Không đồng ý với chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư và khiếu nại bất thành nên tháng 1-2024, bà H khởi kiện UBND quận nơi có đất ra tòa để yêu cầu chi trả tiền tạm cư cho gia đình bà.
Tuy nhiên quá trình gửi đơn khởi kiện của bà cũng lắm trần ai.
Hình minh họa.
Hai lần thông báo sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện
Ngày 1-4-2024, tòa án có thông báo yêu cầu bà H sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ (bản chính một số giấy tờ, tài liệu về thu hồi đất).
Bà H sau đó nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và bản giải trình về việc không có bản chính tài liệu theo yêu cầu. Thế nhưng đến ngày 3-7-2024, tòa án tiếp tục có thông báo yêu cầu bà H sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và cung cấp tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Trong đó, yêu cầu bà H nộp các giấy tờ, tài liệu chứng minh hành vi trái pháp luật của UBND quận về việc không thực hiện giải quyết chi trả hỗ trợ chi phí tạm cư; giấy tờ, tài liệu chứng minh UBND quận từ chối chi trả chi phí tạm cư...
Ngày 18-10-2024, bà H tiếp tục có bản giải trình về việc không có bản chính tài liệu. Đồng thời, bà H nộp bản chính biên bản tiếp công dân ngày 2-8-2022 của UBND quận và đơn yêu cầu giải quyết thanh toán tiền tạm cư, khấu hao tài sản...
Tòa án cho rằng bà H không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi trái pháp luật của UBND quận về việc không thực hiện giải quyết chi trả hỗ trợ chi phí tạm cư cho bà H. Sau đó, tòa đã ban hành thông báo yêu cầu bà H nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ như sau đó bà H không liên hệ tòa án để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu.
Từ đó, tòa án cho rằng đơn khởi kiện của bà H thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện vì đã hết thời hạn theo quy định tại Điều 122 của Luật TTHC nhưng người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Vì vậy, tòa đã thông báo trả lại đơn khởi kiện.
Không đồng ý, bà H khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện nhưng không được chấp nhận. Do đó, bà H tiếp tục khiếu nại đến Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Việc trả lại đơn khởi kiện là không đúng
Giải quyết khiếu nại, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng tại đơn khởi kiện ngày 29-1-2024, bà H yêu cầu tòa án buộc UBND quận chi trả tiền tạm cư.
Trước đó, bà H khiếu nại 3 nội dung về việc Nhà nước thu hồi nhà của bà H để làm dự án, trong đó có nội dung khiếu nại yêu cầu thanh toán tiền tạm cư.
Tại báo cáo kết luận ngày 24-5-2010, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc giải quyết thanh toán tiền tạm cư cho bà H theo quy định của phương án đền bù đã được UBND tỉnh phê duyệt. Như vậy, nội dung khởi kiện của bà H phù hợp với kết luận nêu trên của Thanh tra Chính phủ.
Mặt khác, căn cứ khoản 2 Điều 78 Luật TTHC thì người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính.
Do đó, việc tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do bà H không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi trái pháp luật của người bị kiện là không đúng quy định của pháp luật.
Từ đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp chấp nhận khiếu nại của bà H. Hủy bỏ thông báo trả lại đơn khởi kiện; hai thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại.
Đồng thời, yêu cầu tòa cấp dưới nhận lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn của bà H, để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Khi nào trả lại đơn khởi kiện?
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật TTHC thì thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của tòa án.
Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật TTHC thì thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án. Nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của thẩm phán thì thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.
Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
- Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;
- Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án;
- Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật TTHC mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;
…
Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện.
(Trích Điều 122, 123 Luật TTHC 2015)
YẾN CHÂU