Trong chiều ngày 20.7, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã gửi ra 29 triệu tin nhắn cho người dân tại các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây, vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), đến 13h ngày 21.7 sẽ ở phía bắc vịnh Bắc bộ. Đến 13h ngày 22.7, dự kiến báo sẽ ở trên vùng ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa, cấp 10-11, giật cấp 14.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước bão và mưa lũ sau bão, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến nghị người dân không nên chủ quan và tuân thủ theo các khuyến cáo:
Theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.
Đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản, nhất là người dân trên các đảo; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, tàu du lịch, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.
Đảm bảo an toàn khi đi du lịch mùa mưa bão: thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai, chủ động hoãn hoặc hủy các chuyến đi khi thời tiết xấu để đảm bảo an toàn; tránh di chuyển đến khu vực ven biển, đảo, vùng núi hoặc nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét. Tuyệt đối không ra ngoài khi bão đang đổ bộ, trừ trường hợp khẩn cấp và có hướng dẫn cụ thể từ lực lượng chức năng.
Xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng.
Gia cố, chẳng chống nhà cửa; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công.
Gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”
Đề phòng mưa, lũ, ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, khu vực đô thị và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi; đề phòng nước dâng vùng ven biển, cửa sông.
Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao.
Chủ động khơi thông cống thoát nước gần nhà, khu dân cư mình ở tạo đường thoát lũ; thông báo tới chính quyền khi có sự cố về tắc nghẽn cống thoát nước, các điểm ngập sâu; không đỗ xe ở các vùng có nguy cơ ngập; đề phòng ngập tầng hầm chung cư.
Lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Trong thời điểm trước, trong, và sau bão với lượng thông tin lớn tràn lan trên mạng xã hội – trong đó có nhiều thông tin chưa chính xác, việc theo dõi và nhận thông tin từ những nguồn thông tin uy tín như Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai là điều cần thiết.
Ngoài ra, người dân cần tăng cường cảnh giác với những hiện tượng thời tiết phức tạp khác trước, trong, và sau bão như sạt lở đất, lũ quét…. để chủ động ứng phó và phản ứng kịp thời.
Sự phối hợp giữa Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Zalo giúp người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác nhất. Với tin nhắn cảnh báo thiên tai được gửi tới trực tiếp từng người dân, hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai được tăng lên rõ rệt, giảm thiểu những thiệt hại không đáng có về tài sản hay tính mạng của người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng.
Được triển khai gần 4 năm, trang Zalo OA “Cục Quản lý đê điều và PCTT” (tên trước đây là “BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai”) đã thu hút hơn 436.000 người quan tâm. Trung bình mỗi năm có hơn 120 triệu tin nhắn khẩn cấp được gửi đến người dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần đảm bảo hệ thống thông tin xuyên suốt, chính xác đến cộng đồng.
Tr.My