Trận đánh lớn

Trận đánh lớn
4 giờ trướcBài gốc
Vừa ngồi xuống quán nước ở đầu ngõ, chưa kịp thở xả hơi thì lại nhận lệnh theo đối tượng, Tâm vội trả tiền rồi làm một hơi hết sạch cốc nước vối. Nhìn xuống đôi tông Lào và chiếc quần soóc lấm lem bụi, Tâm suýt buột miệng thở dài. Suốt từ sáng sớm nay, anh theo dõi một đối tượng đến quá trưa. Thời tiết oi nồng, mồ hôi quyện với bụi dính trên da nhơm nhớp. Định bụng uống xong cốc nước thì phi về nhà tắm rửa, thay quần áo cho mát mà không kịp.
Thật đúng là cái số suốt ngày lông nhông ngoài đường. Tâm phì cười. Ông bạn thân của bố vậy mà đoán đúng. Chả hiểu sao bố Tâm, một người chẳng bao giờ tin vào thánh thần, ma quỷ lại chơi thân với một người bạn làm thầy cúng và coi tướng số. Ngày Tâm còn bé, ông ghé nhà chơi, thấy Tâm, ông phán “nhìn tướng thằng này là biết sau này lớn lên làm đủ mọi nghề, suốt ngày ngoài đường chứ chẳng mấy khi có mặt ở nhà”.
Chiếc xe máy bụi bặm hệt như chủ nhân nổ máy phả ra một làn khói trắng rồi hòa vào dòng người ngược xuôi hối hả. Chiếc xe của đối tượng đang đậu trong một nhà hàng sang trọng. Cứ ngỡ chúng sẽ chọn nơi này ăn uống, bàn bạc công việc, ai ngờ một phút hứng chí, chúng rủ nhau đi ăn chơi, đập phá, sẵn móc nối làm ăn. Sau một cuộc điện thoại, hai em gái xinh như mộng, chân dài, da trắng bắt taxi tới nhập cuộc. Chiếc xe hạng sang từ từ lăn bánh về hướng thành phố.
Nổ máy, Tâm bám theo chiếc xe hơi đời mới lao vun vút trên cung đường đèo ngoằn ngoèo. Không biết sáng nay ra đường bước chân nào mà không được ngồi yên lấy vài phút. Điện thoại còn mấy nghìn đồng, chưa kịp nạp. Trong túi quần cũng còn độ hơn trăm bạc vì chưa có lương. Tâm cũng chủ quan nghĩ cố nốt hai ngày nữa, hơn trăm bạc là vừa đủ. Tâm tặc lưỡi, thôi kệ, tùy tình hình rồi tính tiếp. Đến nơi gọi điện về cho đồng đội bắn tạm cho vài trăm vào tài khoản, được cái bây giờ có thẻ ATM nên tiện hơn ngày xưa nhiều.
Đi đến giữa đường thì trời mưa như trút nước. Mưa ở cái xứ cao nguyên này đến, đi không hẹn trước. Nắng gay gắt chừng nào thì mưa dữ dội chừng ấy. Cứ như thể ở cái đất này không một thứ gì được phép lừng khừng, phân vân, cái gì cũng phải hết mình, dù có vắt sức đến cạn kiệt. Mưa quất vào mặt Tâm bỏng rát. Nước mưa tạt vào mắt cay sè. Tâm căng mắt nhìn vào màn mưa bám theo chiếc xe bóng bẩy, vừa bặm môi để ngăn cái lạnh đang ngấm vào da thịt, vừa cố giữ khoảng cách đủ để bám đuôi mà không làm đối tượng nghi ngờ. Đến nơi, mua bộ quần áo bên lề đường giá vài chục ngàn, mua tạm ổ bánh mì không, gọi điện cho bạn bắn tiền vào tài khoản để thuê căn phòng trọ giá rẻ, anh chìm vào cơn sốt khát cháy.
Minh họa: Hà Huy Chương
Hình như Tâm đang mơ. Mơ có bàn tay mát lạnh đặt lên trán anh. Mơ có giọng nói nhẹ nhàng của ai đó gọi anh dậy. Hình như anh còn ngửi thấy mùi cháo trứng lá tía tô thơm thơm. Anh cố nhấc đôi mí mắt nặng trĩu. Một khuôn mặt hiền lành đang cúi xuống nhìn anh đầy lo lắng. Lan. Giọng anh khàn khàn:
- Em xuống từ lúc nào đấy? Bây giờ là mấy giờ rồi? Anh ngủ lâu chưa?
Lan đỡ anh dậy, kê gối ra sau lưng cho anh tựa:
- Em mới xuống độ khoảng hai tiếng. May mà cũng gần chứ xa thêm một tí thì không biết tình hình anh thế nào. Tám giờ sáng rồi anh ạ. Anh ăn cháo đi cho khỏe. Em mới mua đấy.
Mồ hôi túa ra hai bên thái dương và ướt đẫm lưng áo, Tâm thấy mình khỏe hẳn. Trinh sát mà, ăn sương uống gió, có ốm cũng chỉ một chốc một lát rồi phải cắn răng mà gượng dậy. Chứ nếu ốm vật ra đấy, đối tượng chạy mất thì công toi.
Lan đưa cho anh ba lô quần áo. Thay đồ xong, anh tặc lưỡi:
- Đúng là “lên voi xuống chó”. Hôm qua thì tơ tướp, nay chẳng khác gì con nhà giàu.
Lan khoác tay anh:
- Thiếu gia của em, mình rời khỏi phòng trọ tồi tàn này thôi. Anh đưa em đi thuê khách sạn nào sang nhất cái thành phố này. Em “cuỗm” được tiền của ông bà già, đủ để chúng mình ăn chơi xả láng cả tháng ở đây không cần lo nghĩ nhé.
Tâm giả vờ hôn cái chụt lên má Lan, búng tay điệu nghệ:
- Ô kê em yêu. Đi!
*
Cơn mưa rả rích từ chiều không làm chùn bước chân của những kẻ lắm tiền nhiều của muốn cháy hết mình cho những cuộc vui. Ánh đèn xanh đỏ chớp tắt, tiếng nhạc xập xình, những điệu nhảy cuồng nhiệt, đam mê, đám đông cháy hết mình, nhún nhảy, lắc hông, ôm ấp, cụng ly, thể hiện. Trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp, thừa mứa vật chất ấy, nơi góc đường cách quán bar vài trăm mét, những phận người mưu sinh lầm lũi khoác chiếc áo mưa mỏng dính, bung dù che cho đồ khỏi ướt, co ro chờ khách. Mưa, chẳng mấy ai qua lại. Chỉ có tiếng nước chảy ồ ồ dưới lòng đường nghe sốt hết cả ruột. Miệng cống đầy lá cây, rác rưởi khiến nước không thoát kịp, đọng thành một vũng phản chiếu ánh đèn đường rọi xuống hiu hắt.
Chị Ngoan lấy tấm bạt trùm lên chiếc xe đẩy bán bắp nướng, trứng nướng, nhìn về phía quán bar, chép miệng tủi phận:
- Nay mưa, chẳng ai ra khỏi nhà, ế ẩm quá. Đúng là người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra.
Chị ngồi co ro trên chiếc ghế nhựa, nép mình vào xe cho mưa đỡ hắt. Tấm áo mưa mỏng dính không ngăn nổi cơn lạnh. Bên cạnh chị là quầy hàng của bác hủ tiếu gõ và bà cụ bán cháo đêm, trứng vịt lộn. Vắng khách, bác hủ tiếu gõ kể cho bà cụ trứng vịt lộn nghe về những đứa con. Chồng mất sớm, chị phải gửi ba đứa con cho bà ngoại chăm sóc để bươn chải nuôi chúng được học hành. May mà ba đứa biết thương mẹ, thương bà, biết cảnh nhà khó nên cố gắng học tập, ngoan ngoãn. Cứ con chị dạy con em, rồi con em lại dạy thằng út, chẳng mất đồng tiền học thêm nào mà cả ba đứa đều đạt danh hiệu xuất sắc, thi học sinh giỏi đoạt giải cao. Chỉ mong chúng nó khỏe mạnh, ngoan ngoãn là mừng rồi. Bây giờ đủ thứ lo, con bé lớn gọi điện cho mẹ kể ở trường có mấy đứa học sinh bị ép hút hít gì đấy, Công an mới phát hiện ra. Nghe nó kể mà mấy đêm rồi chị cứ lo không ngủ được.
Chị Ngoan vẫn dõi mắt nhìn về phía quán bar, nhìn những người sang trọng, ăn mặc sành điệu, nước hoa thơm ngát, xe sang đưa đón ra ra vào vào. Chỉ cách nhau một đoạn ngắn thôi mà số phận cứ như người trên trời, kẻ dưới đất. Nghe chị hủ tiếu gõ kể chuyện con cái, ruột gan chị cùng cồn cào nỗi nhớ.
Con gái chị mới hơn ba tuổi. Ngày nào con bé cũng gọi điện hỏi khi nào mẹ về thăm con. Con không cần mua sữa nữa đâu, chỉ cần mẹ về thôi. Nghe con nói mà chị thấy ngực mình nghẹn ứ lại. Chồng chị dỗ con, nhiều đêm phải lấy áo của mẹ mặc để con đỡ nhớ hơi mẹ mới chịu ngủ. Biết là vất vả, nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, thuận lợi như mình mong muốn được. Chị phải hứa khi nào về thăm con sẽ mua đồ chơi, búp bê, con bé mới thôi khóc đòi mẹ.
Chả hiểu đã chán cao lương mĩ vị hay nhảy nhót nhiều đói quá, một tốp thanh niên ăn mặc sành điệu, tóc tai cắt nhuộm theo những diễn viên nổi tiếng nhất vừa ra khỏi quán bar lại kéo nhau vào gọi ngô nướng, hủ tiếu, trứng vịt lộn. Vừa ăn uống, chúng vừa cười nói rôm rả. Một thằng tóc nhuộm vàng, mặt đầy mụn trứng cá ném cái vỏ trứng xuống vỉa hè rồi lấy chân giẫm nát, di cho nó kêu lạo xạo, quay sang bảo con bé mặc váy ngắn để lộ cặp đùi trắng đến lóa mắt:
- Hôm nay trúng mánh, được cho không nhiều lắm. Tha hồ mà phê.
Con bé ỏn ẻn tách từng hạt bắp rồi mới nhón lấy cho vào miệng, cười tình tứ:
- Đã bảo đi với em thì lúc nào cũng đỏ mà lại.
Ăn uống no nê, chúng kéo nhau leo lên những chiếc xe phân khối lớn phóng đi, để lại tiếng nẹt pô và làn khói xăng khét lẹt. Nước đọng dưới lòng đường bắn lên tung tóe, tạt ướt hết chị Ngoan, bà cụ trứng lộn và chị hủ tiếu gõ.
*
Gặm hết chiếc bánh mì, uống một hơi hết chai nước lọc, Tâm quay sang Lan, hóm hỉnh:
- Không cặp với thiếu gia nhà giàu như anh, em làm sao mà được ăn những món ăn thịnh soạn thế này. Uống chai nước nữa là no đến sáng mai luôn á.
Trái với thái độ lạc quan của Tâm, Lan trầm lắng hơn. Cô đang suy nghĩ về những sự việc phát sinh trong mấy ngày nay. Ba Tài và Tư Hưng có vẻ đã nghi ngờ về sự xuất hiện của Tâm và cô tại khách sạn này. Chúng đã bắt đầu dò xét và cảnh giác. Cô và Tâm chưa để lộ bất cứ sơ hở nào ngoài việc là cậu ấm, cô chiêu trốn nhà đi ăn chơi, hưởng thụ nhưng hai người ít xuất hiện tại nhà hàng dưới khách sạn mà chỉ đóng cửa im ỉm ở trong phòng trừ những lúc đi ra ngoài.
