TPHCM: Báo động tình trạng ô nhiễm nông nghiệp

TPHCM: Báo động tình trạng ô nhiễm nông nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Những dòng kênh... "đỏ nặng"
Những ngày giữa tháng 11/2024, chúng tôi có mặt tại vùng phía Tây thành phố và nhận thấy dòng nước ô nhiễm, cỏ cây héo úa dọc con kênh Ranh (giữa địa phận TPHCM và tỉnh Long An). Lần theo dòng nước đen, phía đầu nguồn thuộc tỉnh Long An có nhiều KCN và các cơ sở sản xuất lớn ngay chân cầu Tỉnh lộ 9. "Hôm nào trời không mưa là nước đen đặc, bốc mùi nồng nặc" - ông Hoàng Quốc Bảo, kỹ sư tại công trình khai thác thủy lợi Bình Chánh, chỉ tay xuống dòng kênh nói.
Ông Bảo cho biết, các KCN và cơ sở sản xuất phần lớn còn xả nước có màu đen và hôi. Ông dẫn chúng tôi đi theo con đường dọc kênh để đến gần hơn các nguồn thải. Dù còn khá xa mới tới, nhưng mùi nồng nặc từ dưới lòng kênh đã xộc thẳng vào mũi. Những đám cỏ xỉn đen, héo quắt, cây cối trên bờ cũng xám úa. Càng lại gần nơi cống xả, cây cối chết càng nhiều, từng trảng cỏ gục đầu xuống dòng nước đen đang sủi bọt... Gắn bó với các công trình thủy lợi tại đây, ông Bảo đã nhiều lần nhìn thấy dòng nước trên con kênh chuyển màu đỏ quạch rồi chảy thẳng vào nơi sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân thành phố thông qua hệ thống thủy canh.
Kênh Ba Bò dù được cả TPHCM và Bình Dương quan tâm chỉnh trang nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn còn nghiêm trọng
Theo Công ty TNHH Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, nước ô nhiễm từ kênh Ranh đổ ra sông An Hạ rồi về khu vực hệ thống kênh thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh và chảy ra sông Vàm Cỏ. Hướng còn lại đổ về kênh Rạch Tra và hòa vào sông Sài Gòn. "Nguồn nước trên các kênh thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho gần 10.000ha đất nông nghiệp. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng thì đời sống sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn" - một cán bộ phụ trách thủy nông của công ty cho biết.
Mới đây, UBND huyện Bình Chánh đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước bởi đang gây ảnh hưởng đến gần 2.000 hộ nuôi cá và trồng lúa nơi đây. Tình trạng ô nhiễm này ngày càng nghiêm trọng, không chỉ do nguồn nước thải công nghiệp mà cả nước thải sinh hoạt đô thị vẫn chưa được xử lý thải ra. Ngoài nguồn nước từ kênh Chợ Đệm chảy sang, UBND huyện Bình Chánh cũng cho rằng, hiện trên địa bàn còn nhiều nguồn nước thải công nghiệp không đạt chuẩn xả ra môi trường, làm ô nhiễm kênh rạch và diện tích ô nhiễm ngày càng lan rộng. Đáng chú ý là tình trạng nước thải tại KCN Lê Minh Xuân chảy tràn vào hệ thống nước mưa, đổ ra nhiều nhánh kênh B, kênh C rồi thông ra sông Chợ Đệm. Các hộ nông dân nuôi cá và trồng lúa sử dụng nguồn nước từ kênh rạch gần đây đã xuất hiện tình trạng cá chết nhiều hơn, cây trồng bị ảnh hưởng.
