Từ thông điệp của Tổng Bí thư: Quyết liệt chống lãng phí, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu - Bài 1: Để nghị quyết thành hành động

Từ thông điệp của Tổng Bí thư: Quyết liệt chống lãng phí, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu - Bài 1: Để nghị quyết thành hành động
2 giờ trướcBài gốc
Lĩnh vực huyết mạch và luôn nóng bỏng
Với mọi nền kinh tế, dù dưới tên gọi nào, việc xây dựng các cơ chế, chính sách chống lãng phí luôn được coi như một trọng tâm trong điều hành. Không chỉ quan tâm đến chống lãng phí trong xây dựng bộ máy, việc chống lãng phí còn được lan tỏa đến sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên còn được coi như một ưu tiên của bất cứ chính quyền nào.
Lênin trong những ngày đầu xây dựng chính quyền Xô viết sau Cách mạng tháng Mười đã cho thấy một thái độ rất kiên quyết, không hề khoan nhượng với bệnh lãng phí khi Người viết trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”.
Theo đó, Lênin yêu cầu “phải cực kỳ tiết kiệm để tẩy sạch những vết tích lãng phí” như là nhiệm vụ tối quan trọng không chỉ trong bối cảnh nước Nga lúc bấy giờ đang phải chiến đấu với thù trong, giặc ngoài mà cả trong việc hoạch định và thực thi các kế hoạch khôi phục kinh tế, hiện đại hóa nước Nga. Đặc biệt, Lênin còn nhiều lần yêu cầu chính quyền các cấp một mặt cần “thắt lưng buộc bụng” trong việc sử dụng các nguồn lực cho dù nước Nga luôn được coi là dồi dào về tài nguyên thiên nhiên, một mặt nếu cần có thể xử bắn những kẻ cố tình gây ra lãng phí trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Tư tưởng chống lãng phí, tiết kiệm mọi nguồn lực trong các bối cảnh kháng chiến, kiến quốc cũng là quan điểm xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta trên tiến trình lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm trong việc xác định các chính sách để xây dựng một nước Việt Nam mới đã coi lãng phí, tiêu cực như một thứ giặc ở ngay trong lòng đất nước, vì như Người quan niệm, nó ngấm ngầm phá hoại công cuộc kiến thiết đất nước. Tác hại của lãng phí đã được Người chỉ ra, “tham ô có hại nhưng lãng phí có hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”. Lãng phí không chỉ gây thiệt hại về lao động, thời gian, tiền bạc của Nhân dân, đất nước mà còn dẫn đến tham nhũng, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin của Nhân dân, tác động tiêu cực không hề nhỏ đến xây dựng và phát triển đất nước.
Qua các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi chống lãng phí, chống tiêu cực như một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Gần đây ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp đó, ngày 26/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, bài viết mới đây mang tiêu đề “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm như một hiệu lệnh đưa công cuộc phòng, chống lãng phí lên tầm cao mới. Những thông điệp được Tổng Bí thư đề cập đến trong bài viết rất mạnh mẽ, thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Từ đó, Tổng Bí thư kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã cho thấy, trong hành trang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước, của dân tộc, không có chỗ cho những thái độ, hành vi, thiết chế tạo điều kiện trực tiếp và gián tiếp cho những dư địa của lãng phí, tiêu cực, bất kể việc lãng phí đó đến từ đâu. Đặc biệt, xăng dầu là mạch máu của nền kinh tế, là lĩnh vực nóng bỏng liên quan đến đổi mới, phát triển, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, càng đòi hỏi phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng thể chế hóa có hiệu quả các quan điểm của Đảng về phòng, chống lãng phí như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết “Chống lãng phí”.
Mệnh lệnh “Hai Nhất” của Bộ trưởng
Xăng dầu từ lâu được xác định như một mặt hàng mang tính chiến lược không chỉ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn với người dân. TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhìn nhận, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.
“Trong hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tùy theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy, hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy, xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm”, ông Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu lại rất nhạy cảm, dễ chịu tác động của các diễn biến khó lường của tình hình địa chính trị thế giới, nguồn cung có thể nhanh chóng biến động.
Bởi vậy, bảo đảm ổn định nguồn cung xăng dầu, hoạt động lành mạnh của thị trường không chỉ liên quan đến bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế mà rộng hơn là an ninh quốc gia.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều nhấn mạnh đến yêu cầu sử dụng tối ưu, hiệu quả các nguồn lực năng lượng nói chung và nguồn lực xăng dầu nói riêng.
Vì vậy, việc chống lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực xăng dầu đang đặt ra các yêu cầu cao không chỉ trong sử dụng mà còn cả trong kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, với hoạt động kinh doanh xăng dầu, việc chống lãng phí không chỉ có vai trò của Nhà nước mà còn có cả vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía các cơ quan Nhà nước, trong vai trò quản lý, những năm qua, Bộ Công Thương đã luôn chủ động bám sát các diễn biến của thị trường, tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm ổn định nguồn cung ở mọi hoàn cảnh, bảo đảm sự quản lý hiệu quả của Nhà nước trong khi vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu “hai nhất” trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng như chống lãng phí trong hoạt động này. Đó là xây dựng các thiết chế cho hoạt động kinh doanh xăng dầu theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu cần tuân theo cơ chế thị trường và bảo đảm có sự điều hành của Nhà nước. Ảnh minh họa.
Tuy vậy, hoạt động kinh doanh xăng dầu và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu vẫn còn những bất cập, lỗ hổng dẫn tới những lãng phí, thiếu hiệu quả như Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi đầu năm 2024; cũng như một số vụ án vi phạm pháp luật đã được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đưa ra truy tố, xét xử.
Hệ quả là nền kinh tế bị lãng phí, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu như là đầu vào bị lãng phí và người dân cũng phải chịu cảnh lãng phí trong khi việc bảo đảm ổn định nguồn cung không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa lành mạnh cho tăng trưởng kinh tế.
Bài học từ sự cố thiếu xăng dầu năm 2022 cho thấy việc mua bán lòng vòng là nguyên nhân khiến chiết khấu tại các khâu bán lẻ thấp và không khuyến khích bán lẻ ra thị trường, khiến hàng loạt cây xăng đóng cửa.
Đồng thời, việc này cũng khẳng định rằng quan điểm thương nhân phân phối đưa ra khi mong muốn được mua bán hàng hóa lẫn nhau với lý do “có nguồn hàng với giá cả cạnh tranh” như quan điểm của một số chuyên gia hoặc được trích dẫn là không có sức thuyết phục. Đây là một bất cập cần sớm được khắc phục để hoạt động kinh doanh xăng dầu tránh đi lại những vết xe đổ có thể gây lãng phí.
Bảo đảm nguồn lực xăng dầu thực sự được sử dụng hiệu quả, phát huy vai trò tích cực với tăng trưởng kinh tế và đời sống tiêu dùng là nỗ lực cao nhất của các cơ quan quản lý trong đó có Bộ Công Thương.
Bởi vậy có thể không quá khi nói rằng, cần đặt chống lãng phí trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong tổng thể hoạt động quốc gia về chống lãng phí.
Sớm sửa đổi bất cập mà Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị chỉ ra
Như đã nói ở trên, để thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng, chống lãng phí nói chung và trong hoạt động kinh doanh xăng dầu nói riêng, cần tập trung sửa đổi các bất cập như Nghị quyết số 55-NQ/TW đã chỉ ra. Đó là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Quy định pháp luật của ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, chưa bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo.
Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2007) của Bộ Chính trị (khóa X) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị. Cụ thể là: Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.
Được biết, trong dự thảo Nghị định sửa đổi từ Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80 về hoạt động kinh doanh xăng dầu, với mục tiêu đưa ra được phương án phù hợp nhất so với tình hình hiện nay, Bộ Công Thương xác định tập trung cho 3 nội dung liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, cơ chế điều hành và mua bán xăng dầu giữa các thương nhân. Đây cũng chính là những "bài toán" đặt ra cho các nhà quản lý trong thời gian tới để bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu thực sự minh bạch, tuân theo cơ chế thị trường, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước và đặc biệt là thực sự chống được lãng phí, tiêu cực trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bài 2: Lỗ hổng quản lý thị trường xăng dầu - nhìn từ một số vụ án, vụ việc
Nhóm PV
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tu-thong-diep-cua-tong-bi-thu-quyet-liet-chong-lang-phi-tieu-cuc-trong-kinh-doanh-xang-dau-bai-1-de-nghi-quyet-thanh-hanh-dong-360508.html