Thông tin từ Trung tâm Kiểm nghiệm, Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết, mẫu sản phẩm Dầu mù u Thái Dương, chai 10ml, trên nhãn ghi số đăng ký 004405/23/CBMP-HCM, số lô 250212, ngày sản xuất 28/02/2025, hạn sử dụng 28/02/2028, do Công ty TNHH Dược phẩm Đại Hưng chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Lý do thu hồi là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu thể tích.
Sản phẩm được sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Contra (huyện Củ Chi, TP.HCM) và phân phối bởi Công ty TNHH Dược phẩm Nam Thái Dương (quận 10, TP.HCM), đã không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu thể tích. Mẫu sản phẩm này được lấy trực tiếp tại nhà thuốc để kiểm tra.
Đáng chú ý, Công ty Contra trước đó đã có công văn gửi Công ty Đại Hưng phản ánh về việc phát hiện 4 lô sản phẩm Dầu mù u Thái Dương đang lưu hành trên thị trường không do đơn vị này sản xuất. Trong số đó, ít nhất một lô đã được kiểm nghiệm và xác định không đạt tiêu chuẩn thể tích.
Trước tình hình này, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi và yêu cầu tiêu hủy toàn quốc đối với 4 lô sản phẩm Dầu mù u Thái Dương có nhãn ghi SĐK: 004405/23/CBMP-HCM.
Cụ thể, lô số 06102024, NSX: 01/10/2024, HSD: 01/10/2027, quy cách: chai 10ml; Lô số 112411, NSX: 5/11/2024, HSD: 5/11/2027, quy cách: chai 10ml; Lô số 250212, NSX: 28/02/2025, HSD: 28/02/2028, quy cách: chai 10ml; Lô số 250215, NSX: 28/02/2025, HSD: 28/02/2028, quy cách: chai 30ml
Lý do thu hồi là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu thể tích.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng ngừng ngay việc buôn bán và sử dụng các lô sản phẩm nêu trên; tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ và báo cáo kết quả thực hiện về Cục.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM và TP.Đà Nẵng được giao phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn gốc các lô sản phẩm vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược.
Cục cũng yêu cầu Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Contra cung cấp đầy đủ thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ công tác xác minh, truy tìm nguồn gốc lô hàng nhằm xử lý kịp thời các sai phạm trên thị trường.
Cũng liên quan đến các sản phẩm dầu gió, trước đó, sản phẩm “Dầu phong thấp Trường Thọ” vừa bị Bộ Y tế xác định là thuốc giả, sản xuất tại cơ sở không phép, không đạt chuẩn và tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng. Người dân được cảnh báo không sử dụng và cần báo ngay cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm nghi ngờ.
Về vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, theo TS.Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng này vẫn tồn tại là do chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ.
Mức xử phạt hành chính hiện nay đối với các hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả chưa đủ sức răn đe. Có những trường hợp, giá trị lô thuốc giả chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng mức phạt cũng chỉ dừng ở vài triệu đồng, điều này khiến các đối tượng vi phạm không ngần ngại tái diễn hành vi.
Bên cạnh việc đề xuất tăng mức xử phạt, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan như Quản lý Thị trường, Công an để điều tra, truy quét các đường dây sản xuất, phân phối thuốc giả. Một ví dụ điển hình là vụ việc xảy ra tại Thanh Hóa.
Sau khi phát hiện thuốc giả, Sở Y tế địa phương đã báo cáo Bộ Y tế, từ đó triển khai chuyên án điều tra và triệt phá thành công đường dây sản xuất thuốc giả với sự vào cuộc của nhiều lực lượng chức năng.
Để tăng cường hiệu quả quản lý dược, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đặc biệt giám sát chặt chẽ các kênh phân phối qua mạng xã hội và thương mại điện tử.
Song song đó, Bộ đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuốc đã được cấp phép lưu hành nhằm hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao tính minh bạch trong quản lý.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đặc biệt chú trọng đến việc truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ thuốc giả. Người dân được khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định và chưa có phép lưu hành chính thức. Chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc đạt chuẩn, được giám sát thường xuyên bởi cơ quan chức năng.
Một trong những khó khăn hiện nay là năng lực kiểm nghiệm thuốc tại địa phương còn hạn chế. Ước tính có khoảng 30% hoạt chất trong thuốc chưa thể kiểm tra tại các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh do thiếu trang thiết bị chuyên dụng.
Để khắc phục, Bộ Y tế đã yêu cầu các trung tâm kiểm nghiệm quốc gia và địa phương đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp dược áp dụng công nghệ tem chống giả, hệ thống truy xuất điện tử để tăng hiệu quả kiểm soát.
Với sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, hệ thống y tế và nhận thức chủ động từ phía người dân, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ từng bước đẩy lùi tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân một cách hiệu quả và bền vững.
D.Ngân