Một ca mổ tim được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Linh Bùi
Đồng Nai là một trong số ít địa phương trong cả nước có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai thành công kỹ thuật mổ tim. Từ ca đầu tiên vào năm 2016 đến nay, 2 bệnh viện đã thực hiện được hơn 250 ca mổ tim, đem đến cơ hội sống cho bệnh nhân và nhiều lợi ích khác.
Tin tưởng bệnh viện tỉnh nhà
Đang nằm điều trị nhổ răng sâu, chờ sức khỏe ổn định để mổ tim tại Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, ông T.V.V. (67 tuổi, ngụ xã Phú Lâm) cho biết, cách đây vài tháng, ông thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, da tái mét, đổ mồ hôi nhiều, khó thở. Ông được người nhà đưa lên bệnh viện tuyến trên ở Thành phố Hồ Chí Minh để khám bệnh. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị hở van động mạch chủ, hở van tim 2 lá, cần phải mổ để thay van tim. Tuy nhiên, do bệnh viện tuyến trên quá đông bệnh nhân, ông V. phải chờ đợi rất lâu nên bác sĩ khuyên ông nên về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để mổ tim.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc 2 bệnh viện tuyến tỉnh ở Đồng Nai thực hiện thành công kỹ thuật mổ tim không chỉ giúp nâng tầm ngành y tế Đồng Nai, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa.
“Về đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tôi thấy khỏe cả người, không phải chờ đợi, chen chúc, đi lại vất vả. Còn ở bệnh viện tuyến trên bệnh nhân đông quá, ngồi chờ khám, làm xét nghiệm rất lâu và mệt mỏi, nhiều người không có chỗ ngồi đi lại vật vờ. Tôi bệnh nên đi được một đoạn lại phải đứng thở vì không chịu nổi” - ông V. cho hay.
Tại phòng chờ mổ tim, ông V. được bố trí nằm một mình một giường, có đầy đủ điện, quạt, phòng bệnh rộng rãi, thoáng mát, bệnh nhân không quá đông khiến ông thấy thoải mái hơn.
Ông V. cho hay, 3 lần khám trước ở bệnh viện tuyến trên, mỗi lần ông tốn vài triệu đồng viện phí, đi lại phải thuê xe ô tô, nếu khám trong ngày chưa có kết quả, phải thuê phòng nghỉ để hôm sau lấy kết quả. Đặc biệt, bác sĩ tuyến trên thông báo nếu ông V. mổ tim ở bệnh viện thì chi phí đã trừ bảo hiểm y tế khoảng 150 triệu đồng. Trong khi tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, chi phí mổ tim chưa trừ bảo hiểm y tế chỉ khoảng 120 triệu đồng.
“Kết quả chẩn đoán của bác sĩ ở Đồng Nai và bệnh viện tuyến trên giống nhau, trong khi chi phí điều trị lại thấp hơn nhiều, được điều dưỡng chăm sóc tận tình. Nếu biết trước điều đó, ngay từ đầu tôi đã khám và điều trị tại Đồng Nai. Tôi rất tin tưởng đội ngũ bác sĩ và mong ca phẫu thuật sẽ thành công” - ông V. bộc bạch.
Làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Văn Linh, Quyền Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, chia sẻ từ năm 2016 đến nay, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), bệnh viện đã thực hiện thành công 60 ca mổ tim. Các kỹ thuật chính gồm: thay van động mạch chủ, thay van 2 lá, sửa van 2 lá, sửa van 3 lá, vá thông liên nhĩ, vá thông liên thất, u nhầy nhĩ…
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân chờ mổ tim tại bệnh viện.
Mới đây, nữ bệnh nhân P.T.T. (66 tuổi, ngụ phường Xuân Lập) bị hẹp, khít van động mạch chủ nặng, hở van 2 lá nặng đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật thành công.
Bà T. cho biết, gần đây bà thấy mệt mỏi, khó thở, nặng ngực khi gắng sức. Bà đi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán bị hẹp van động mạch chủ nặng, hở van 2 lá. Các bác sĩ ở đây đã tư vấn bà T. quay về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để được mổ tim.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Bùi Văn Linh, với những ca bệnh nặng, phức tạp, bệnh viện sẽ mời các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy xuống để hỗ trợ thực hiện ca mổ. Trường hợp bà T. cũng vậy. Nhờ đó, ca mổ diễn ra suôn sẻ, bệnh nhân phục hồi tốt.
Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Trần Ngọc cho hay, đa số bệnh nhân mổ tim có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trường hợp của bà T. tổng chi phí hơn 250 triệu đồng, được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hơn 140 triệu đồng, bệnh nhân chỉ phải đóng hơn 100 triệu đồng. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai, khoa sẽ liên hệ với Phòng Công tác xã hội bệnh viện để thực hiện các bước kêu gọi, hỗ trợ viện phí… Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân có cơ hội phẫu thuật, kéo dài sự sống, nâng cao sức khỏe.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, theo bác sĩ chuyên khoa II Ngô Đức Tuấn, Giám đốc bệnh viện, từ năm 2021 đến nay, bệnh viện đã thực hiện 191 ca mổ tim, trong đó có đến 25 ca mổ tim nội soi. Nếu nói kỹ thuật mổ tim khó thì mổ tim nội soi còn khó hơn rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tim mạch ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh, bệnh viện đang nỗ lực để tiến tới thành lập Trung tâm Tim mạch trên cơ sở 3 khoa hiện hữu là: Nội tim mạch, Can thiệp tim mạch và Ngoại lồng ngực - tim mạch. Bệnh viện đang tiếp tục triển khai Đơn vị Điều trị rối loạn nhịp và Đơn vị Hồi sức tim mạch, hướng tới hoàn thành bộ khung cơ bản của Trung tâm Tim mạch vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Hạnh Dung