Do ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, và đây được xem là cơ hội để Nga tăng xuất khẩu. Hình minh họa
Theo báo cáo mà hãng tin Izvestia tiếp cận được từ Argus, Nga có thể xuất khẩu khoảng 750.000 tấn LPG sang Trung Quốc trong năm 2025, tăng 66,7% so với mức 450.000 tấn của năm 2024. Các chuyên gia cho rằng việc châu Âu ngừng mua LPG từ Nga, cùng với việc Mỹ hạn chế xuất khẩu vì lý do thuế quan, là nguyên nhân chính thúc đẩy xu hướng này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến Nga khó tăng mạnh sản lượng xuất khẩu, như thiếu toa tàu chuyên dụng, tắc nghẽn tại cửa khẩu biên giới và hạ tầng trung chuyển LPG tại vùng Viễn Đông còn hạn chế.
Nga tăng cung khí cho Trung Quốc
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Nga đã vận chuyển khoảng 230.000 tấn LPG sang Trung Quốc bằng đường sắt. Một nguồn tin trong ngành cho biết, đến cuối năm, con số này có thể đạt 550.000-600.000 tấn, phần còn lại sẽ được vận chuyển bằng xe tải.
Hiện tại, Nga khai thác khoảng 16 triệu tấn LPG mỗi năm, trong khi Trung Quốc khai thác khoảng 50 triệu tấn và vẫn phải nhập khẩu khoảng 35 triệu tấn. Do ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, và đây được xem là cơ hội để Nga tăng xuất khẩu. Dù vậy, Nga vẫn gặp khó khăn do chưa có cảng biển chuyên dụng cho LPG tại vùng Viễn Đông, buộc phải vận chuyển bằng đường sắt qua cửa khẩu Zabaikalsk (nơi đang quá tải) hoặc bằng xe tải. Điều này khiến Nga khó cạnh tranh với các tàu chở LPG cỡ lớn từ vùng Vịnh, hay Mỹ, vốn có thể chở đến 45.000 tấn mỗi chuyến.
Bà Tamara Safonova, Tổng Giám đốc Cơ quan Phân tích NAANS-MEDIA, cho biết sau khi gói trừng phạt thứ 12 của EU có hiệu lực vào cuối năm 2023, phần lớn LPG có xuất xứ từ Nga đã bị chặn đường vào thị trường châu Âu.
Trước thời điểm bị hạn chế, Nga từng xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn LPG mỗi năm, theo bà Ekaterina Kosareva - Giám đốc điều hành công ty tư vấn VMT Consult. Hiện nay, con số này đã giảm xuống dưới 3 triệu tấn. Ngoài Trung Quốc, Nga còn tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Afghanistan.
Xuất khẩu khí của Nga: Tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức
Trung Quốc - thị trường không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt - được đánh giá là điểm đến tiềm năng để Nga mở rộng xuất khẩu LPG, theo bà Tamara Safonova. Tuy nhiên, bà cho rằng khả năng tăng trưởng mạnh vẫn gặp nhiều rào cản, như tình trạng thiếu toa xe bồn chuyên chở LPG diễn ra định kỳ, nhiều xe đã cũ và bị loại khỏi hoạt động, trong khi việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới cũng thường bị chậm trễ.
Cùng thời điểm, Công ty Đường sắt Nga đang cố gắng tối ưu hóa quá trình vận chuyển, bao gồm việc áp dụng mức giảm giá cước trên một số tuyến, bà Safonova cho biết. Cụ thể, đến cuối năm 2025, mức cước vận chuyển LPG từ Tobolsk đã được giảm 12,8%.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang hiện đại hóa đội xe bồn của mình để phục vụ vận chuyển LPG, vừa đảm bảo an toàn, vừa nâng cao hiệu quả vận hành. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế và tạo đà thúc đẩy xuất khẩu LPG sang Trung Quốc trong thời gian tới, bà Safonova chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Ekaterina Kosareva cho rằng các vấn đề về hạ tầng vẫn là trở ngại lớn cản trở tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu. Dù vậy, bà nhấn mạnh rằng chính quyền Nga đã có kế hoạch xây dựng cảng trung chuyển LPG tại vùng Viễn Đông từ năm 2024.
Vào mùa thu năm 2024, chính quyền vùng Primorsky đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà đầu tư để phát triển hạ tầng cảng biển tại cảng Sovetskaya Gavan. Dự án này có tổng công suất hàng hóa lên đến 10 triệu tấn mỗi năm. Riêng bến trung chuyển LPG - với công suất 1 triệu tấn mỗi năm phục vụ xuất khẩu sang các nước châu Á - Thái Bình Dương - hiện đang được công ty Remstal triển khai. Remstal là doanh nghiệp hoạt động trong khu vực cảng tự do Vladivostok, thuộc vùng Khabarovsk. Tổng vốn đầu tư công bố cho dự án đến thời điểm hiện tại là 29,4 tỷ ruble, và bến cảng dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Báo Izvestia cho biết họ đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến tất cả các công ty dầu khí lớn và Bộ Năng lượng Nga.
Xung đột thuế và bài toán nguồn cung khí đốt
Trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Bắc Kinh đang có xu hướng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và sản phẩm từ Mỹ, theo bà Olga Orlova - Trưởng bộ phận Công nghiệp tại Viện Công nghệ Dầu khí.
Dù Mỹ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại tạm thời vào tháng 5, trong đó hai bên nhất trí giảm thuế cho đến ngày 12/8 - từ 145% xuống 30% với hàng Trung Quốc vào Mỹ, và từ 125% xuống 10% với hàng Mỹ vào Trung Quốc - nhưng Trung Quốc vẫn không xem Mỹ là đối tác đáng tin cậy, bà Orlova nhận định.
Ông Sergey Tereshkin, Giám đốc điều hành công ty Open Oil Market, cho rằng mâu thuẫn thương mại giữa hai nước đang ảnh hưởng rõ rệt đến nguồn cung ethane - một dẫn xuất của khí, được sử dụng phổ biến trong ngành hóa dầu.
“Hiện tại, Mỹ là nước xuất khẩu ethane lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tháng 4/2025, nước này xuất khẩu 505.000 thùng/ngày, trong đó 242.000 thùng được chuyển sang Trung Quốc”, ông Tereshkin cho biết.
Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, nếu đa dạng hóa được nguồn cung, và khí ethane từ Nhà máy chế biến khí Amur (xử lý khí từ các mỏ Chayandinsky và Kavyktinsky) có thể trở thành nguồn thay thế quan trọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, 2 trong số 6 dây chuyền của nhà máy Amur đã hoạt động. Khi hoàn thành toàn bộ 6 dây chuyền, nhà máy sẽ đủ công suất để cung cấp ethane cho thị trường Trung Quốc, ông Tereshkin nói.
Trước bối cảnh nhiều biến động từ bên ngoài, Nga và Trung Quốc ngày càng coi nhau là đối tác tin cậy và có mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, theo bà Ekaterina Kosareva - Giám đốc công ty tư vấn VMT Consult.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2024, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 108,47 triệu tấn dầu thô, 30 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống và 8,3 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết, trong năm 2025, tuyến ống dẫn khí "Power of Siberia-2" sẽ đạt công suất thiết kế 38 tỷ mét khối khí/năm.
Ngoài ra, Nga hiện đang là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Trong năm 2024, Nga xuất trung bình 2,19 triệu thùng/ngày, vượt xa Ả Rập Xê-út - nước xếp thứ hai với 1,5 triệu thùng/ngày. Về khí đốt, Nga đặt mục tiêu nâng tổng lượng khí cung cấp qua đường ống lên gần 100 tỷ mét khối vào năm 2030. Đàm phán về dự án “Power of Siberia-2” - với công suất dự kiến 55 tỷ mét khối - hiện cũng đã được nối lại, bà Kosareva cho biết.
Bà cho rằng các rủi ro địa chính trị như trừng phạt, xung đột thuế, hay nguy cơ gián đoạn tại các tuyến vận tải chiến lược đang khiến Nga và Trung Quốc có thêm lý do để siết chặt quan hệ láng giềng và hợp tác chiến lược. Những vấn đề hạ tầng, nếu hai bên cùng quan tâm, đều có thể giải quyết - chỉ cần thêm thời gian. Nga mới chỉ bước sang năm thứ 3 kể từ khi không còn dựa vào thị trường châu Âu, bà kết luận.
Nh.Thạch
AFP