Từ miệt vườn đến biển xanh: Hành trình đánh thức tiềm năng du lịch Vĩnh Long

Từ miệt vườn đến biển xanh: Hành trình đánh thức tiềm năng du lịch Vĩnh Long
12 giờ trướcBài gốc
Du khách tham quan trải nghiệm rừng đước tại các xã biển thuộc Cù lao An Hóa, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập đã mở ra tuyến hành lang ven biển dài hơn 130 km. Với không gian mở về hướng Đông, tỉnh kỳ vọng sẽ khai mở tiềm năng du lịch biển, hình thành tuyến du lịch kết nối từ miệt vườn nội địa đến bờ biển, tạo nên sản phẩm đa dạng và độc đáo.
"Mê mẩn" với biển xanh
Với vị trí là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của khu vực Cù lao Minh, nằm giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, xã biển Thạnh Hải với phong cảnh đẹp tự nhiên, môi trường sinh thái trong lành, giàu truyền thống văn hóa, các di tích lịch sử cùng tình đất, tình người nồng hậu... có sức hút kỳ lạ, tạo nên ấn tượng đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây.
Vượt đường xa gần 160 km, chị Phan Thị Kim Quí (ở phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đến cồn Bửng (xã Thạnh Hải) trong những ngày hè. Chị Kim Quí cho hay, nước biển ở đây không trong xanh, bờ cát không trắng nhưng mang nét đặc trưng riêng biệt của xứ biển phù sa. Đặc biệt là trên các cung đường đi, chị và gia đình còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cột trụ tua-bin điện gió khổng lồ, vươn lên sừng sững giữa nền trời xanh…
Chị Quí nói thêm, sáng sớm, hải sản tươi được đánh bắt đem vào bờ là khoảng thời gian lý tưởng để du khách chọn mua tôm, cua, sò, ốc… Sau đó, chỉ cần nhờ các quán ăn ven biển chế biến tại chỗ với mức giá phù hợp, du khách sẽ được thưởng thức hải sản tươi, ngon ngay cạnh bãi biển. Ngoài tắm biển và thưởng thức hải sản, gia đình chị có dịp tham quan Lăng Ông Nam Hải - nơi thờ phụng hai bộ xương cá Ông khổng lồ, biểu tượng tâm linh của người dân miền biển để biết thêm về nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người dân nơi đây. Ngoài ra, gia đình chị còn đi thăm Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển – “đầu cầu tiếp nhận vũ khí miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam” – công trình lịch sử tôn vinh những chiến sĩ dũng cảm từng vận chuyển vũ khí bằng đường biển, tự hào hơn về truyền trống lịch sử ông, cha.
Nằm cách Cồn Bửng khoảng 12 km, với lợi thế vị trí gần biển và rừng đước xanh mướt, Đầm sinh thái Gió Đước (thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải) đi vào hoạt động từ tháng 5/2023 đến nay. Đây không chỉ là điểm đến giải trí, mà còn là mô hình du lịch xanh kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên, phát triển cộng đồng và trải nghiệm văn hóa địa phương.
Du khách trải nghiệm bơi xuồng dưới tán rừng đước tại các xã biển thuộc Cù lao Bảo, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Chị Võ Thị Kim Thùy (phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, giữa không gian xanh mướt của rừng đước ven biển, đầm sinh thái Gió Đước "mời chào" du khách bằng những chiếc cầu dây mảnh mai nhưng đầy thử thách. Những sợi dây thừng căng ngang, ghép nối từng chiếc ván gỗ nhỏ để tạo thành lối đi bắc qua dòng nước trong veo, dẫn lối vào rừng đước sinh sôi, mát mắt. Bước từng bước chậm rãi, cảm giác rung rinh trong từng nhịp chân nhưng thích thú vô cùng. Với chị Thùy, đây không chỉ là trò chơi vận động giữa rừng ngập mặn, mà còn là cách kết nối với tự nhiên khi len lỏi vào tận hưởng cảm giác “sống chậm” dưới những tán cây rừng đước xanh.
