Ngày 30-11, tại TP Cần Thơ, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL phối hợp với UBND TP Cần Thơ, UBND TP.HCM tổ chức tọa đàm Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NHẪN NAM
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối TP.HCM với 9 tỉnh, thành ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre. Qua đó đánh giá thực trạng cầu, bến, các cơ sở dịch vụ du lịch và các tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng.
Chuyến khảo sát là cơ sở để Sở Du lịch TP.HCM có cái nhìn tổng quan về tiềm năng và thách thức khi khai thác, mở rộng các tuyến du lịch, đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp du lịch để đưa ra những đề xuất phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, qua đi thực tế các tuyến sông ở TP.HCM và ĐBSCL “có thể thấy tiềm năng còn rất lớn nhưng chúng ta chưa có quy hoạch để khai thác hết tiềm năng này”.
“Nó thiếu những điểm đến có giá trị và đi trên sông ngắm lên bờ thì thấy có ít cái để ngắm. Ngắm được rồi thì muốn leo lên chỗ nào, lên tới nơi rồi thì di chuyển ra sao để đến cái điểm mình đã ngắm được. Nó là hàng loạt các công việc, không chỉ nói đến du lịch đường thủy là đi trên sông nước không mà đi sông nước rồi thì phải đến điểm đến trên bờ, đến bằng phương tiện gì, hình thức ra làm sao” – ông Dũng gợi mở.
Chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ là một điểm đến du lịch được nhiều du khách lựa chọn. Ảnh: HH
Phát biểu tại tọa đàm, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu đã chỉ ra những tồn tại, bất cập của ngành du lịch nói chung và du lịch đường sông nói riêng.
Đó là vẫn còn ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch giữa các địa phương còn na ná nhau, chất lượng lưu trú chưa đảm bảo. Du lịch đường sông hiện chưa đồng bộ giữa đội tàu, ca nô với các bến, điểm dừng chân; thiếu những cầu cảng hiện đại để đón những du thuyền tầm cỡ. Hoặc là vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là rác trên sông, sử dụng phương tiện thân thiện với sông nước. Các địa phương chưa có chính sách đồng bộ về phát triển du lịch đường sông…
Với những định hướng về du lịch đường sông và sự phát triển của các tour tuyến du lịch đường sông kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng “cái đà này trong tương lai những dòng sông của ĐBSCL sẽ đầy ắp du thuyền”. Tuy nhiên, du thuyền ra nhiều thì sản phẩm kèm theo là gì, có tránh được cái na ná trùng lắp hay không?
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NHẪN NAM
Theo ông Nhâm Hùng, “cách đây hơn trăm năm thì ĐBSCL này đã có chớm nở về du lịch đường sông”. Ông chỉ mọi người đọc lại Hậu Giang - Ba Thắc của học giả Vương Hồng Sển, trong đó có kể về hành đi học từ Sóc Trăng lên Sài Gòn bằng tàu kéo dài hai ngày một đêm với nhiều cảm xúc đẹp về sông nước…
Hai người nữa ông Nhâm Hùng nhắc đến là học giả Phạm Quỳnh và “nhà Nam Bộ” Sơn Nam. Trong đó, học giả Phạm Quỳnh từng nói rằng không có gì thú vị bằng bằng dịch chuyển đi chơi trên sông Tiền và sông Hậu.
“Nói như vậy để gợi mở, làm sao tận dụng tri thức dân gian, góc nhìn lịch sử để xây dựng những sản phẩm du lịch, để tránh những nhìn cái na ná về sản phẩm” – Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng góp ý.
NHẪN NAM