Tư vấn phong thủy: 'Vẽ' gì trên mái nhà

Tư vấn phong thủy: 'Vẽ' gì trên mái nhà
2 giờ trướcBài gốc
Cấu trúc mái nhà Việt, thôn quê hay phố thị đều rất chặt chẽ, tương ứng công năng che chắn mưa nắng, và bù trừ Âm hay Dương hài hòa.
Từ chuyện trang trí đủ thứ motif hoa văn lên cột, cổng, tường, cửa… cho đến làm nguyên ngôi nhà bít kín mít, gắn cái này cái kia lên nóc… thực tế thiết kế - xây dựng nhà ở tư nhân luôn phức tạp, phong phú đến mức thái quá. Đa số gia chủ khi làm nhà, dù nói “chỉ cần đơn giản, tiện nghi…” nhưng hầu hết không ai bỏ qua hình thức bên ngoài, nói nôm na là “kiểu nhà”, kiểu dáng mặt tiền, thậm chí tranh cãi quyết liệt chỉ vì một kiểu mái nào đó.
Một thời chưa xa, những mái nhà dạng “cấp 4” lợp tôn dốc nghiêng ra phía nào thì phía trước luôn có một mảng tường băng ngang. Mảng tường che mái này biến tấu đủ thứ từ hoa văn, họa tiết cho đến đục lỗ, đắp nổi, ghi năm xây cất, hoặc gắn lên một số trang trí theo ý thích gia chủ và nhà thầu.
Kiểu nhà - mái nhà này dần mai một, nhường chỗ cho mái tam giác phía trước (cho dù phía sau có lợp mái gì hay thậm chí là sân thượng mái bằng) và việc phối hợp mấy cái mái tam giác to nhỏ này cũng “làm mưa làm gió” một thời từ nông thôn ra thành thị, thậm chí có tên gọi riêng là “mái Thái” cho dù chẳng liên quan gì đến mái nhà truyền thống Thái Lan cả!
Dĩ nhiên một ngôi nhà có mặt tiền mang hình thức, kiểu dáng ra sao phụ thuộc rất nhiều yếu tố, và chưa có những nghiên cứu toàn diện, đầy đủ và chuyên sâu về câu chuyện mang tính văn hóa, thị hiếu này. Trong phạm vi bàn luận văn hóa ở - ứng xử phong thủy với môi trường tự nhiên và xã hội - bài viết chỉ đề cập một số khía cạnh nhỏ mang tính tham khảo quanh chuyện xử lý mái nhà từ hình thức quay trở về nội dung ra sao.
Nhà đẹp từ mái, trong ngoài phải hài hòa
Có câu truyền tụng “ăn theo thuở, ở theo thời” và chữ “thời” đây vừa hiểu về tính thời cuộc, thời đại, tính thời trang của thời điểm mà ngôi nhà sinh ra và tồn tại, nhưng cũng rất đơn giản là thời tiết, khí hậu, những biến chuyển tùy theo mùa mưa nắng, gió bão…của mỗi địa phương cụ thể.
Khái niệm “theo” cũng thế, không phải cứ thấy nhà người ta làm gì lạ lạ, hay hay là bắt chước, bất kể cái đó xuất phát từ mục đích hay quan niệm gì, xấu đẹp ra sao, có phù hợp nhà mình không. Nếu nhìn nhận toàn diện hơn, một không gian sống đảm bảo thích dụng, bền vững và thẩm mỹ từ trong ra ngoài không chỉ nhờ một vài bề mặt tiếp xúc chung quanh và nhìn thấy từ bên ngoài.
Vấn đề “chuộng hình thức” tuy là quan niệm cá nhân không đến mức đáng phê phán, nhưng vô tình lại dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát các điểm cốt lõi để có được ngôi nhà đẹp và hài hòa về phong thủy.
Cũng lại không thể bỏ qua câu “nhà dột từ nóc” hiểu theo nghĩa đen rất cụ thể về khả năng che chở của mái nhà trước vô số tác động ngoại cảnh. Khi ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn từ bên ngoài ngày càng cao, cộng với thời tiết thay đổi cực đoan thì phần mái nhà càng cần thận trọng, không thể muốn “vẽ vời” gì lên mái là làm.