Số tiền công tác có hạn, thuê một căn phòng ở khách sạn hạng sang đã là sự cố gắng hết sức. Mấy ngày nay, hai anh em phải ăn bánh mì cô đã mua bỏ sẵn trong ba lô, mì tôm cũng không dám nấu mà nhai sống rồi uống nước cho... nở ra. Đêm ngủ, anh Tâm cuốn chăn nằm dưới đất nhường giường cho cô ngủ. Những bộ đồ có vẻ sang chảnh cô và anh Tâm mặc cũng là đồ đi mượn của mọi người. Đúng là “ba năm được một chuyến sai/ Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê”. Lắm lúc, cô cũng phải phì cười vì mang tiếng vào vai bồ của thiếu gia mà cô phải gặm bánh mì, nhai mì tôm sống cho qua bữa.
Bám theo Ba Tài và Tư Hưng vào vũ trường, chốn ăn chơi dành cho kẻ có tiền không làm khó được Tâm và Lan. Lúc thì hai đứa giả vờ vào tìm bạn. Điện thoại áp sát vào tai, nói như quát trong tiếng nhạc xập xình “tao tới rồi, mày ngồi chỗ nào” trong khi người còn lại nhanh chóng quan sát, ghi nhớ những người đối tượng ngồi cùng rồi rút lui vì... không có tiền gọi đồ uống.
Chẳng phải chỉ riêng lần này, những nhiệm vụ trước của Tâm và Lan, chuyến nào cũng đầy những câu chuyện cười ra nước mắt. Họ hàng, làng xóm chẳng ai biết mình làm gì. Lắm người còn coi thường mình thất nghiệp, suốt ngày chỉ thấy lông ba lông bông, uổng cả công bố mẹ nuôi cho ăn học. Thậm chí, có lúc còn bị mắng vì không có ý chí, chểnh mảng, lười biếng, theo bạn bè lôi kéo nên đang là học sinh giỏi những năm phổ thông mà trưởng thành lại là đứa không nghề ngỗng. Cả họ nhà Tâm đã liệt Tâm vào hàng ế vợ vì... lông bông, có ma nó thèm lấy.
Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi ngồi uống nước trà với anh em, Tâm hay bảo, mọi người tưởng mình thất nghiệp, chơi bời chứ sau này về hưu, ai cũng có đủ nghề tay trái để bù thêm vào tiền lương hưu. Nào là ve chai, đồng nát, nào bán bánh mì, trái cây, rồi xe ôm, shipper... đủ cả. Không lần nào là không có “tai nạn nghề nghiệp”. Lần thì bị cảnh sát khu vực kiểm tra vì người dân nghi ngờ “đám thanh niên choai choai tụ tập chuẩn bị đua xe”. Lần thì bị Công an, dân phòng đuổi vì người dân nghi ngờ là con nghiện rình mò để trộm cắp nên gọi điện báo.
Lần thì bị các ông xe ôm cũ đuổi vì “đất có thổ công, sông có hà bá, mày ở đâu lơ ngơ đến đây định chiếm địa bàn làm ăn của chúng tao à”. Lại có lần, chính đối tượng đang bị theo dõi ngoắc xe ôm, chạy xe mà vừa mừng vừa lo. Mừng vì một công đôi việc. Lo vì nhỡ đối tượng phát hiện ra mình, vờ đón xe chỉ đến địa điểm vắng rồi “xử”. May mà chuyến ấy an toàn, khám phá thêm được vài chi tiết đắt giá phục vụ chuyên án. Còn Lan, có lúc “đứng đường”, lúc làm bụi đời bị bọn bảo kê cho ăn đòn hội đồng vì dám “xâm phạm lãnh địa”. Năn nỉ không được, Lan phải kêu “đàn anh” mang gậy ra dằn mặt giang hồ.
Lan sờ sợi dây chuyền trên cổ. Sợi dây chuyền hai chỉ là món quà mẹ tặng cô mừng ngày tốt nghiệp. Mẹ bảo con gái lớn cũng phải có chút trang sức làm dáng, tuy không nhiều nhưng là của để dành những lúc lỡ có công, có việc. Hai chỉ chắc cũng đủ để cô và anh Tâm ngồi dưới nhà hàng khách sạn được vài bữa.
