Trào lưu hẹn hò 'cưng chiều công chúa' gây tranh cãi

Trào lưu hẹn hò 'cưng chiều công chúa' gây tranh cãi
5 giờ trướcBài gốc
Một số ý kiến cho rằng hành vi trong trào lưu này giống sự phụ thuộc hơn là yêu chiều. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.
Trên Instagram hiện có gần 130.000 bài đăng gắn hashtag #princesstreatment. Những video thu hút hàng triệu lượt xem mô tả một kiểu hẹn hò lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, người phụ nữ được bạn trai đưa đón, tặng hoa đều đặn, chi tiền cho dịch vụ làm đẹp, thậm chí không cần gọi món khi đi ăn.
“Princess treatment”, tạm hiểu là được đối xử như công chúa, được ví như phiên bản đời thực của những mối tình thời Bridgerton, The Gilded Age hay Downton Abbey, với kiểu đối xử lịch thiệp, chu đáo và đầy chất mơ mộng. Trong mắt nhiều người, đây là sự “lên ngôi” của phong cách yêu kiểu quý tộc giữa thời đại mà hẹn hò online đang ngày càng trở nên thực dụng và rối rắm.
Tuy nhiên, phía sau ánh nhìn lấp lánh ấy là vô số ý kiến trái chiều, theo BBC.
Tình yêu cổ tích thời hiện đại
“Trong thời đại mà tình yêu đôi khi trở nên lạnh lùng và tính toán, sự lãng mạn kiểu cũ bỗng trở nên đáng quý”, chuyên gia nghi thức Myka Meier, người có hơn 650.000 người theo dõi trên Instagram, chia sẻ. Cô cho rằng “princess treatment” không đơn thuần là vật chất mà còn là sự chú ý tinh tế về mặt cảm xúc.
Ý tưởng này càng trở nên phổ biến khi các bộ phim truyền hình lấy bối cảnh lịch sử như Bridgerton hay The Crown liên tục khuấy động màn ảnh, thúc đẩy khát khao được “được theo đuổi đúng điệu” của không ít người trẻ. “Chuyện tình kiểu cổ tích” bỗng nhiên không chỉ là điều để mơ ước, mà còn có thể trở thành hiện thực, miễn là bạn chia sẻ đủ nhiều trên TikTok.
Nổi bật trong trào lưu này là Courtney Palmer, influencer tại Utah (Mỹ), người tự nhận mình là “nội tướng kiểu công chúa”.
"Cưng chiều công chúa" được ví như phiên bản đời thực của chuyện tình cổ tích thời Bridgerton. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.
Một đoạn video của cô thu hút hơn 7,6 triệu lượt xem, trong đó Palmer liệt kê những điều cô không làm khi đi ăn cùng chồng, như không nói chuyện với nhân viên phục vụ, không mở cửa, cũng không gọi món.
Trong khi một số người xem đây là biểu hiện của sự yêu chiều tuyệt đối, thì nhiều người khác phản bác gay gắt. Tác giả Emma Beddington trên The Guardian gọi trào lưu này là “gây buồn nôn” và “đáng lo ngại”. Thậm chí, có ý kiến cho rằng hành xử của Palmer “giống một tù nhân hơn là công chúa”.
Lịch sử cho thấy người Mỹ vốn có sự say mê lâu dài với hình tượng hoàng gia, dù quốc gia này đã thoát khỏi chế độ quân chủ từ gần 250 năm trước.
Từ thời nữ hoàng Victoria, đến hình tượng Công nương Diana, rồi đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle, mối quan tâm đến các nàng công chúa chưa từng hạ nhiệt.
“Họ đại diện cho sự hòa quyện giữa riêng tư và công chúng, là điều phụ nữ Mỹ khó đạt được”, giáo sư lịch sử Arianne Chernock từ Đại học Boston (Mỹ) nhận định.