Tính chất ngoài Dương trong Âm, ngoài đặc trong rỗng của mỗi ngôi nhà luôn phụ thuộc vào ngoại cảnh tác động. Nếu nhà nằm ở vùng nông thôn, nhà vườn, biệt thự… có cây xanh, mặt nước bao bọc, che chở thì cấu trúc nhà ở những hướng khí hậu tốt nên làm rỗng nhiều hơn đặc để kết nối với thiên nhiên. Nhưng ngược lại thì cần cân nhắc làm mảng đặc kín và bền chắc ở vùng chịu tác động khắc nghiệt, nắng gắt, mưa tạt, các vùng không gian cần che chắn bảo vệ kín đáo, thậm chí phải dùng đến cấu trúc nhiều lớp thì mới hiệu quả.
Khi đó, một mái nhà được xem là hoàn thiện, là đẹp thực ra đã vượt qua vô số các tiêu chí, tiêu chuẩn căn bản về khả năng bảo vệ, như độ dốc để thoát nước mưa, độ dày và cấu tạo vật liệu chịu nắng gắt, khả năng tích tụ hay phân tán nhiệt lượng trên mái, chống nóng và chống thấm lan truyền xuống kết cấu và không gian bên dưới… Những bài toán này nếu chưa giải được thì đa số nhà chuyên môn và gia chủ có kinh nghiệm đều sẽ nói không với các “bày vẽ” trên mái nhà theo kiểu trồng cây mà không có khả năng chăm sóc duy trì, hay là vẽ vời trang trí màu sắc lung tung chỉ chịu được một hai mùa mưa nắng.
Trở lại chuyện đặc rỗng Âm Dương, có thể thấy những ngôi nhà ở miền khí hậu nóng khô (sa mạc Trung Đông, Mexico hay Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận…) thường phải làm “đặc” bằng tường bao kín để giảm tác động xấu của môi trường khắc nghiệt. Hình thức mặt đứng của những ngôi nhà xứ đó có đặc trưng riêng, ít thay đổi theo thời gian. Những yếu tố kể trên quyết định đến hình dáng bên ngoài của bộ mái và ngôi nhà mà nếu chỉ căn cứ đơn thuần về mặt hình khối duy mỹ thì sẽ dẫn đến thiếu hài hòa môi sinh và cảnh quan.
Nhà hiện đại theo quan niệm thiết kế bền vững hầu như không còn chạy theo khái niệm mặt tiền như một thành phần trang trí nữa, mà quan tâm chi tiết hơn về cách ứng xử với khí hậu, cảnh quan, bao cảnh lân cận. Ví dụ như nhà hướng nắng gắt thì phần “mặt tiền” thiên về mái che và hệ lam, hoặc nếu nhà có tầm nhìn ra biển, sông hay hồ thì sẽ ưu tiên các điểm nhìn từ trong ra thoáng, mở tối đa. Các nước phát triển còn có những quy định sao cho nhà xây mới mà kề cận công trình di sản xưa thì cố gắng không đối lập về hình thức với công trình di sản, thậm chí kết nối với di sản theo các nguyên tắc bảo tồn cụ thể…
Tất cả hướng tới mục tiêu chung: Hòa hợp với quan niệm văn hóa truyền thống, nôm na là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà xét cho cùng thì cũng là tương quan hài hòa Âm Dương giữa không gian trong và ngoài.
Quan hệ hình thức và công năng
Chỉ tính riêng nhóm công trình có quan tâm đến thiết kế, thi công và đầu tư bài bản thì đã có 2 kiểu quan niệm về xử lý mái nhà và mặt tiền: Hoặc quan niệm “hình thức phải đi từ công năng bên trong”, hoặc cho rằng “hình thức cũng là một dạng công năng” cần xác lập chặt chẽ. Và điểm chung của hai nhóm là đều phê phán việc chỉ chạy theo hình thức mái và hình khối bên ngoài dẫn đến nhiều chỗ làm theo kiểu “đồ giả”, không khớp công năng bên trong, chỗ cần cao thì không cao, hoặc kiểu tạo mảng mái lớn thiên về khối chung mà không để ý bên ngoài là hướng gì, nắng gió ra sao… Điều này tạo nên tính cạnh tranh và sáng tạo có cơ sở, giảm dần việc áp đặt, cóp nhặt hình thức lung tung hay chạy theo các “phong trào” nhất thời mà vô căn cứ, thiếu bền vững.
Về bản chất nhà ở, mỗi địa phương tùy theo khí hậu nắng gió đã hình thành và chọn lọc các kiểu nhà với cấu trúc, thành phần cốt lõi đã được thử thách bền vững theo thời gian. Từ các nề nếp căn bản đó, nếu muốn theo gu nhà hiện đại thì có thể điều chỉnh sao cho vẫn đảm bảo tính kế thừa mà vẫn có thể độc, lạ riêng biệt.
