Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên, các triều đại Trung Quốc xây dựng Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 km. Sau hai thiên niên kỷ, Trung Quốc bắt tay vào việc xây dựng bức tường thành khác, được gọi là "Vạn lý trường thành điện mặt trời".
Công trình này đang được xây dựng tại sa mạc Kubuqi dọc theo rìa phía nam sông Hoàng Hà, thuộc khu tự trị rộng lớn Nội Mông, phía bắc Trung Quốc. "Vạn lý trường thành điện mặt trời" bao gồm các tấm quang điện kéo dài khoảng 133 km và rộng 25 km.
"Vạn lý trường thành điện mặt trời" đang được xây dựng ở sa mạc Kubuqi, Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Nhật báo Nhân dân)
Trung Quốc hy vọng công trình này có thể cung cấp đến 180 tỷ kilowatt giờ (kWh) mỗi năm vào năm 2030. Theo Ordos Energy - công ty phụ trách dự án, con số này dư sức đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của Thủ đô Bắc Kinh, vốn tiêu thụ khoảng 135,8 tỷ kWh mỗi năm.
Li Kai, quan chức năng lượng tại phân khu Dalad Banner của Nội Mông, đường dây truyền tải mới sẽ vận chuyển 48 tỷ kWh năng lượng từ dự án đến khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc mỗi năm.
“Tất cả dự án được đầu tư bởi các công ty nhà nước, trong đó có một số công ty do trung ương quản lý và địa phương không cần cấp kinh phí. Khoảng 50.000 cơ hội việc làm sẽ được tạo ra vào năm 2030”, ông Li cho hay.
Hệ thống tưới nước bên dưới các tấm pin mặt trời ở sa mạc Kubuqi, Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Nhật báo Nhân dân)
Ngoài việc sản xuất năng lượng và tạo cơ hội việc làm, dự án "Vạn lý trường thành điện mặt trời" còn có tác động tích cực trong việc bảo tồn môi trường. Sông Hoàng Hà, được người Trung Quốc gọi là “sông mẹ”, đang trải qua hiện tượng sa mạc hóa, trong đó hệ sinh thái lưu vực sông dần biến thành điều kiện giống sa mạc.
Các tấm pin mặt trời cung cấp bóng râm,giảm bốc hơi và chắn gió, giúp bảo vệ môi trường xung quanh khỏi sự xói mòn đất.
"Dự kiến đến năm 2030, khoảng 0,8 triệu ha đất sa mạc hóa ở Kubuqi sẽ được xử lý toàn diện, đạt được một trong những mục tiêu của dự án 'Vạn lý trường thành điện mặt trời' là kiểm soát tình trạng sa mạc hóa", ôngng Zhong Yuzhan, Phó giám đốc Cục Năng lượng Dalad Banner, cho hay.
Các tấm pin mặt trời trong dự án "Vạn lý trường thành" ở ở sa mạc Kubuqi, Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Nhật báo Nhân dân)
Những công trình năng lượng xanh khổng lồ như năng lượng mặt trời, gió hay hai loại kết hợp, ngày càng phổ biến khi thế giới đẩy nhanh quá trình giảm thải carbon.
Xu hướng này cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng điện xanh nước này tăng 75%, từ 163 tỷ kWh năm 2023 lên 286 tỷ kWh vào năm 2025.
Tuy nhiên, các công trình năng lượng mặt trời cũng gây ra nhiều nguy cơ môi trường, bao gồm làm xáo trộn môi trường sống và gia tăng tai nạn cho loài chim khi chúng nhầm lẫn các tấm pin mặt trời với mặt nước.
Các nhà khoa học và kỹ sư tại Mỹ đang tìm cách tăng cường trồng cây thu hút thụ phấn xung quanh các công trình này, tạo ra hành lang quan trọng cho động vật hoang dã.
Hoa Vũ (Nguồn: Nhật báo Nhân dân, Popular Mechanics)