TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp để tăng thu nhập cho người dân.
Đón cơ hội mở rộng không gian phát triển
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số, Công ty Nhựa Bình Minh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ chiến lược này. Từ năm 2019, doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất tự động hóa, số hóa toàn bộ quy trình kiểm tra chất lượng và quản lý kho vận. Đặc biệt, việc sử dụng nguyên liệu tái chế đạt chuẩn quốc tế giúp giảm gần 30% lượng nhựa nguyên sinh mỗi năm.
“Không chỉ tiết kiệm chi phí, chúng tôi còn nâng năng suất hơn 20% và đạt chứng nhận ISO về môi trường. Việc đáp ứng tiêu chuẩn ESG và quản trị minh bạch cũng giúp công ty thuận lợi hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù đầu tư vào công nghệ xanh và số hóa cần nguồn lực lớn, nhưng đây là bước đi dài hạn giúp tối ưu vận hành, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường quốc tế”, đại diện Nhựa Bình Minh chia sẻ.
Việc mở rộng không gian phát triển công nghiệp sau sáp nhập cũng tạo cú hích lớn cho doanh nghiệp. Nếu trước đây, việc mở nhà máy tại TP Hồ Chí Minh gặp khó vì thiếu quỹ đất và chi phí logistics cao, thì nay, sự kết nối chặt chẽ với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở ra dư địa mới. Nhựa Bình Minh đang khảo sát khu công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư nhà máy sản xuất vật liệu mới có khả năng tái chế và tiết kiệm năng lượng, phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và kết nối với các cụm công nghiệp hỗ trợ tại Bình Dương.
Không riêng nhựa Bình Minh, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến cũng đang điều chỉnh kế hoạch đầu tư trong vùng mở rộng. Nhiều doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu khi tiếp cận lại thị trường TP Hồ Chí Minh hiện nay đều cân nhắc lợi thế vùng thay vì chỉ tập trung vào nội đô thành phố.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, sau khi sáp nhập địa giới hành chính mở rộng, TP Hồ Chí Minh phải xem đây là cơ hội để tái cơ cấu toàn bộ không gian phát triển công nghiệp chứ không đơn thuần là nối dài địa bàn. Nhưng điều quan trọng, Thành phố cần xác định rõ vai trò từng khu vực trong chuỗi công nghiệp tổng thể, nơi nào là trung tâm nghiên cứu - thiết kế, nơi nào là trung tâm sản xuất - chế biến, nơi nào làm logistics, cảng biển…
“TP Hồ Chí Minh hiện không thể phát triển công nghiệp nặng nhưng lại có thế mạnh về nghiên cứu phát triển (R&D), công nghệ, khởi nghiệp. Trong khi đó, Bình Dương mạnh về công nghiệp hỗ trợ và logistics, còn Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ cảng biển. Nếu thiết kế đúng vai trò và luồng di chuyển hàng hóa - dịch vụ, vùng này có thể trở thành một tam giác sản xuất - xuất khẩu chiến lược của quốc gia. Việc sáp nhập TP Hồ Chí Minh mới cũng tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng vùng sản xuất, kinh doanh", ông Trần Du Lịch nói.
Cần quy hoạch lại chuỗi liên kết vùng
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình cho biết, TP Hồ Chí Minh mới cần thay đổi tư duy phát triển khu công nghiệp. Không nên làm tràn lan mà phải tạo ra các cụm công nghiệp theo ngành, đạt chuẩn xanh, có tính kết nối cao và tích hợp được cả công nghệ và nhân lực”. Theo đó, đa số doanh nghiệp hiện nay có mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất tự động hóa hoặc theo tiêu chuẩn ESG nhưng vẫn thiếu quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật tương xứng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đất công nghiệp sạch, hạ tầng hiện đại, kết nối tốt đang vượt xa nguồn cung. Trong khi đó, các khu công nghiệp cũ của thành phố đang gặp khó về điều chỉnh chức năng hoặc nâng cấp do vướng quy hoạch. Việc mở rộng không gian sang Bình Dương, Vũng Tàu vì vậy trở thành lựa chọn chiến lược để giải bài toán này.
Phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... giúp cho TP Hồ Chí Minh tăng trưởng tốt.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, TP Hồ Chí Minh không thể chỉ phát triển công nghiệp dựa trên giá nhân công rẻ hay sản xuất gia công. TP Hồ Chí Minh mới phải dẫn dắt mô hình công nghiệp mới cho cả vùng, đó là công nghiệp xanh, công nghiệp số, công nghiệp sáng tạo và hướng đến trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Ngân, điểm quan trọng không chỉ nằm ở việc thu hút nhà đầu tư, mà còn ở việc tạo hệ sinh thái công nghiệp đổi mới, bao gồm nghiên cứu, sản xuất, đào tạo, logistics và tiêu thụ. Muốn làm được điều này, TP Hồ Chí Minh cần liên kết chặt với hai địa phương mới sáp nhập để phát triển mạng lưới công nghiệp “liền mạch”, không phân tán, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Quốc Dũng, đại diện Tập đoàn TTI (Mỹ) tại Việt Nam cho biết, việc phát triển công nghiệp hiện nay không chỉ đơn thuần là xây dựng nhà xưởng và tuyển lao động, mà cần hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện. “Chúng tôi ưu tiên mở rộng chuỗi cung ứng tại những khu vực có năng lượng tái tạo, hệ thống logistics kết nối tốt và đặc biệt là chính quyền đồng hành phát triển R&D. TP Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng khi định hình vùng sản xuất thông minh, nhưng cần triển khai nhanh và thực chất hơn”, ông Dũng nhận định.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch mạnh sang mô hình công nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải và tuân thủ chuẩn ESG, việc TP Hồ Chí Minh mở rộng địa bàn là cơ hội để tái định hình mô hình phát triển. Theo ông Dũng, đây không chỉ là mở rộng không gian địa lý mà còn là bước chuyển chiến lược, đưa thành phố từ vai trò trung tâm sản xuất truyền thống trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao và bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thành lập TP Hồ Chí Minh mới là cơ hội vàng để thành phố phát huy tối đa lợi thế. Trong đó, phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, đổi mới sáng tạo được xác định là động lực then chốt để TP Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Thành phố sẽ phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, sản xuất thông minh; phát triển công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon; nâng cấp chuỗi giá trị, tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, có giá trị gia tăng lớn; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư, liên kết vùng
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc