Trung Quốc: Mạng lưới giao thông thúc đẩy kết nối và kinh tế

Trung Quốc: Mạng lưới giao thông thúc đẩy kết nối và kinh tế
9 giờ trướcBài gốc
Đoàn tàu cao tốc trên tuyến đường sắt Thành Đô - Quý Dương ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Ngày 22-7, Tân Hoa xã cho biết, tính đến cuối năm 2024, 6 trong số 17 mục tiêu giao thông chính của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đã đạt được trước thời hạn, bao gồm chiều dài đường cao tốc và đường sắt đô thị, khả năng tiếp cận dịch vụ chuyển phát nhanh bưu kiện ở các làng mạc và tỷ lệ xe buýt năng lượng mới trong giao thông công cộng đô thị. Các mục tiêu còn lại dự kiến sẽ đạt được vào cuối năm 2025.
Trong 5 năm qua, ngành giao thông vận tải Trung Quốc đã đạt được “tiến bộ lịch sử”, với hơn 90% khuôn khổ cốt lõi của mạng lưới giao thông toàn diện quốc gia đã được triển khai.
Đằng sau sự tiến bộ này là hoạt động đầu tư mạnh mẽ. Từ năm 2021 đến 2024, tổng vốn đầu tư tài sản cố định vào giao thông đạt 15,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,1 nghìn tỷ USD), tăng 23,3% so với chu kỳ trước.
Kết nối tích hợp
Trải dài trên đất liền, trên biển và trên không, mạng lưới giao thông tại Trung Quốc đã phát triển thành “động mạch” quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước.
Đến cuối năm 2024, mạng lưới đường sắt của Trung Quốc đạt tổng chiều dài 162.000km, tăng khoảng 16.000km so với cuối năm 2020. Trong đó, đường sắt cao tốc vượt mốc 48.000km, bao phủ 97% số thành phố có dân số trên 500.000 người. Đường cao tốc cũng trải dài tới 5,49 triệu km, tăng 290.000km so với 5 năm trước.
Số lượng sân bay dân dụng được chứng nhận tăng lên 263 vào cuối năm 2024, nhiều hơn 22 sân bay so với năm 2020. Nhờ đó, các dịch vụ hàng không hiện bao phủ hơn 91% dân số toàn quốc.
Về giao thông đô thị, hệ thống giao thông công cộng đa dạng đã hỗ trợ mạnh mẽ nhu cầu di chuyển hằng ngày. Mỗi ngày, Trung Quốc ghi nhận khoảng 100 triệu lượt đi lại trong đô thị bằng đường sắt, 100 triệu lượt bằng xe buýt, cùng 100 triệu lượt đi lại bằng taxi và dịch vụ gọi xe. Những con số này cho thấy năng lực và “sức sống” của hệ thống giao thông đô thị Trung Quốc.
Các giải pháp công nghệ thông minh như đặt vé trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số đã giúp việc đi lại trở nên hiệu quả và dễ tiếp cận hơn, đặc biệt trong bối cảnh hơn 80 “hub city” - những thành phố đóng vai trò là trung tâm giao thông, thương mại hoặc văn hóa - đều hỗ trợ vận tải liên phương thức đường sắt và hàng không.
Thu hẹp khoảng cách
Giao thông vận tải và hậu cần được cải thiện đang tăng cường khả năng tiếp cận những khu vực nông thôn và kém phát triển, mang lại các dịch vụ, thị trường và cơ hội mới.
Tính đến cuối năm 2024, đường nông thôn đã đạt 4,64 triệu km, trong khi hơn 30.000 thị trấn và 500.000 làng hành chính - khu vực nông thôn thường thuộc thẩm quyền của một thị trấn hoặc xã - đã được kết nối bằng đường nhựa.
Đường nông thôn trải nhựa ở thành phố Cổ Nguyên thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch địa phương. Ảnh: Tân Hoa xã
Hệ thống đường nông thôn đang thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và du lịch, giúp tạo ra việc làm tại địa phương và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Dịch vụ chuyển phát nhanh cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách. Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống logistics ba cấp, kết nối các huyện, thị trấn và làng mạc, biến những điểm yếu trong giao hàng ở khu vực nông thôn thành động lực thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng.
Năm 2024, khối lượng giao hàng nhanh ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc tăng lần lượt 30% và 34%, vượt xa mức trung bình toàn quốc. Tại một số khu vực như Thanh Hải và Cam Túc, các trung tâm xử lý thư tín và chuyển phát nhanh mới được thành lập đã cải thiện đáng kể năng lực xử lý, nâng cao cơ sở hạ tầng hậu cần ở miền Tây quốc gia này.
Liên kết toàn cầu
Trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng mạng lưới giao thông toàn cầu, tăng cường kết nối và thúc đẩy thương mại và hợp tác xuyên biên giới.
Các chuyến tàu chở hàng giữa Trung Quốc và châu Âu đạt 110.000 chuyến, trong khi gần 10.000 chuyến tàu liên vận được vận hành hằng năm dọc theo hành lang đường bộ và đường biển ở phía Tây.
Kể từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2021, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào đã vận chuyển 13,9 triệu tấn hàng hóa với hơn 3.000 danh mục sản phẩm, đẩy nhanh việc cung cấp nhiều loại sản phẩm nông nghiệp Đông Nam Á cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Vận tải hàng không toàn cầu của Trung Quốc cũng đang tăng trưởng. Nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không quốc tế đạt gần 9 triệu tấn vào năm 2024, tăng 32,8% so với năm 2020.
Trung Quốc đang thúc đẩy kết nối mạnh mẽ hơn thông qua việc điều chỉnh các quy tắc, quy định và đã ký kết hơn 270 hiệp định vận tải song phương cũng như đa phương, bao gồm các lĩnh vực đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không và bưu chính.
Quốc gia này cũng đã tận dụng các dự án hợp tác quốc tế để mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương. Đơn cử như tuyến đường sắt Mombasa - Nairobi đã tạo ra hơn 74.000 việc làm tại Kenya, với tỷ lệ nội địa hóa vượt quá 90% và đào tạo hơn 2.800 chuyên gia đường sắt.
Nhìn về phía trước, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng một mạng lưới giao thông mạnh mẽ thông qua hội nhập sâu hơn, tăng cường an toàn, nâng cấp thông minh và chuyển đổi xanh để hỗ trợ động lực hiện đại hóa của đất nước.
(Theo Tân Hoa xã)
Thương Nguyệt
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/trung-quoc-mang-luoi-giao-thong-thuc-day-ket-noi-va-kinh-te-710027.html