Bên cạnh đó, có thể tham khảo một vài quan niệm phong thủy truyền thống để có cách nhìn trung hòa hơn cho vấn đề này.
Theo Dịch lý Đông phương, phong thủy cho các bề mặt ngoài nhà có thể tóm tắt như sau:
- Cấu trúc bên trong thể hiện ra bên ngoài, không trái ngược với công năng tương ứng. Ví dụ hàng cột hiên chống đỡ mái dốc che mưa nắng, tạo khoảng đệm chuyển tiếp Âm Dương theo nhu cầu khí hậu và giao tiếp, chứ không làm cột giả (không chịu lực, chỉ cấy thêm vào vì nhu cầu trang trí). Những khối mái vươn cao luôn tương ứng với không gian bên trong có độ cao sử dụng phù hợp, thậm chí bộc lộ hệ kết cấu đỡ mái như thành phần nội thất quan trọng.
Hệ lam và cấu trúc mái nếu khéo dùng là một phương thức che chắn và tạo hình hiệu quả, bền vững.
- Mặt tiền, chi tiết nhà cửa biểu hiện tư tưởng trọng Âm là đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Cụ thể tạo bóng râm sâu nhờ mái vươn ra xa, hàng hiên rộng, vật liệu che phủ có tính rỗng xốp giúp thông gió và giải nhiệt tốt hơn... Tất cả các đặc tính này được dạng “nhà tây” xử lý rất khéo, kết hợp với kỹ thuật và kiểu dáng của Âu châu khi du nhập vào Việt Nam khiến nhiều gia chủ thế hệ sau lầm tưởng là “nhà tây” là phải làm theo chuẩn mực Tây phương. Thực ra nhà tây ở xứ ta rất nhiệt đới, rất Việt Nam bởi có sự tiếp biến, hòa trộn về văn hóa ăn ở để tồn tại lâu dài.
- Xử lý các mặt chính phụ tương quan và tương hỗ, biểu lộ quy luật vận động của vũ trụ. Nhà hướng nào thì mặt đó là chính, hai bên trái phải tương ứng Thanh Long - Bạch Hổ thì hỗ trợ, chứ bên phụ không lấn át chính, mặt sau làm chỗ dựa (Hậu Chẩm) sẽ khác với mặt chính phải giao tiếp đối ngoại nhiều hơn.
- Mái nhà là biểu tượng kết thúc, che chở, bao phủ Nội khí của cả một gia đình, nên không thể tùy tiện trang trí hay thêm bớt lung tung. Khi người Pháp thiết kế các biệt thự Đà Lạt cũng tuân thủ rất cao tính thiên nhiên và tính bản địa nơi này. Các mái nhà biệt thự vừa phong phú vừa nhất quán, vừa không lấn áp bao cảnh vừa không lụp xụp, xơ xác hay sơ sài. Việc sử dụng mái bằng vừa phải và có tính toán để khai thác công năng mà không thành gánh nặng về chống nóng, chống thấm là bài học thiết kế bền vững rất giá trị mà nhiều công trình sau này không làm được.
Nhà hiện đại mái bằng không đồng nghĩa là bỏ trống, mà tận dụng công năng, kỹ thuật và tạo nét độc đáo riêng mà vẫn phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Ngôi nhà hiện đại tích hợp mọi thứ (kỹ thuật, phụ trợ như bồn nước, giàn năng lượng, hệ thống viễn thông, nóc thang máy…) nên mặt trên mái nhà luôn khá bừa bộn. Làm nhà cân bằng Âm Dương chính là xử lý tỷ lệ các thành phần cho mặt trên cùng (mái, sân thượng) được hài hòa, thậm chí trở thành một không gian hướng ngoại đáng giá. Nhà càng dài càng hẹp càng bị vây bọc chung quanh nhiều thì “mặt tiền nhìn lên trời” này càng quan trọng.
Trên nguyên tắc cân bằng Âm Dương, lên trên cao, tính Dương nhiều thì phải mở hạn chế, cần che chắn để giảm bức xạ và mưa gió trực tiếp. Từ sự phân bố không gian, các bề mặt mái và cả giếng trời, sân trong sẽ có các kiểu che chắn, đóng mở, thoát nước mưa khác nhau, dẫn đến hình dáng và cấu trúc đặc thù. Đó chính là điều cần quan tâm nhiều hơn thay vì chỉ tập trung vào mấy chuyện “vẽ vời” lên nóc hay sơn phết bề mặt bên ngoài thuần túy.
Bài: KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/ve-gi-tren-mai-nha-45497.html