Nhiều nhà máy hoạt động bên kênh đen phía Long An, dòng nước này sẽ đổ về TPHCM hòa vào mạng lưới thủy lợi ở Bình Chánh
Đến "túi" hứng ô nhiễm
Không chỉ ở kênh Ranh, ghi nhận của chúng tôi trên các kênh T38, Thầy Cai, Ba Bò thuộc địa bàn giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương cũng đang ô nhiễm.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến khu vực kênh T38, nằm giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Tây Ninh. Anh Nguyễn Thanh Bình nhà ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, có 3 sào lúa bên dòng kênh T38 đang bỏ không vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng, bức xúc: "Các công ty sản xuất từ phía huyện Trảng Bàng - Tây Ninh liên tục xả thải gây chết kênh từ lâu rồi! Khi con nước lớn hoặc trời đổ mưa họ càng xả tợn, rất nặng mùi, nhức cả đầu, đến cả lúa cũng bị thối rễ chết nữa là...".
Dọc theo con kênh này có nhiều công ty chuyên ngành thuộc da và thức ăn gia súc đang xả thải. Nước ô nhiễm từ dòng kênh chia làm hai nhánh chảy về sông Vàm Cỏ và chủ yếu ra kênh Thầy Cai. Kênh T38 và kênh Thầy Cai còn hứng chịu nguồn xả thải của các KCN Linh Trung 3 và Trảng Bàng (Tây Ninh). Nước từ kênh Thầy Cai hòa vào dòng Sài Gòn góp phần gây ô nhiễm cho con sông này.
Nước sông Vàm Cỏ đen kịt bên cạnh vùng thâm canh nông nghiệp của người dân
Ở khu vực kênh Ba Bò (chảy từ tỉnh Bình Dương qua TP.Thủ Đức), người dân ở đây cho biết tình trạng ô nhiễm vẫn chưa chuyển biến nhiều, dù con kênh đã được cải tạo nhiều năm. Các nguồn gây ô nhiễm chính cho kênh Ba Bò đều từ phía Bình Dương, gồm nước thải từ KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II; nước mưa và nước thải của khu dân cư khu phố Tân Long, khu dân cư Xóm Nghèo, khu tái định cư Sóng Thần, khu dân cư Đường Sắt, khu thương mại Sóng Thần; nguồn nước mưa, nước thải của một số khu phố thuộc P.Bình Hòa (TP.Thuận An). Tại đoạn kênh cắt ngang Tỉnh lộ 43, nước vẫn còn bốc mùi, sủi bọt xà bông, không khá hơn mấy so với trước đây, lúc thành phố chưa cải tạo nó.
Báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng cũng cho thấy, chất lượng nước kênh Ba Bò có cải thiện so với trước khi cải tạo, nhưng gần đây đã ô nhiễm trở lại. Các chỉ số đánh giá như BOD, COD, TSS qua quan trắc vẫn còn vượt so với quy định. Ngoài ra, các chỉ tiêu vi sinh và chất hoạt động bề mặt không được cải thiện mà còn tăng nhiều lần so với trước đây. Nguyên nhân chất lượng nước kênh Ba Bò chưa được cải thiện nhiều mà còn có dấu hiệu tăng ở một số chỉ số là do nước từ các khu dân cư, khu sản xuất chưa được xử lý thải trực tiếp xuống kênh. Vấn đề nan giải là các nguồn thải chủ yếu từ phía Bình Dương nên thành phố khó can thiệp, kiểm soát.
Một cán bộ tại Trung tâm Quan trắc môi trường Bình Dương thừa nhận, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp trong các KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II chưa đấu nối hết nước thải về nhà máy xử lý nước tập trung. Bên cạnh đó, chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý của các KCN này, nhiều lần quan trắc cho thấy chỉ tiêu niken còn vượt quy chuẩn cho phép. Chính điều này gây ô nhiễm cho kênh Ba Bò.
Con kênh này sau khi đổ về đập nước của Quân đoàn 4 là chảy qua rạch Cầu Đất, vào rạch Vĩnh Bình và góp phần gây ô nhiễm nguồn nước vùng hạ lưu tiếp giáp trên sông Sài Gòn, nơi đang có hàng chục ngàn hec-ta đất sản xuất nông nghiệp thuộc phía Đông thành phố.
CHÂU HỒNG KIỆT
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/doi-song/bao-dong-tinh-trang-o-nhiem-nong-nghiep_170663.html