Tập thể Đài Truyền hình Phú Yên trong ngày đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Ảnh tư liệu
Gian nan và những ân tình
Trước năm 1989, Phú Yên được xem là “vùng trắng” về truyền hình; người dân chủ yếu xem chương trình của Đài Truyền hình Quy Nhơn (Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định hiện nay) qua Trạm tiếp phát sóng Vũng Chua. Lúc bấy giờ, Đài Truyền hình Quy Nhơn phụ trách địa bàn các tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định sau này), bắc Phú Khánh (tức Phú Yên ngày nay) và một số tỉnh Tây Nguyên.
Để chuẩn bị cho việc tái lập tỉnh Phú Yên trên cơ sở tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào ngày 1/7/1989, việc thành lập Đài Truyền hình Phú Yên (THPY) là một trong những nội dung mà Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên hết sức quan tâm chỉ đạo.
Tháng 4/1989, Đài Truyền hình Nha Trang quyết định thành lập Trạm Phát hình Phú Yên với nhân sự gồm: cố nhà báo Tạ Tấn Đông, Trần Ngọc Dân (sau này giữ cương vị Giám đốc, Phó Giám đốc VTV Phú Yên), biên tập viên Nguyễn Tô Hà, Nguyễn Hòa Bình, kỹ thuật viên Lê Ánh Dương, Võ Minh Thùy... Cán bộ kỹ thuật của Đài Truyền hình Nha Trang cũng được cử ra Phú Yên để lắp đặt thiết bị, máy móc cho Trạm Phát hình và trung tâm kỹ thuật cho Đài THPY.
Trạm Phát hình đặt trên núi Chóp Chài, nhưng trụ sở đài, trung tâm kỹ thuật của đài thì đặt ở đâu trong khi chưa có trụ sở? Thể hiện tinh thần, trách nhiệm với Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên, đặc biệt là tình cảm đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... của Đài THPY, lãnh đạo TX Tuy Hòa lúc đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi: giao cho đài ngôi nhà số 23 Lê Thánh Tôn làm trụ sở.
Nhà chỉ có tầng trệt dành cho văn thư, tầng lầu vừa là phòng làm việc của ban giám đốc, vừa là phòng họp, tầng “chuồng cu” dành cho anh em độc thân hoặc ở Nha Trang ra công tác chưa có nhà ở. Vậy là lãnh đạo TX Tuy Hòa dành luôn 2 phòng ở tầng 3 của UBND thị xã cho đài làm phim trường và 1 phòng làm phòng kỹ thuật hậu kỳ.
Sau 2 tháng chuẩn bị khẩn trương về nội dung, kỹ thuật trong bối cảnh hết sức khó khăn, đúng vào tối 1/7/1989, lời chào của người dẫn chương trình “Đây là Đài THPY…” đã vang lên từ phim trường đặt tại tầng 3 UBND TX Tuy Hòa bấy giờ, mang đến niềm vui vỡ òa cho những người làm báo hình, cho khán giả truyền hình quê nhà sau bao năm tháng chưa có kênh truyền hình mang tên Phú Yên.
Dấu ấn không thể nào quên
Từ chỗ phát sóng 3 buổi/tuần khi mới thành lập, năm 1991, Đài THPY phát sóng truyền hình hằng ngày trên kênh PTV. Do tăng thời lượng phát sóng nên ngoài các chương trình tự sản xuất, trao đổi với các đài khác, PTV cũng rất chú trọng đến công tác khai thác chương trình của các đài truyền hình nước ngoài qua vệ tinh để biên dịch, biên tập. Năm 1990, khi VTV chưa phủ sóng toàn quốc, PTV đã khai thác, biên dịch các bản tin thời sự quốc tế hằng ngày. Tháng 6 cùng năm, đài tổ chức bình luận trực tiếp Giải vô địch bóng đá thế giới 1990. Ở miền Trung khi đó, PTV là đài duy nhất truyền hình trực tiếp sự kiện này.
Đến đầu năm 1992, PTV cho lên sóng bộ phim truyền hình Người giàu cũng khóc của Mexico sau một thời gian dài tổ chức khai thác qua vệ tinh, biên dịch, biên tập, lồng tiếng. Bộ phim được PTV chia sẻ cho nhiều đài truyền hình khác trong cả nước phát sóng, tạo nên một hiện tượng truyền hình tại Việt Nam. Sự kiện này được báo chí phía Nam bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa xã hội tiêu biểu của năm 1992. Ít ai ngờ, từ 2 căn phòng tạm bợ làm phim trường, phòng kỹ thuật trên tầng 3 UBND TX Tuy Hòa, với quyết tâm của đội ngũ làm nghề, Đài THPY đã làm nên những kỳ tích được đồng nghiệp đánh giá cao, được Nhân dân ủng hộ, yêu mến.
