Như PLO đã đưa tin, UBND TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt hai vợ chồng ông NTS và bà TTMH tổng cộng 22,5 triệu đồng vì có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đánh nhau.
Theo đó, bà H đã có hành vi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng là ông S nên bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Ông S đã có hành vi đánh đập gây thương tích và xúc phạm danh dự, nhân phẩm bà H nên bị xử phạt 15 triệu đồng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, hành vi xúc phạm, chửi bới thành viên trong gia đình bị xử phạt thế nào?
Vợ chồng xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhau có thể bị xử phạt. Ảnh minh họa
Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn, Đoàn LS TP.HCM, hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt theo Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo Điều 54 Nghị định, phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi như tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình… Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Ngoài ra, người vi phạm buộc phải xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Buộc hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh...
Cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 52 của Nghị định, đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Tại Khoản 2 Điều 52 của Nghị định quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị...
Các biện pháp khắc phục hậu quả gồm có buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
LS Tuấn cho biết thêm, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
UBND TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã áp dụng mức phạt trung bình của mức 5-10 triệu đồng là 7,5 triệu đồng cho cả ông S và bà H đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình.
Riêng Ông S còn bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình là 7,5 triệu đồng (mức trung bình của 5-10 triệu đồng). Tổng cộng ông S phải nộp phạt 15 triệu đồng cho cả hai hành vi. Cả ông S và bà H đều không có thêm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Theo Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp người bị xử phạt không chấp hành việc nộp phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Các biện pháp cưỡng chế, gồm: khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
SONG MAI