Theo Chernock, mạng xã hội ngày nay tiếp tục nuôi dưỡng giấc mộng ấy, nhưng lại biến hình tượng công chúa thành phiên bản được gói gọn trong hoa, váy lụa và những hành động ân cần.
“Song làm công chúa ngoài đời thực không dễ dàng như vậy", bà nói, nhấn mạnh yếu tố quyền lực mềm và nghĩa vụ ngoại giao mà các thành viên hoàng gia thực sự phải đảm đương.
Người chiều 'công chúa' là đàn ông lịch thiệp
Dù mang cái tên “công chúa”, trào lưu này thực chất không phản ánh cuộc sống của giới hoàng gia hiện đại. Thay vào đó, như chuyên gia nghi thức Daniel Post Senning (Mỹ) nhận định, “princess treatment” là phiên bản mạng xã hội của tinh thần hiệp sĩ, vốn bắt nguồn từ hệ giá trị trung cổ, nhưng ngày nay thường gắn với hình ảnh người đàn ông lịch thiệp, chủ động trong các mối quan hệ tình cảm.
Chính sự lịch thiệp ấy, theo nhiều nhà nghiên cứu, lại là cách duy trì vai trò giới truyền thống, gắn liền với thứ được gọi là “chủ nghĩa gia trưởng nhân từ”, khi phụ nữ được chiều chuộng nhưng đồng thời bị đặt vào vị thế yếu thế hơn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, các hành động đơn giản như kéo ghế hay đưa đón người yêu về nhà lại có thể là cách thể hiện sự quan tâm.
Hành động như tặng hoa, mở cửa hay chi tiền làm đẹp được tôn vinh trong trào lưu này. Ảnh minh họa: Boris Ivas/Pexels.
Với giáo sư Arianne Chernock, cuộc tranh luận quanh việc “cưng chiều công chúa” không mới. Từ lâu, hình tượng công chúa đã là phương tiện để xã hội bàn luận về hình mẫu người phụ nữ lý tưởng, nhu mì, ngọt ngào, biết chờ đợi và được người khác bảo bọc.
“Những cuộc thảo luận kiểu này là thước đo cho vai trò của phụ nữ trong xã hội”, Chernock nhận xét. Và như mọi vấn đề liên quan đến giới, sẽ không bao giờ tồn tại một câu trả lời duy nhất.
Trào lưu này cũng nối dài chuỗi các cuộc tranh cãi quanh những phong trào mang tính giới tính.
Hè năm ngoái, “trad wife” (người vợ truyền thống) từng gây xôn xao mạng xã hội với hình ảnh những người phụ nữ tóc vàng, sống đời nội trợ trong những căn nhà đầy hoa cỏ và bánh nướng.
Cả hai đều gợi lại hình ảnh cũ kỹ về đàn ông săn bắn – phụ nữ chờ đợi, nhưng được phủ lớp Instagram rực rỡ hơn.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu đã là “công chúa”, sao không đòi luôn quyền lực của “nữ hoàng”? Bởi “công chúa” thường mang màu sắc lãng mạn, dễ thương, không gắn với chính trị hay quyền lực như “nữ hoàng”. Điều này khiến hình tượng công chúa dễ được chấp nhận hơn trong các vai trò truyền thống, như chờ đợi, được yêu chiều.
Song ở chiều ngược lại, sức hấp dẫn của hình ảnh công chúa, đặc biệt với các bé gái, lại không chỉ nằm ở váy áo hay vương miện, mà còn là khát vọng được chủ động.
“Khi các bé gái chơi trò làm công chúa, chúng đang tìm kiếm sự cho phép để được quyền điều khiển mọi thứ", Chernock nói. Hoặc có lẽ, không cần ai cho phép, bởi chính phụ nữ ngày nay là người khởi xướng, kể và chia sẻ câu chuyện công chúa của họ trên mạng xã hội.
Như Phương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/trao-luu-hen-ho-cung-chieu-cong-chua-gay-tranh-cai-post1570182.html