Chiều 29-11, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện đề án 5695 “Dạy và học các môn khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (chương trình tiếng Anh tích hợp).
Tiền đề để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng giám đốc EMG Education - đơn vị phối hợp cùng Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp, chia sẻ kết quả đạt được trong 10 năm qua đã chứng minh Đề án 5695 là tiền đề có thể đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Chúng ta đã tạo ra một mô hình giáo dục bền vững, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Học sinh không chỉ giỏi về kiến thức mà còn tự tin giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh, sẵn sàng cạnh tranh công bằng với bạn bè quốc tế.
Một giờ học tiếng Anh tích hợp của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: YH
Bà Lan nêu dẫn chứng, trong năm 2023 vừa qua, gần 1.000 học sinh chương trình Tiếng Anh Tích hợp đã tham gia và đạt thành tích tốt trong kỳ thi lấy chứng chỉ phổ thông quốc tế Pearson Edexcel.
Ông Phan Văn Quang, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cho biết đề án 5695 đã nhận được sự hỗ trợ và đồng thuận của phần lớn cha mẹ học sinh. Học sinh không chỉ phát triển ngôn ngữ tiếng Anh mà còn tiếp cận các tri thức, tư duy toán và khoa học thông qua môn tiếng Anh. Chất lượng dạy và học môn tiếng Anh ở các trường có chuyển biến rõ rệt.
Mở rộng chương trình tiếng Anh tích hợp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo chiều nay. Ảnh: TT
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: Qua báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM cho thấy kết quả đạt được của đề án rất lớn. Với việc theo dõi quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức dạy học nói chung của TP.HCM và đề án 5695 nói riêng cho thấy việc ban hành đề án chương trình tiếng Anh tích hợp là kịp thời, đúng mục tiêu, thể hiện tầm nhìn nhanh nhạy, sự tham mưu trúng, đúng, quyết tâm dám nghĩ, dám làm dám đột phá của lãnh đạo TP.HCM, của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Theo thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, qua 10 năm thực hiện đã cho thấy đây là đề án mang hiệu quả tích cực và có kết quả bền vững. Học sinh nâng cao năng lực phẩm chất trong các môn học bằng tiếng Anh. Giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ qua tập huấn trao đổi bồi dưỡng chuyên môn... Đặc biệt khi thực hiện chương trình này, học sinh tự tin trong giao tiếp tiếng Anh, phụ huynh phấn khởi có niềm tin đối với giáo dục, ngành giáo dục có mô hình chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng và bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trao bằng khen của UBND TP.HCM đối với các đơn vị thực hiện chương trình tiếng Anh tích hợp. Ảnh: TT
Đề án này còn là minh chứng cụ thể và sinh động về hiệu quả của công tác xã hội hóa. Nếu không có sự ủng hộ của phụ huynh thì trên 30.000 học sinh sẽ không thể tiếp cận được chương trình trên.
“Với những gì đề án tiếng Anh tích hợp tại TP.HCM đã đạt được, tôi mong Sở GD&ĐT các tỉnh thành có thể tham khảo học hỏi kinh nghiệm, mô hình, tìm đối tác phù hợp để từng bước thực hiện kết luận 91 của Bộ Chính trị đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” - ông Thưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị TP.HCM tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm số trường, số lớp thực hiện đề án. Đồng thời TP cân nhắc mở rộng thêm số môn dạy bằng tiếng Anh ngoài toán và khoa học.
Thứ trưởng Thưởng cho rằng từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học không thực hiện dàn ngang, nơi nào có điều kiện mới tổ chức. “ Tôi mong muốn TP.HCM, Hà Nội là đầu tàu dẫn dắt của giáo dục trong từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai”, Thứ trưởng Thưởng kỳ vọng.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TT
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá 10 năm thực hiện đề án: “Tôi có lời khen đối với thầy cô, ban giám hiệu, ban giám đốc bởi sự quyết tâm, kiên trì, vượt qua mọi đánh giá tốt và chưa tốt để thực hiện chương trình. Đặc biệt lãnh đạo ngành giáo dục đã quyết tâm nghiên cứu thực hiện để đạt được thành quả nhất định. Ngoài ra, chương trình muốn thành công cũng nhờ vào sự ủng hộ của phụ huynh học sinh” - bà Thúy nói.
Tuy nhiên, theo bà Thúy, trong báo cáo của mình, ngành giáo dục cần nhìn nhận lại những khó khăn, hạn chế để rút kinh nghiệm. Cụ thể, số lượng học sinh tham gia vẫn còn ít, đội ngũ giáo viên Việt Nam tham gia giảng dạy còn ít, chủ yếu giáo viên bản ngữ.
“Tôi đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện đề án, mở rộng chương trình để tăng cơ hội tiếp cận cho học sinh, nâng số lượng học sinh tham gia. Tôi thay mặt lãnh đạo thành phố khẳng định quyết tâm đeo bám và thực hiện chương trình này” - bà Thúy nhấn mạnh.
NGUYỄN QUYÊN