Từ năm 1994, PTV bắt đầu truyền hình trực tiếp nhiều sự kiện quan trọng. Đây cũng là đài địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện phát sóng trực tiếp các bản tin thời sự, chuyển đổi việc lưu trữ, phát sóng từ analog (tín hiệu tương tự) sang digital (công nghệ số). Đặc biệt, từ năm 1998, khi PTV được sự đầu tư trọng điểm của tỉnh và Đài Truyền hình Việt Nam, đài đã phát triển nhanh chóng về mọi mặt, trở thành thương hiệu không chỉ ở địa phương mà còn ở khu vực và toàn quốc.
Năm 1999, được sự quan tâm của UBND tỉnh, một trụ sở khang trang được xây dựng tại số 81 Lê Trung Kiên dành cho Đài THPY và Đài Phát thanh Phú Yên. Từ đây, Đài THPY kết thúc 10 năm “ở nhờ”, được UBND TX Tuy Hòa chí tình giúp đỡ.
Ngày 22/8/2001, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Đài Truyền hình khu vực Phú Yên trên cơ sở chuyển giao Đài THPY do tỉnh Phú Yên quản lý cho Đài Truyền hình Việt Nam, sau đó đổi tên thành Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên với logo kênh là PVTV, từ ngày 1/1/2004. Đến năm 2011, đổi logo kênh lần nữa là VTV Phú Yên. VTV Phú Yên là một đơn vị của Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực Nam Trung Bộ và một phần Tây Nguyên, tiếp sóng và sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình tại 6 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Với sự đầu tư mạnh mẽ và trước yêu cầu trình độ chuyên môn phải tương xứng với các đài truyền hình quốc gia trong khu vực, đội ngũ VTV Phú Yên không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, được Đài Truyền hình Việt Nam liên tục đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của đài truyền hình quốc gia. Nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên với nhiều tác phẩm thời sự, chuyên đề, ca nhạc… ấn tượng, đã đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng, nhiều giải thưởng báo chí trong và ngoài nước, để lại trong lòng khán giả những tình cảm đi cùng năm tháng như Quang Vinh, Hà Nam, Tô Hà, Hòa Bình, Kỳ Linh (đã mất), Hữu Viên, Thanh Hưng, Tấn Quýnh, Mỹ An… cùng nhiều đồng nghiệp quay phim, kỹ thuật khác.
Đặc biệt, VTV Phú Yên đã phối hợp với VTV tổ chức nhiều sự kiện toàn quốc tại TP Tuy Hòa như Liên hoan Dân ca Việt Nam, Sao Mai - Điểm hẹn, nhiều cuộc thi hoa hậu trong nước, quốc tế. VTV Phú Yên cũng tổ chức nhiều sân chơi được công chúng trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, nhất là TP Tuy Hòa vô cùng thích thú như: Liên hoan Bài chòi, Liên hoan Tiếng hát Hương Mùa Thu, giải khiêu vũ Dance Sport, Cup xe đạp VTV Phú Yên…
Từ ngày 1/1/2016, sau 14 năm phát sóng, VTV Phú Yên cùng VTV Huế và VTV Đà Nẵng hợp nhất thành kênh VTV8 theo lộ trình quy hoạch báo chí toàn quốc. VTV Phú Yên sau đó đổi thành VTV Nha Trang, chuyển trụ sở vào TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) rồi sáp nhập vào VTV9 cùng với VTV Cần Thơ. Một số anh em công tác tại VTV Phú Yên trước đây vẫn tiếp tục làm việc tại Phú Yên với đơn vị chủ quản mới là VTV8. Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên (PTP) tiếp tục sự nghiệp truyền hình Phú Yên sau khi VTV Phú Yên kết thúc nhiệm vụ của mình.
Ngày nay, mỗi lần có dịp đến UBND TP Tuy Hòa, nhiều người trong chúng tôi như được trở về “mái nhà xưa” của mình. Bởi từ trụ sở ở tạm 23 Lê Thánh Tôn, từ 2 căn phòng trên tầng 3 như “trái tim” của Đài THPY, chúng tôi đã có những ngày tháng đong đầy yêu thương, say mê với công việc mình đã chọn, trưởng thành về nhiều mặt rồi tung cánh tỏa đi muôn phương. Đặc biệt, chúng tôi mãi mãi không quên sự giúp đỡ chí tình, những tình cảm yêu thương mà thế hệ lãnh đạo TX Tuy Hòa bấy giờ đã dành cho chúng tôi.
TRẦN THANH HƯNG