Ước mong ở Ra Nhong

Ước mong ở Ra Nhong
5 giờ trướcBài gốc
Địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nên cứ đến mùa mưa bão là người dân xóm Ra Nhong lại trĩu nặng âu lo sạt lở núi và lũ quét. Bởi trước mặt là suối sâu chảy xiết, sau lưng nhà là núi nứt, có thể đổ sập bất cứ lúc nào...
Xóm “lòng chảo”
Xóm Ra Nhong cách trung tâm xã Ba Giang chừng 8km. Cung đường vào tổ 1, xóm Ra Nhong mùa này phải men theo triền núi, nhỏ hẹp, lắt léo vòng quanh lại dốc ngược, đá sỏi lởm chởm. Có những đoạn đường phải qua khúc cua "cùi chỏ" lổn nhổn đá, sỏi nên chỉ cần lơi lỏng tay lái, người và xe sẽ rơi xuống con suối nước sâu chảy xiết. Càng vào sâu trong tổ 1, mưa càng nặng hạt, đất từ những ngọn đồi “trọc” kéo nhau đổ xuống khiến đường càng trơn trượt. Đã vậy, cứ sau đoạn dốc dài là những khúc cua quanh co khiến tôi thót tim.
Những ngôi nhà ở xóm Ra Nhong, thôn Gò Khôn, xã Ba Giang (Ba Tơ) nằm cheo leo, lưng tựa vách núi.
Dẫn đường cho tôi, chiếc xe máy của Phạm Văn Hành - dân quân tự vệ xã Ba Giang, cứ lắc lư, lúc ngả trái, khi trượt phải, lúc nhảy chồm chồm. Anh Hành bảo, Ra Nhong là xóm đặc biệt khó khăn của xã, có 35 hộ dân, với 135 nhân khẩu, hầu hết là hộ nghèo. Xóm ở cuối tổ 1, nằm dưới chân núi và ngăn cách với các xóm còn lại bởi một con suối rộng. Các cụm nhà dân nằm xen lẫn trong rừng, nên mình phải đi bộ hơn 1km, rồi lội qua suối thì mới đến được. Cũng vì vậy mà Ra Nhong còn được gọi là xóm “lòng chảo”. Bình thường, suối cạn nước, người dân đi lại dễ dàng. Thế nhưng mùa mưa, nước trên núi đổ về suối đột ngột lại chảy mạnh, nên người dân lo nhất là ốm đau cấp cứu, còn học sinh thì không thể đến trường. Mấy hôm nay mưa lớn, không biết con suối thế nào, nếu nước sâu và chảy mạnh thì mình cũng không vào xóm được.
"Sự cố thiên tai là không thể lường trước, trong khi địa hình trắc trở, đường sá đi lại ở xóm Ra Nhong lại khó khăn, kiến thức và kinh nghiệm phòng, chống thiên tai của người dân còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ di dời người dân xóm Ra Nhong ra khỏi khu vực nguy hiểm do nứt núi, trượt lở đất để sớm được an cư”.
Chủ tịch UBND xã Ba Giang
PHẠM VĂN THẬT
Vào đến đầu xóm, chúng tôi gửi xe, tiếp tục đi bộ. Trưởng thôn Gò Khôn Phạm Văn Ngũ vừa đi vừa kể, xóm Ra Nhong được bao bọc bởi những ngọn núi, con suối, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở. Nông sản, thực phẩm người dân làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp, nên cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Mùa mưa, nước suối dâng cao, chảy mạnh, xóm Ra Nhong lại bị chia cắt. Điện chưa có, một số hộ dân dựng trụ tre, kéo dây đấu nối điện từ nhà người thân ở bên kia con suối (cách khoảng 3km). Biết kéo điện vậy là nguy hiểm, nhưng người dân cũng chẳng đặng đành, vì “có điện thì con cái mới nhìn thấy mặt chữ để học”. Song, đến mùa mưa thì trẻ em ở xóm Ra Nhong lại phải đi học “giã gạo”.
“Phần lớn người dân trong độ tuổi lao động ở xóm Ra Nhong đi rẫy dài ngày, hoặc đi làm thuê ở các tỉnh Tây Nguyên. Trẻ em ở với ông bà, nên tự đến trường bằng cách men theo con suối dài gần 4km. Mùa mưa, suối sâu chảy mạnh, dễ xảy ra lũ quét; còn tuyến đường mòn men theo núi thì xa, lại lởm chởm đá, trơn trượt. Thế nên, học sinh ở Ra Nhong rơi vào cảnh mưa là nghỉ học”, ông Ngũ lý giải.
Ước mong an cư
Lội qua con suối nước chảy xiết, trước mắt chúng tôi là ngọn đồi thoai thoải, thấp thoáng những nóc nhà ẩn hiện dưới rặng cây rừng. Nhà dân nằm lọt thỏm giữa đồi núi chênh vênh, nằm cheo leo như “treo” bên vách núi; một số nhà thì “tựa” vào vách núi bị xói lở.
Đường vào xóm Ra Nhong.
Ông Phạm Văn Nha, ở xóm Ra Nhong giãi bày, mỗi khi có mưa lớn, tôi và người dân ở đây lại dắt díu nhau qua xóm ở bên kia con suối để trú tạm, đến khi nào hết mưa mới quay trở lại nhà. Vậy nên, nhiều người gọi xóm Ra Nhong là... xóm chạy. Khi núi bị nứt, mưa dù nhỏ nhưng kéo dài cũng nguy hiểm. Không chỉ ban đêm lo sợ, mà ban ngày cũng thấp thỏm, vì không biết núi sạt vào lúc nào...”, ông Nha bỏ lửng câu nói với nét mặt âu lo.
Trưởng thôn Gò Khôn Phạm Văn Ngũ chia sẻ, dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây luôn đùm bọc nhau, tựa vào núi, dựa vào rừng để sống. Từ khi phát hiện núi có nhiều vị trí bị nứt, xuất hiện rãnh sâu và kéo dài, người dân luôn lo lắng. Đầu mùa mưa năm nay, chúng tôi lại thấy núi tiếp tục có thêm nhiều vết nứt, có cả đường nứt chạy hướng từ đỉnh núi xuống, đất sụt lún trông thấy rõ. Chưa bao giờ mà người dân ở xóm Ra Nhong lo âu và mong được chuyển đến nơi an toàn như bây giờ. “Khó khăn, thiếu thốn về vật chất thì người dân có thể gắng gượng, nỗ lực vươn lên, nhưng thiên tai, sạt lở núi thì sức người không thể chống chọi được”, ông Ngũ bày tỏ.
Sau lưng ngôi nhà của bà Phạm Thị Bây là vách núi bị xói lở.
Quá trưa, xóm Ra Nhong vắng lặng. Cơn mưa rả rích càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm phần hiu quạnh. Chúng tôi rời xóm bằng cách men theo con suối, cũng là con đường đến trường của học sinh xóm Ra Nhong, dài gần 4km. Chủ tịch UBND xã Ba Giang Phạm Văn Thật trải lòng, đi như thế này mới thấy người dân và trẻ em xóm Ra Nhong vất vả đến nhường nào. Nhiều hôm nước suối lớn, các em người ướt nhẹp, đi bộ hơn 30 phút đến trường thì quần áo cũng vừa khô ráo. Vậy nên, nguyện vọng của người dân xóm Ra Nhong là được chuyển về sinh sống tại tổ 6, xóm Gò Nu, thôn Gò Khôn, để không phải thấp thỏm lo núi lở, suối sâu. Khu vực tổ 6 cũng gần điểm Trường Mầm non và Tiểu học thôn Gò Khôn, nên học sinh xóm Ra Nhong không phải rơi vào cảnh “mưa là nghỉ học”.
Những ngôi nhà ở xóm Ra Nhong ẩn hiện dưới rặng cây rừng đang bị đe dọa bởi ngọn núi phía sau đã xuất hiện nhiều vết nứt.
Mong ước an cư, lạc nghiệp của người dân xóm Ra Nhong cũng là trăn trở bấy lâu nay của chính quyền địa phương. Thế nhưng, để về nơi ở mới, cần phải khảo sát và đầu tư khu tái định cư đảm bảo an toàn, đầy đủ cơ sở hạ tầng thì vượt quá khả năng của địa phương. Trước mắt, chính quyền địa phương thường xuyên thông tin kịp thời tình hình thời tiết để người dân chủ động sơ tán khi có mưa lớn kéo dài. Đồng thời, triển khai phương án tiếp cận hỗ trợ di dời, sơ tán người già, trẻ em cũng như công tác tiếp tế lương thực, thực phẩm trong trường hợp xóm Ra Nhong bị chia cắt do đường sạt lở, suối chảy xiết.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202411/uoc-mong-o-ra-nhong-c314aea/