*
Những cơn gió đêm không đủ sức xua đi những ngột ngạt trong căn phòng trọ cũ kỹ, ẩm thấp. Hơi nóng tích tụ suốt một ngày dài trên mái tôn phả xuống hầm hập, bức bí. Chị Ngoan không ngủ được. Quần quật dọn dẹp cả ngày dài khiến đôi tay, vai và lưng mỏi nhừ. Chị ngồi dậy, vòng tay ra sau lưng đấm nhẹ. Ngày thì xin làm dọn phòng theo ca, đêm ngồi bán hàng lề đường, mệt mỏi rã rời mà bao suy tư, trăn trở khiến chị chẳng thể nào dỗ nổi mình vào giấc ngủ.
Phòng trọ nhỏ, san sát, phòng khác làm gì phòng bên cạnh biết hết. Căn phòng trọ sát bên phòng chị, một đôi vợ chồng trẻ thuê. Đôi vợ chồng từ một vùng quê nghèo, dắt díu nhau lên đây kiếm việc. Vợ làm công nhân cây xanh, chồng đi xây. Cuộc sống vất vả nhưng hai vợ chồng yêu thương nhau, chẳng bao giờ thấy to tiếng, cãi cọ. Đêm nay họ cũng không ngủ được. Tiếng nói chuyện dù khẽ nhưng vẫn khiến chị nghe được. Họ bàn tính chuyện tương lai, cố gắng làm lụng, dành dụm để cuộc sống của cha mẹ già và những đứa con trong tương lai bớt vất vả. Tiếng cười rúc rích, tiếng trêu đùa của đôi vợ chồng khiến lòng chị cồn cào nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con. Không biết con gái chị đêm nay có ngủ ngoan hay lại khóc đòi mẹ. Chồng chị dỗ con bằng điệu hát ru vụng về câu được, câu mất, hay lại phải mặc áo của chị để dỗ con ngủ. Thấy thương anh quá!
Dỗ cho con ngủ xong, chắc anh cũng trằn trọc không ngủ được. Từ lúc kết hôn, đến cả khi sinh con nhỏ, chị chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Con cái đi mẫu giáo, chị cũng chẳng thể đưa đón. Lắm khi còn phải gửi con về nhà ông bà nội, ông bà ngoại nhờ trông giúp. Có đợt anh đi vắng, chị bán hàng đến tận hai, ba giờ sáng mới về, con nhỏ cũng phải nhờ hàng xóm cho bú. Cũng may, anh đỡ đần cho chị và chưa hề trách móc vì chị xa nhà, chẳng mấy khi chăm sóc được gia đình.
*
Cầm ly cà phê đưa lên miệng, Tâm tỏ ra mình là kẻ biết thưởng thức dù mặt đã muốn nhăn lại vì cà phê khét và nhạt toẹt. Thứ cà phê trộn... lăng nhăng, đưa vào khách sạn hạng sang có giá bằng cả mấy bữa ăn sáng ở quán bình dân của anh. Anh và Lan, cô người yêu bé bỏng mấy hôm nay gặp bạn bè cũng toàn là cậu ấm, cô chiêu, điện thoại sang, xe xịn, tiền bạc rủng rỉnh ở quán cà phê sang trọng dưới khách sạn. Chẳng làm gì, chỉ tụ tập rồi tán phét. Toàn những đứa con nhà có điều kiện, mà đã có tiền thì cần gì phải sợ ai. Một đứa con trai tóc nhuộm màu tím khói oang oang: “Ông anh yên tâm, bố em bảo kê hết khu này, em chẳng sợ bố con thằng nào cả. Anh cứ đưa hàng cho em. Với cả, mấy nơi thế này, anh nghĩ ai cũng vào được hay sao mà phải sợ. Làm ăn mà nhát hít thì sao lâu dài được hả ông anh. Không sợ bồ anh cười cho à?”.
Cả tháng trời ròng rã, đối tượng bắt đầu ra ám hiệu móc ngoặc. Tâm và Lan vẫn tỏ ra thờ ơ. Nguồn tin cho biết, Ba Tài, Tư Hưng là những kẻ thường ra vào các vũ trường, phát thuốc miễn phí, chờ cá cắn câu rồi bắt đầu với giá cao. Thuốc của chúng hầu hết là những loại mới xuất hiện nên khi đã mắc nghiện, những kẻ sa ngã phải chấp nhận bằng mọi giá.
