Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CAEA), thành tựu này không chỉ lập kỷ lục thế giới mới về phát hiện khoáng hóa urani công nghiệp dạng sa thạch sâu nhất, đánh dấu vị thế dẫn đầu toàn cầu của nước này trong lĩnh vực thăm dò tài nguyên urani dạng sa thạch sâu trong lòng đất, mà còn cung cấp cơ sở lý thuyết mới và các phương pháp thăm dò sáng tạo cho hoạt động thăm dò tài nguyên urani toàn cầu.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Tân Hoa xã
CAEA cho biết, khoáng hóa urani công nghiệp đóng vai trò là chỉ số trực tiếp và đáng tin cậy để xác định vị trí các mỏ urani cấp công nghiệp.
Khoáng hóa urani công nghiệp được phát hiện lần này là khoáng hóa lớp dày và lớn đầu tiên được phát hiện trong các tầng đất đỏ loang lổ của vùng đất sa mạc thuộc bồn địa Tarim, lấp đầy khoảng trống thăm dò quặng tại khu vực sa mạc rộng lớn nhất Trung Quốc.
Điều này cho thấy Trung Quốc đã vượt qua những rào cản lý thuyết về vùng cấm thăm dò khoáng sản đối với kim loại urani dạng sa thạch, dựa trên công nghệ phát hiện 3D “viễn thám vệ tinh - khảo sát trên không - phát hiện mặt đất - thăm dò sâu”, thiết lập một hệ thống thăm dò tích hợp, xanh và hiệu quả cho các mỏ urani dạng sa thạch ở các khu vực hoang mạc và sa mạc.
CAEA cho biết thành tựu này mở ra những ranh giới mới về khu vực, độ sâu và loại mỏ, có thể đóng vai trò là mô hình cho hoạt động thăm dò tài nguyên urani dạng sa thạch trong tương lai ở Trung Quốc.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh