn, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chủ yếu xoay quanh du lịch tâm linh.
Ông Ngô Tuấn Tú, Giám đốc Công ty Du lịch Amadive chia sẻ rằng du lịch tại Côn Đảo chủ yếu mang tính mùa vụ,
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng du lịch ban đêm tại Côn Đảo gần như “tắt đèn” sau 22h do thiếu điểm vui chơi, giải trí. Đây là một rào cản lớn nếu muốn phát triển kinh tế đêm.
Phản hồi về tình trạng này, đại diện Phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) cho biết: Công suất phòng trung bình tại Côn Đảo hiện dao động từ 35-40%, trong khi nhiều chỗ lưu trú vẫn bị “giữ chỗ ảo” trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến. Ngành du lịch TP.HCM đang phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý tình trạng này, hướng đến việc minh bạch hóa thông tin và tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý dịch vụ.
Cần nghiên cứu công trình chắn sóng và phương tiện vận chuyển an toàn cho du lịch Côn Đảo
Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp tại Côn Đảo về việc đầu tư hạ tầng ứng phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn Côn Đảo có 12 tuyến đường thủy nội địa và 2 bến cảng chính đang hoạt động. Trong đó, bến cảng Bến Đầm, nằm tại khu vực kín gió, đang được nâng cấp, mở rộng để đảm bảo an toàn, phục vụ khai thác quanh năm.
Ngược lại, cảng khách Côn Đảo (thuộc vịnh Côn Sơn) do không được che chắn, chỉ có thể hoạt động vào một số thời điểm nhất định trong năm. Việc xây dựng các công trình chắn sóng tại khu vực này cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hạn chế tác động đến môi trường và các khu vực lân cận.
Quang cảnh hội nghị
Về phương tiện vận chuyển, hiện nay tàu Thăng Long - đang khai thác tuyến TP.HCM - Côn Đảo, có thể hoạt động trong điều kiện gió cấp 8 và sóng cao 6m. Tuy nhiên, quá trình khai thác vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu các phương tiện mới an toàn hơn, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận tải du lịch hiện đại, đáp ứng nhu cầu trong mùa cao điểm, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi như mùa gió chướng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Đối với đề xuất mở tuyến xe buýt công cộng từ Hồ Tràm (Xuyên Mộc) đến TP. Vũng Tàu, Sở cho biết sau sáp nhập, TP.HCM hiện có 186 tuyến xe buýt, trong đó 108 tuyến có trợ giá. Riêng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũ chỉ có 7 tuyến, với 1 tuyến kết nối trực tiếp với TP.HCM. Trước đề xuất của doanh nghiệp, Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng đã được giao rà soát lại toàn bộ hệ thống tuyến, đồng thời đề xuất danh mục tuyến mới. Sau khi được thành phố phê duyệt, các tuyến sẽ được công bố và lựa chọn đơn vị khai thác phù hợp.
Phát biểu tổng kết, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh: Giai đoạn mới sau sáp nhập mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn. TP.HCM cần khẳng định mình như một điểm đến “đa năng”. nơi vừa có nền tảng công nghiệp vững mạnh, vừa phát triển du lịch nội đô, biển đảo, sinh thái và tâm linh. Điều quan trọng là xây dựng một chiến lược đồng bộ, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, kết nối các nguồn lực để phát triển bền vững.
Hà Sang