Anh Nguyễn Đăng Khoa – Chủ Đầm sinh thái Gió Đước cho biết, tận dụng khu rừng đước sẵn có của gia đình, anh bắt tay vào khai thác “của vốn có” nhưng bị “bỏ rơi” lâu nay tại miền biển Thạnh Hải, tạo dựng nên một không gian du lịch sinh thái độc đáo. Hành trình bắt đầu từ mong muốn đơn giản là đem thiên nhiên trở lại với du khách — để họ có thể chạm, nghe, cảm nhận cây đước trong một không gian yên tĩnh, cũng như tạo một nơi để du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, thư giãn dưới tán rừng đước, cảm nhận sự bình yên và thân thuộc của vùng biển miền Tây. Nằm nép mình ở ấp Thới Hòa 2, xã biển Thới Thuận, homestay Cồn Bà Tư vươn mình trở thành điểm đến sinh thái ven biển độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Là một homestay chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2024, nơi đây nổi bật với khung cảnh rừng ngập mặn, tạo điều kiện để du khách kết nối sâu với thiên nhiên, sống chậm, “chữa lành”, trải nghiệm thành người nông dân vùng biển thực thụ, tham gia các hoạt động dân dã như câu cá, giăng lưới, hái sò, bắt cua, thả lưới. Chị Lê Thị Kim Linh, chủ homestay Cồn Bà Tư cho biết, homestay “đãi khách” bằng những điều bình dị nhất là mái nhà lá, vách gỗ, nền đất giản dị và những món ăn đặc trưng của vùng quê biển; là không gian bình yên, lộng gió giữa mênh mông những vuông tôm, ruộng muối, góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường và gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa truyền thống của người dân vùng sông nước. Ngoài không gian đậm chất miền quê Nam Bộ, điều khiến du khách “mê mẩn” chính là việc vợ chồng chị Linh xem họ như một gia đình. Chị Linh nói, anh Thảo (chồng chị Linh) đảm nhiệm vai trò làm hướng dẫn viên, dẫn khách đi tham quan trong những tán rừng bần, đước, trải nghiệm sinh kế… Chị đảm nhận việc chuẩn bị những bữa cơm quê với hải sản tươi và rau vườn. Những bữa cơm giản dị, đậm vị quê nhà luôn là nơi kết nối thân tình nhất – nơi người chủ và khách cùng ngồi vào bàn, trò chuyện không phân biệt khoảng cách. Chính sự đón tiếp nồng hậu, chân thành đã khiến nhiều du khách xem nơi đây là “nhà ngoại”, giúp họ cảm giác được “trở về nhà” giữa vùng ven biển vốn còn lắm hoang sơ. Xây dựng hình ảnh điểm đến "ba trong một"
Các tuyến kè giảm sóng ở tỉnh Vĩnh Long được xây dựng với mục tiêu kép: vừa bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xói lở, vừa tạo điều kiện để nâng cấp và phát triển du lịch biển. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Lâm Hữu Phúc cho rằng, sau sáp nhập, việc Vĩnh Long có đường bờ biển dài hơn 130 km mở ra những cơ hội vàng để phát triển du lịch, đặc biệt là hình thành tuyến du lịch kết nối từ miệt vườn nội địa đến bờ biển, tạo nên sản phẩm độc đáo và đa dạng trải nghiệm cho du khách.
Trước đây, Vĩnh Long nổi tiếng với du lịch miệt vườn, sông nước, di tích lịch sử và văn hóa. Với bờ biển trải dài, tỉnh có thể bổ sung các sản phẩm du lịch biển như du lịch nghỉ dưỡng (phát triển các khu nghỉ dưỡng, resort ven biển cao cấp); tổ chức các hoạt động như lướt ván, dù lượn, chèo thuyền kayak, câu cá để phát triển du lịch thể thao biển; cùng với đó là khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, các bãi bồi, cồn cát, cù lao ven sông đổ ra biển; tìm hiểu đời sống, văn hóa của cộng đồng ngư dân địa phương phát triển du lịch văn hóa biển... Theo ông Lâm Hữu Phúc, sự kết hợp giữa miệt vườn và biển sẽ tạo ra một hành trình trải nghiệm liền mạch, độc đáo, thu hút du khách ở lại Vĩnh Long lâu hơn, tăng doanh thu cho ngành du lịch. Trong đó, du lịch biển sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ khác như lưu trú, ăn uống, vận tải, thủ công mỹ nghệ. Điều này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới cho người dân địa phương, cải thiện đời sống và góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Các tuyến kè giảm sóng ở tỉnh Vĩnh Long được xây dựng với mục tiêu kép: vừa bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xói lở, vừa tạo điều kiện để nâng cấp và phát triển du lịch biển. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Ngoài ra, lợi thế bờ biển mới sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại cho địa phương. Tỉnh cũng có động lực để nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch miệt vườn và biển, giúp du khách di chuyển thuận tiện hơn. Cùng với đó, tỉnh chú trọng việc phát triển du lịch bền vững đi đôi với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của vùng miệt vườn, vùng đồng bào dân tộc Khmer và hệ sinh thái biển. Các dự án du lịch có thể tích hợp các chương trình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa.
Ông Lâm Hữu Phúc chia sẻ, việc sở hữu cả lợi thế miệt vườn, văn hóa đặt trưng giàu bản sắc dân tộc Khmer và biển, giúp Vĩnh Long khác biệt hơn so với các tỉnh lân cận ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có thể xây dựng hình ảnh là điểm đến "ba trong một" với sự pha trộn giữa nét đặc trưng của sông nước miệt vườn, văn hóa truyền thống Khmer và vẻ đẹp của biển. Điều này sẽ giúp Vĩnh Long tăng sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đón trên 5,1 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, trong đó có hơn 676.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu của ngành Du lịch hơn 4.000 tỷ đồng.
Chương Đài/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/tu-miet-vuon-den-bien-xanh-hanh-trinh-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-vinh-long/380878.html