Video: Hàng nghìn người dân và du khách tham gia Lễ hội truyền thống Đền A Sào
Trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử dân tộc Việt Nam, có những vùng đất không chỉ ghi dấu những biến cố thăng trầm mà còn kết tinh những giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ.
Xã A Sào, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, là một vùng đất như thế. Mang trong mình khí thiêng sông Hóa, ôm trọn những dấu tích hào hùng của quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy tài ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, A Sào không chỉ là một địa danh mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
Hôm nay, khi xã A Sào bước sang một trang mới trong lịch sử hành chính, mỗi người chúng ta lại càng thêm trào dâng niềm tự hào sâu sắc khi được sinh sống và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Nằm ven bờ sông Hóa hiền hòa, A Sào không chỉ sở hữu cảnh quan tươi đẹp, trù phú mà còn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Tiếp giáp với những vùng kinh tế trọng điểm như Hải Phòng, Hải Dương, A Sào hội tụ cả khí thiêng của sông và biển, tạo nên một địa thế hiểm yếu, thuận lợi cho việc phòng thủ và phát triển.
Chính bởi vị trí đặc biệt này, A Sào đã được chọn làm thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Danh xưng “Đức Thánh Trần” mà nhân dân ta vẫn thường dùng để gọi Trần Quốc Tuấn không chỉ thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ mà còn là minh chứng cho những công lao to lớn của ông đối với đất nước.
Lễ hội đền A Sào được tổ chức từ ngày 10 - 12/2 (Âm lịch) hàng năm nhằm nhằm khẳng định, tôn vinh công lao to lớn của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc.
Câu ca dao “Dẫu rằng ông nảo ông nào/ Qua đền A Sào cũng phải xuống ngựa” đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Nó không chỉ cho thấy sự tôn nghiêm, linh thiêng của ngôi đền A Sào mà còn thể hiện sự kính trọng đối với vùng đất này - nơi đã từng là đại bản doanh vững chắc của quân đội nhà Trần.
Tương truyền, vào năm 18 tuổi, Trần Quốc Tuấn đã được triều đình giao trọng trách trấn thủ đất A Sào. Tuổi trẻ tài cao, ông đã sớm thể hiện tầm nhìn chiến lược và khả năng quân sự xuất chúng, đặt nền móng vững chắc cho những chiến công hiển hách sau này.
Theo dòng chảy của ngôn ngữ và văn hóa, tên gọi A Sào cũng mang trong mình những ý nghĩa sâu xa, gắn liền với sự nghiệp vĩ đại của nhà Trần. Chữ “A” trong tiếng Hán theo lối chiết tự là “Đông A”, mang ý nghĩa chỉ “họ Trần”. Chữ “Sào” có nghĩa là cái ổ, cái tổ. Như vậy, A Sào có thể hiểu là “cái tổ” của nhà Trần.
Khi nhà Trần liên tiếp giành chiến thắng vang dội trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, khí thế chiến đấu của quân dân Đại Việt đã được ca ngợi bằng cụm từ “hào khí Đông A”.
Cái tên A Sào, vì thế, càng trở nên thiêng liêng và ý nghĩa, tượng trưng cho nơi khởi nguồn và nuôi dưỡng sức mạnh của một triều đại anh hùng.
Hơn 700 năm đã trôi qua, nhưng trên mảnh đất Quỳnh Phụ (cũ) vẫn còn lưu giữ những dấu tích của hệ thống kho lương, một phần quan trọng trong công tác hậu cần của quân đội nhà Trần. Các địa danh như làng Mễ Thương (kho gạo), A Mễ (nơi chứa gạo của nhà Trần), Đại Nẫm (kho thóc lớn), làng Am Qua (kho gươm), Gò Đóng Yên (nơi đóng yên ngựa)… không chỉ là những cái tên mà còn là những chứng nhân lặng lẽ của một thời kỳ lịch sử oai hùng.
Bên cạnh đó, A Sào còn gắn liền với Bến Tượng, một địa danh mang đậm dấu ấn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba năm 1288.
Tương truyền, khi Trần Hưng Đạo dẫn đại quân vượt sông Hóa để đến Lục Đầu Giang, nơi diễn ra trận quyết chiến với quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy, một con voi đã bị sa lầy tại bến sông này.
Ngược dòng lịch sử, ngay từ thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh năm 40 sau Công nguyên, mảnh đất A Sào đã là nơi tụ nghĩa của các anh hùng hào kiệt. Tướng quân Lê Đô ở làng Đông Trang Hiệp Lực (nay thuộc thôn Hiệp Lực, xã An Khê, vừa sáp nhập vào xã A Sào) cũng đã đứng lên chiêu mộ binh sĩ, ngày đêm luyện tập để rồi tiến về Mê Linh (Hà Nội) gia nhập đoàn quân khởi nghĩa của Hai Bà.
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính là một bước đi chiến lược, mở ra nhiều cơ hội để các địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Thái Bình và Hưng Yên sáp nhập thành tỉnh Hưng Yên, huyện Quỳnh Phụ cũng sáp nhập các xã. Người dân các xã An Khê, An Đồng, An Thái, An Hiệp về xã chung với tên gọi A Sào.
Việc hợp nhất thành 4 xã thành xã A Sào không chỉ mang lại một diện mạo mới về mặt hành chính mà còn tạo ra một sức mạnh tổng hợp lớn hơn. Mỗi vùng đất đều có những nét đặc trưng riêng, những tiềm năng và thế mạnh riêng.
Khi về chung một xã, chúng ta có thể tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế đó, tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chúng ta có thêm dư địa để quy hoạch phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Với truyền thống lịch sử hào hùng và oanh liệt đã được hun đúc qua bao thế hệ, từ thuở hình thành cho đến khi trở thành nơi tụ nghĩa của tướng quân Lê Đô, rồi đại bản doanh vững chắc của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chúng ta, những người dân của xã A Sào ngày nay, có quyền tự hào về quê hương mình.
Niềm tự hào ấy không chỉ là sự hãnh diện về quá khứ mà còn là động lực để chúng ta viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương trong thời đại mới. Chúng ta có trách nhiệm phải kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của cha ông, xây dựng A Sào ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần đưa Hưng Yên và đất nước tiến vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.
A Sào đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Việc quy hoạch và phát triển kinh tế dựa trên những tiềm năng sẵn có của vùng đất, kết hợp với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử. Xã hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng du lịch lịch sử bằng cách đầu tư xây dựng, trùng tu các di tích liên quan đến triều đại nhà Trần và tướng quân Lê Đô, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các ngành nghề truyền thống cũng là những hướng đi quan trọng để nâng cao đời sống của người dân.
Niềm tự hào là người xã A Sào sẽ mãi mãi là nguồn động lực to lớn, thôi thúc mỗi chúng ta không ngừng phấn đấu và cống hiến để quê hương ngày càng thêm giàu đẹp và phồn vinh.