Tri thức trẻ không còn phải băn khoăn 'về' hay 'ở'

Tri thức trẻ không còn phải băn khoăn 'về' hay 'ở'
6 giờ trướcBài gốc
Hành lang pháp lý thuận lợi
Ngày 19/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có buổi gặp gỡ 72 đại biểu trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc tại nước ngoài về dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025. Phát biểu tại đây, bà Hằng bày tỏ xúc động khi chứng kiến tinh thần cống hiến của các trí thức trẻ, những người đang mang theo tri thức, tâm huyết và khát vọng đóng góp cho Tổ quốc trong thời đại mới, nơi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột phát triển quốc gia.
Theo Thứ trưởng, tư duy chính sách của Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực để thực sự tạo điều kiện cho kiều bào trí thức không chỉ “về nước”, mà còn có thể “đóng góp từ xa”. Một trong những đột phá nổi bật là việc sửa đổi Luật Quốc tịch, cho phép người Việt Nam ở nước ngoài có song tịch, được khôi phục quốc tịch một cách thuận lợi, qua đó được hưởng đầy đủ các quyền lợi như công dân trong nước, xóa bỏ những rào cản trước đây về sở hữu tài sản hay môi trường làm việc.
“Không thể chỉ kêu gọi suông. Trí thức cần một môi trường để phát huy năng lực thực chất”, bà Hằng nhấn mạnh. Theo bà, ngoài hành lang pháp lý, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường làm việc lành mạnh, không phân biệt công - tư, cạnh tranh dựa trên năng lực. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần chủ động “đặt hàng” các đề tài nghiên cứu, bài toán cụ thể để trí thức Việt kiều có thể tham gia giải quyết, không kể khoảng cách địa lý.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề xuất xây dựng một cơ sở dữ liệu tập hợp trí thức Việt Nam ở nước ngoài, giúp họ dễ dàng gửi gắm ý tưởng, tiếp cận các đề án cụ thể và kết nối với trong nước. Đồng thời, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi các đề xuất từ cộng đồng chuyên gia.
Quang cảnh buổi gặp gỡ. (Ảnh: Đ.Hải)
Những rào cản cần tháo gỡ
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu trí thức trẻ đã nêu lên các khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình mong muốn hợp tác, cống hiến cho đất nước. Tiến sĩ Đinh Hùng Cường (Nhật Bản) chia sẻ rằng quy trình cấp bằng sáng chế ở Việt Nam kéo dài tới 3-4 năm, khiến nhiều sáng kiến lỡ thời điểm ứng dụng. TS Cường đề xuất cần một cơ chế rút gọn xử lý các sáng kiến mang tính chiến lược, cũng như xây dựng mô hình phòng thí nghiệm dùng chung cấp tỉnh, mở cho cả người dân có ý tưởng sáng tạo, thay vì đầu tư dàn trải thiết bị ở nhiều nơi. Về việc đóng góp cho đất nước từ xa, TS Cường cho biết, hàng năm, ông có thể về nước ba tháng làm việc trực tiếp.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Tôn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Kazakhstan, nêu hai rào cản mang tính hệ thống, khi chuyên gia nước ngoài không được chủ trì dự án vì thiếu cơ quan chủ quản, và thủ tục hành chính còn rườm rà, ví dụ như yêu cầu cung cấp công văn có dấu xác nhận của cơ quan Việt Nam, điều gần như bất khả thi với người đang ở nước ngoài.
Các đại biểu trí thức trẻ chia sẻ, kiến nghị tại chương trình. (Ảnh: Đ.Hải)
Một số đại biểu cũng đề xuất công nhận chức danh PGS, TS được phong ở nước ngoài khi trở về Việt Nam, nhằm tiết kiệm thời gian, tránh gây tâm lý chán nản cho người có nguyện vọng cống hiến. Ngoài ra, nhu cầu về các quỹ nghiên cứu dành cho giảng viên trẻ từ nước ngoài trở về cũng là một vấn đề cần sớm giải quyết. Ông Nguyễn Phước Lập, giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhấn mạnh nhu cầu về các quỹ hỗ trợ nghiên cứu dành cho giảng viên trẻ trở về từ nước ngoài. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ cần được đặt hàng cụ thể, họ đều có thể cống hiến hết mình cho quê hương...
Lắng nghe các ý kiến tâm huyết của tri thức trẻ toàn cầu, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng ghi nhận và nhấn mạnh rằng các giải pháp này không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việc tận dụng trí tuệ của cộng đồng trí thức Việt Nam toàn cầu, thông qua mạng lưới được xây dựng từ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, là chìa khóa để hiện thực hóa tầm nhìn này.
Và sự cam kết đồng hành để phát huy trí tuệ Việt
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổng kết các ý kiến và nhấn mạnh 2 vấn đề cốt lõi, xác định thách thức chính là làm sao khơi thông nguồn trí thức của Việt Nam cả ở trong và ngoài nước. Ông Lâm cho rằng, cần đưa ra những bài toán và đặt hàng cụ thể cho cộng đồng trí thức. Mặt khác, cần có một kênh hiệu quả để các trí thức trẻ, đặc biệt là những người ở nước ngoài, có thể tiếp nhận những yêu cầu này và đóng góp giải pháp của mình. Ông Lâm khẳng định, T.Ư Đoàn và Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ đóng vai trò là cầu nối trung gian trong quá trình này, chuyển tải các đề bài đến với các chuyên gia và tạo điều kiện để họ phát huy trí tuệ, thậm chí thông qua việc tham gia đấu thầu thực hiện các đề tài nghiên cứu.
Ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Đ.Hải)
Nhận thức rằng việc gỡ bỏ các “nút thắt” về chính sách cần thời gian và quyết tâm chính trị, ông Lâm đã đưa ra cam kết hành động cụ thể. Theo ông Lâm, T.Ư Đoàn sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu để các trí thức có thể gửi gắm ý tưởng, nêu lên những khó khăn đang gặp phải và đề xuất các giải pháp. Những thông tin quý báu này sẽ được tổng hợp để làm cơ sở thực tiễn, kiến nghị với các bộ, ngành trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý.Đây được xem là một bước đi thiết thực nhằm biến tiềm năng của đội ngũ trí thức thành động lực đóng góp trực tiếp cho mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.
Nguyệt Thương
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tri-thuc-tre-khong-con-phai-ban-khoan-ve-hay-o.html