Khách du lịch y tế người Canada tham gia chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe và thể chất chuyên biệt tại Khu thí điểm du lịch y tế quốc tế Lạc Thành. Ảnh: Khu thí điểm du lịch y tế quốc tế Lạc Thành
Khi chữa bệnh trở thành hành trình trải nghiệm
Bên cạnh các điểm đến truyền thống như Nhật Bản, Thái Lan hay Singapore, Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Từ các bệnh viện hiện đại ở Bắc Kinh, Thượng Hải đến khu “đặc khu y tế” tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã và đang đón tiếp hàng chục nghìn du khách quốc tế mỗi năm với nhu cầu điều trị bệnh, phục hồi chức năng hoặc chăm sóc sức khỏe cao cấp.
Tại khu thí điểm du lịch y tế quốc tế Lạc Thành, nơi từng được biết đến là nơi tổ chức Diễn đàn Bác Ngao, hàng chục cơ sở y tế cao cấp được xây dựng giữa không gian nghỉ dưỡng ven biển.
Nơi đây cung cấp dịch vụ từ điều trị ung thư, chống lão hóa, phục hồi chức năng đến trải nghiệm y học cổ truyền Trung Quốc như giác hơi, châm cứu, thiền và thư pháp.
Bệnh nhân quốc tế đến từ nhiều khu vực như Trung Á, Đông Nam Á và Bắc Mỹ đang ngày càng tìm đến Trung Quốc để trải nghiệm các dịch vụ du lịch y tế. Các gói dịch vụ được thiết kế đa dạng, phục vụ cả khách cá nhân lẫn các đoàn du lịch y tế có tổ chức.
Chia sẻ với Thông tấn xã Trung Quốc sau chuyến thăm một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại Hải Nam vào tháng 6, vlogger người Indonesia Novi Basuki nhận xét: “Các bệnh viện tại đây không giống như bệnh viện thông thường, mà mang dáng dấp của một điểm đến du lịch, với cơ sở vật chất hiện đại và không gian thư giãn.”
Ông Romualdo Ballovera Zamora, một nhân viên nước ngoài làm việc tại một cơ sở y tế ở Lạc Thành, nhận định rằng du khách quốc tế đặc biệt quan tâm đến các phương pháp điều trị truyền thống như châm cứu, giác hơi, vốn được họ biết đến qua phim ảnh và tài liệu văn hóa.
“Họ không chỉ muốn điều trị mà còn muốn trực tiếp trải nghiệm một phần văn hóa Trung Hoa. Nhiều người bày tỏ sự hài lòng và cho biết họ cảm thấy được tiếp đón như những vị khách VIP. Thậm chí có người đã mang quà lưu niệm từ quê nhà tặng lại tôi trước khi rời đi, điều đó khiến tôi vô cùng xúc động,” ông Zamora chia sẻ với tờ Hoàn Cầu Thời Báo.
Ông Zamora cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có thể kết hợp hài hòa di sản y học cổ truyền hàng nghìn năm với công nghệ điều trị hiện đại tầm quốc tế. Chính điều đó đã tạo nên sức hút đặc biệt và biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng trong lĩnh vực du lịch y tế.”
Một du khách nước ngoài đang thử nghiệm châm cứu bằng robot tại một hội chợ thương mại kỹ thuật số ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: VCG
Cửa ngõ mới cho y tế toàn cầu
Bên cạnh dịch vụ, điều giúp Trung Quốc ghi điểm là chính sách hỗ trợ đặc biệt và cởi mở với hợp tác y tế quốc tế.
Nhờ cơ chế “nhập khẩu y tế nhanh”, khu vực thí điểm Lạc Thành có thể đưa vào sử dụng hàng trăm loại thuốc và thiết bị chưa được cấp phép tại phần còn lại của Trung Quốc, đặc biệt hữu ích với các bệnh nhân mắc bệnh hiếm, nan y.
Điển hình như trường hợp của Alexander, kỹ sư người Hy Lạp mắc u não ác tính, đã được tiếp cận thuốc điều trị thử nghiệm Vorasidenib nhờ chính sách nhập khẩu khẩn cấp của khu thí điểm.
“Ngay cả ở châu Âu cũng chưa có loại thuốc này. Trung Quốc đã cho tôi cơ hội sống sót”, ông nói.
Không chỉ Lạc Thành, nhiều địa phương khác của Trung Quốc cũng đang phát triển du lịch y tế như một ngành kinh tế chiến lược.
Tại Quảng Tây, thủ tục thông quan nhanh chóng đã biến thành phố Phòng Thành Cảng thành điểm đến quen thuộc của bệnh nhân Việt Nam.
Tại Bắc Kinh, chiến dịch “Cuộc sống hạnh phúc – Du lịch khỏe mạnh” đang thu hút du khách kết hợp nghỉ dưỡng và khám sức khỏe.
Theo các chuyên gia, du lịch y tế không chỉ là dịch vụ thương mại, mà còn đóng vai trò là cầu nối văn hóa, y tế và hợp tác khu vực.
Việc mời gọi bác sĩ nước ngoài đến làm việc, phát triển đội ngũ y tế đa ngôn ngữ, và xây dựng hệ sinh thái khám – điều trị – nghỉ dưỡng toàn diện đang giúp Trung Quốc vươn lên trên bản đồ y tế thế giới.
Phó giáo sư Liang Huaixin, Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, nhận định rằng các dịch vụ y tế xuyên biên giới không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết và kết nối giữa các quốc gia.
KHÁNH MY