TP Hồ Chí Minh: Loay hoay xóa 'chợ hóa chất'

TP Hồ Chí Minh: Loay hoay xóa 'chợ hóa chất'
6 giờ trướcBài gốc
Một góc chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM). Ảnh: Hồng Phúc.
Vẫn khó xử lý triệt để
Khác với chợ An Đông được mệnh danh là “vựa thời trang” của TPHCM, thì chợ Kim Biên (quận 5) lại được biết đến là “vựa hóa chất” của thành phố này. Chợ Kim Biên được thành lập và hoạt động từ những năm 60 cho đến nay, với việc kinh doanh sỉ, lẻ nhiều loại hóa chất dùng để bảo quản thực phẩm, kể cả hóa chất công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hóa chất tại ngôi chợ này trở nên tràn lan trong nhiều năm gần đây.
Người dân sinh sống xung quanh chợ Kim Biên cũng thường xuyên phản ánh lo ngại về nguy cơ xảy ra cháy nổ bởi nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chị Lã Thị Nguyệt (51 tuổi, trú phường 13, quận 5) sống gần chợ Kim Biên cho biết: Hóa chất ở chợ mua rất dễ, được bày bán ngày này qua ngày khác, loại gì cũng có. Cũng theo nhiều người dân ở đây, việc ùn ứ nhiều hóa chất ở chợ khiến người dân rất lo lắng về cháy nổ, chưa kể việc kiểm soát kinh doanh mặt hàng này cũng chưa quyết liệt.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh, sản xuất hóa chất trên địa bàn, trong đó có khu vực chợ Kim Biên, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn môi trường thuộc Sở Công thương TPHCM cho biết, thời gian qua Sở đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường kiểm soát tại khu vực chợ hóa chất Kim Biên. Trong đó, phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Cục Quản lý thị trường thành phố tiến hành kiểm tra đột xuất, hậu kiểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng kinh doanh hóa chất về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, điều kiện kinh doanh, quản lý, vận chuyển, nơi lưu trữ... từ đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại.
Cũng theo bà Tâm, gần đây Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với Cục Hóa chất (Bộ Công thương) thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố, trong đó có chợ Kim Biên. Qua đó, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh hóa chất, đặc biệt là xyanua.
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại và mức độ nguy hiểm của hóa chất độc hại (bao gồm xyanua) hàng năm là đặc biệt quan trọng. Qua đó, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hóa chất nguy hiểm, nhằm bảo vệ an toàn chung cho cộng đồng.
Tuy nhiên tình trạng kinh doanh, buôn bán hóa chất “chui”, trong đó có các hóa chất độc hại (bao gồm cả xyanua) không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn chưa được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để.
Cần giải pháp quyết liệt
Sở Công thương TPHCM thừa nhận, việc các sở, ngành liên quan quản lý, kiểm soát sản xuất, kinh doanh hóa chất thời gian qua là chưa đạt hiệu quả. Do đó, cần sự phối hợp, vào cuộc của Công an thành phố, Cục Hóa chất, Cục Quản lý thị trường và từng quận, huyện liên quan.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu thuộc Công an TPHCM cho biết, trong chức trách của Công an thành phố đã chủ động tổ chức cho gần 400 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất trên địa bàn ký “Bản cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hóa chất lĩnh vực công nghiệp”. Dù vậy, Thượng tá Long cũng nhìn nhận, thời gian gần đây không chỉ riêng TPHCM mà trên địa bàn nhiều tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng chất độc xyanua, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm liên quan đến việc sử dụng hóa chất, đại diện Công an TPHCM cho biết, cần tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn.
Dẫn chứng về công tác này, Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết, Công an đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra 177 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất. Qua đó, phát hiện, xử lý hành chính 14 trường hợp kinh doanh hóa chất (không liên quan đến kinh doanh, mua bán xyanua). Đáng chú ý, Công an TPHCM đã khởi tố 6 vụ án/31 bị can về tội “mua bán trái phép chất độc” quy định tại điều 311 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, thu giữ hơn 9.700kg xyanua, hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Về phía Sở Công thương TPHCM, bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, hiện xyanua là chất được liệt vào danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, thẩm quyền cấp phép loại hóa chất này thuộc Cục Hóa chất (Bộ Công thương). Theo bà Tâm, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 35 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh xyanua. Tuy nhiên, để kiểm soát số lượng xyanua mua bán trên địa bàn, Sở Công thương TPHCM trên cơ sở dữ liệu cấp phép được Bộ Công thương chia sẻ, định kỳ hàng năm đều rà soát, tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp cùng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), Công an, Cục Quản lý thị trường, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất độc, hóa chất nguy hiểm trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn môi trường (Sở Công thương TPHCM) cho biết: Do chất độc xyanua là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng việc mua bán lại khá dễ dàng, như mua bán trên mạng xã hội, chợ Kim Biên (quận 5)... Vì vậy, Sở Công thương thành phố sẽ kiểm tra đột xuất, hậu kiểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng kinh doanh hóa chất về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, điều kiện kinh doanh, quản lý, vận chuyển, nơi lưu trữ.
LÊ ANH
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-loay-hoay-xoa-cho-hoa-chat-10295064.html