Thấy Tâm ỡm ờ, không để ý, Ba Tài cho cô bồ xinh như mộng sang móc ngoặc. Mặc kệ Lan ngồi ngay bên cạnh, cô nàng chân dài, da trắng muốt ngọc ngà vòng tay ôm cổ Tâm, nũng nịu chào hàng giá thấp. Tâm nhướn mày, vẻ khinh thường. Tiền không thành vấn đề, vấn đề là phải ngon. Lúc này hai tên mới cười lớn, bước sang, hất hàm về phía “baby”, ngả ngớn cười:
- Ngon hơn hai em của tụi tôi là cái chắc.
Rồi, để thể hiện, chúng đưa cho Tâm hẳn vài chục viên thuốc kèm lời hứa hẹn không ngon, tụi này cũng không dám gặp lại cậu.
Chuẩn bị thu lưới. Lần đầu tiên Tâm và Lan cùng “đám bạn” ưỡn ngực bước vào vũ trường mà không phải nhờ đi vệ sinh hay chạy vào kiếm bạn. Thấy người quen, Ba Tài, Tư Hưng mời cả nhóm ngồi nhậu chung. Để thử thêm lần nữa cho chắc ăn, hai tên đưa thuốc mời cả nhóm “cắn”. Cắn răng để lắc lư, quay cuồng đến chóng cả mặt như đã say thuốc dù rằng thứ được cho vào miệng là thuốc cảm, đêm về ngủ, nằm trên giường còn tưởng như mình đang trên cánh võng đưa tít. Vài lần thành thân quen, Tâm đặt hàng mấy nghìn viên một lúc.
Ngày giao hàng ở khách sạn, chúng đòi Tâm phải thuê thêm hai phòng khác để nhận hàng và kiểm tiền. Thời gian chậm chạp trôi từng giây một. Quá giờ hẹn, hai tên chưa sang phòng đặt thêm. Tâm và Lan thờ ơ ngồi uống nước đợi. Lần thứ nhất trễ một tiếng, không có hàng. Lần thứ hai sau ba tiếng, tiếp tục là một chiếc túi trống. Điên tiết, Tâm chửi ỏm tỏi, quăng cả chiếc va ly chật cứng từng bó tiền âm phủ được che bằng hai tờ tiền thật bên ngoài. Điện thoại của Tâm và Lan reo inh ỏi, những tiếng chửi bới vọng cả ra loa ngoài như muốn cháy cả máy vì hàng giao không đúng hẹn, không được thì hủy để còn tìm mối khác.
Chín giờ tối, chiếc ba lô chứa đầy thuốc lắc được giao cho Tâm và Lan.
Cửa phòng bật tung. Trinh sát ập vào. Chị Ngoan và Lan khóa tay hai cô bồ trẻ đang có ý định lẻn trốn.
*
Cứ nghĩ đến cảnh thơm đứa con gái bé bỏng cả mấy tháng trời không được gặp, hít hà mùi tóc, mùi sữa tắm em bé trên má con, chị Ngoan thấy niềm hạnh phúc dâng tràn trong lòng mình. Đêm mai thôi, chị sẽ có một giấc ngủ thật êm trong căn phòng quen thuộc bên cạnh chồng con.
Còn Tâm, anh bấm tay người đội trưởng, gãi đầu hỏi vay tiền chờ đến lúc có lương tháng sau sẽ trả. Anh định bụng qua tiệm cầm đồ, chuộc lại sợi dây chuyền cho Lan.
Cả tháng trời ở chung chẳng sao, mà lúc này nghĩ đến cảnh đưa lại cho Lan sợi dây chuyền, Tâm thấy mặt mình nóng bỏng.
Chắc là tại thời tiết mấy nay oi bức quá. Cứ nhìn trời thì biết, sao sáng thế kia thì mai lại nắng to. Tâm thầm nghĩ rồi mỉm cười.
Truyện ngắn của Cao Việt Cường
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/truyen/tran-danh-lon-i751692/