Trâu, bò thả rông 'quậy tưng' khu đô thị ở Đà Nẵng

Trâu, bò thả rông 'quậy tưng' khu đô thị ở Đà Nẵng
2 giờ trướcBài gốc
Từ năm 2006, UBND TP Đà Nẵng đã có quy định về việc cấm nuôi, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nội thị, đồng thời quy định các mức xử phạt cụ thể. Tuy nhiên đến nay, tình trạng trâu, bò được nuôi thả rông, phóng uế bừa bãi trong một số khu đô thị tại Đà Nẵng vẫn còn.
Bò thả rông nghênh ngang trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: TẤN VIỆT
Hội nghị phản biện về… trâu, bò
Ghi nhận của PV những ngày qua, trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài đoạn qua phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) vẫn còn tình trạng trâu, bò thả rông, vô tư diễu phố không thấy ai chăn dắt.
Trâu, bò lang thang từ vỉa hè, lòng đường đến dải phân cách giữa và phóng uế mọi nơi có thể, “tấn công” các khu đất bỏ hoang.
Tuyến đường này đi xuyên qua Khu đô thị sinh thái Golden Hills và các khu tái định cư mới. Dân cư ngày một lấp đầy nên giao thông nhộn nhịp hơn. Nhưng dù suốt tuyến chỉ có hai nút giao có đèn tín hiệu, các phương tiện vẫn phải dừng nhiều hơn trên đường vì tránh trâu, bò đi qua.
Bên trong các tuyến đường ngang đi vào khu đô thị, từng đàn bò thản nhiên gặm cỏ, nằm giữa đường chắn xe qua lại, hoặc băng qua đường gây nguy hiểm cho xe cộ lưu thông.
Tình trạng này nhức nhối đến mức, ngày 6-9 vừa qua, Ủy ban MTTQVN phường Hòa Hiệp Nam phải tổ chức cả một hội nghị phản biện xã hội về thực trạng trâu, bò thả rông để bàn giải pháp xử lý.
Theo UBND phường Hòa Hiệp Nam, trên địa bàn phường có nhiều lô đất trống của các dự án chưa sử dụng không rào chắn, giải phân cách quá lớn tạo điều kiện cho người dân chăn thả trâu, bò trái phép. Đặc biệt khu vực giáp ranh với xã Hòa Liên, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) có nhiều hộ thả bò không tìm ra chủ.
Phường đã triển khai nhiều biện pháp theo quy định pháp luật, cho quy tắc đô thị đi bắt bò trên đường rồi đưa về khu tạm giữ ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), sau đó xử phạt nhưng tình trạng này vẫn còn. Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, phường đã lập biên bản sáu trường hợp bò thả rông.
Trâu, bò thả rông vô tư diễu phố. Ảnh: TẤN VIỆT
Tổng hợp ý kiến tại hội nghị, ông Phạm Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Hòa Hiệp Nam cho hay, nhiều ý kiến cho rằng cần có chế tài phạt nặng hơn để răn đe. Hiện nay chỉ phạt 400.000/trường hợp là rất nhẹ.
Ngoài ra, cần thành lập tổ xử lý trâu, bò thả rông đến từng tổ dân phố để vận động, xử lý. Phường cũng cần kiểm tra, xác định cụ thể trâu, bò thuộc hộ nào để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn khi có sự cố do trâu, bò thả rông gây ra. Bên cạnh đó cần có chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các hộ chăn nuôi.
Mạnh tay bắt, nhốt, phạt
Trâu, bò thả rông không xa lạ tại một số khu đô thị mới ở Đà Nẵng vốn hình thành từ làng quê cũ như Hòa Xuân, Hòa Quý, Phước Lý… Thời gian qua với nhiều biện pháp quyết liệt, tình trạng này có phần thuyên giảm, như tại Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Phó Chủ tịch UBND quận này là ông Ngô Ngọc Hậu cho hay, theo quy định của TP đã có từ lâu thì những hộ chăn nuôi trâu, bò trong khu đô thị phải tuyệt đối cấm. Quận giao cho Phòng kinh tế lên kế hoạch dừng chăn nuôi triệt để.
“Hiện nay đã ổn hơn rất nhiều rồi, chỉ còn vài phản ánh nhỏ lẻ của người dân và các phường sẽ tiếp tục làm cho dứt điểm”, ông Hậu nói.
Mô hình xử lý trâu, bò thả rông hay nhất tại Đà Nẵng phải kể đến phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Giải pháp đưa ra là thành lập đội bắt bò thả rông gồm quy tắc đô thị và những thợ lò mổ nhiều kinh nghiệm được phường thuê để đi “săn” bò.
Từ cuối năm 2023, tổ đội này hoạt động rất hiệu quả, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân Khu đô thị Phước Lý, vốn đau đầu với trâu, bò thả rông.
Trâu, bò thả rông sau khi bị thợ lò mổ bắt được sẽ đưa về gửi ở trang trại xã Hòa Ninh. Khi có chủ tới nhận thì ngoài việc nộp phạt 400.000 đồng/trường hợp, chủ bò phải trả thêm 200.000 đồng/ngày/con cho chủ trang trại được phường Hòa Minh hợp đồng tạm giữ.
Bò thả rông dễ gây nguy hiểm cho các phương tiện trên đường. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, khẳng định, phường đã xử lý triệt để tình trạng trâu, bò thả rông. Hiện trên địa bàn phường còn một số hộ chăn nuôi đã đưa trâu, bò đi nơi khác.
“Mình vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi ngành nghề. Mấy tháng qua ra quân bắt, xử phạt mạnh nên các hộ dân đã ý thức được và không còn nuôi nữa”, ông Phúc nói.
Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, từ lâu quận đã giao cho các phường phối hợp Đội quy tắc đô thị quận xử lý tình trạng trâu, bò thả rông.
“Riêng phường Hòa Minh đã làm dứt điểm. Còn phường Hòa Hiệp Nam bây giờ tôi yêu cầu làm y như Hòa Minh. Trường hợp nào hỗ trợ được thì hỗ trợ, không thì kiên quyết xử phạt. Phải thuê thợ trên lò mổ về vì bắt một con bò không phải dễ, rồi xử phạt ráo riết mới hết được”, ông Nhường nhấn mạnh.
Cấp phường vẫn còn tình trạng này là do không làm kiên quyết. Quy định cấm đã có từ rất lâu, từ khi chia tách tỉnh đã cấm nhưng người dân cố tình nuôi thả. Dân làm tự phát thì phải dời đi, thuê đất chỗ khác nuôi.
Trường hợp nào thật sự khó khăn, như hộ nghèo chỉ nuôi 2-3 con bò làm sinh kế thì còn hỗ trợ được. Còn ai nuôi quy mô lớn thì lo tìm chỗ nuôi tập trung đúng quy định, không thể thả rông bừa bãi như vậy.
Cả các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản cũng phải có trách nhiệm ngăn chặn trâu bò vào khu đô thị của mình, rào chắn hay biện pháp nào đó chứ không thể ngó lơ được. Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu
Tấn Việt
Nguồn PLO : https://plo.vn/trau-bo-tha-rong-quay-tung-khu-do-thi-o-da-nang-post811978.html