Đồng chí Đồng Văn Lưu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, tặng quà thương binh Lã Trọng Tài, xóm Phố Giàu, xã La Bằng. Ảnh: T.L
Từ nhiều năm qua, ngày 27-7 trở thành dịp thiêng liêng trong tâm thức của người dân Việt Nam, là ngày để toàn xã hội tri ân sâu sắc sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Thế nhưng, bất chấp đạo lý và sự thật hiển nhiên ấy, nhiều đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị vẫn không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, lợi dụng các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn ảo để phát tán luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chính sách ưu đãi người có công.
Năm nay, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), các thế lực thù địch tiếp tục “đổi mới” phương thức phá hoại. Chúng đưa ra những luận điệu phiến diện, vu cáo Đảng, Nhà nước “bỏ rơi người có công”, cho rằng “chính sách ưu đãi không thực chất”, “người có công bị thiệt thòi”… nhằm kích động tâm lý bất mãn, tạo sự nghi ngờ trong quần chúng nhân dân.
Những thủ đoạn đó nhanh chóng bị vạch trần bởi thực tế sinh động của đời sống chính trị - xã hội đất nước. Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Thái Nguyên, là minh chứng rõ ràng nhất phản bác những luận điệu xảo trá, sai trái ấy.
Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, an toàn khu của Bác Hồ và Trung ương Đảng, là nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ. 78 năm trước, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày trong năm làm ngày "Thương binh”. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc.
Tại đây, đại diện Ban Tổ chức trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc quan tâm, chăm lo người có công luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và phát triển. Trải qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, dù còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta vẫn ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công. Nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng đã được ban hành, khẳng định vai trò trung tâm của chính sách đền ơn đáp nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để cụ thể hóa quan điểm, Nhà nước đã xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi ngày càng đầy đủ và chặt chẽ. Tính đến nay, cả nước đã xác nhận hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 800.000 thương binh, 185.000 bệnh binh, 320.000 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học… Hiện nay, hơn 1,2 triệu người có công và 280.000 thân nhân đang được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Song song với việc thực hiện chế độ trợ cấp, Đảng, Nhà nước còn đặc biệt chú trọng tới công tác quy tập, xác định danh tính liệt sĩ. Từ năm 2013, Đề án tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hồ sơ, lập bản đồ tìm kiếm, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, hợp tác quốc tế để tìm kiếm hài cốt tại các nước bạn…
Hiện cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ, 3.000 công trình ghi công, với sự đầu tư tu bổ, nâng cấp hằng năm từ cả ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa. Tất cả những việc làm ấy thể hiện sự trân trọng và tri ân sâu sắc của dân tộc đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tại tỉnh Thái Nguyên, công tác chăm lo người có công luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban ngành, đoàn thể xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trước thời điểm sáp nhập, Thái Nguyên đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ người có công.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, toàn tỉnh còn 235 hộ người có công đang ở trong nhà tạm, nhà dột nát - chủ yếu thuộc địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũ.
Trước thực tế đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, coi đây là việc làm cần kíp, không để người có công tiếp tục phải sống trong điều kiện khó khăn. Nhờ sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị, đến nay các địa phương đã cơ bản khởi công xây dựng toàn bộ số nhà còn lại, hướng tới hoàn thành dứt điểm, triệt để nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trong thời gian sớm nhất.
Nhân các dịp lễ, Tết, đặc biệt là dịp 27-7 năm nay, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 9/7/2025 nhằm tổ chức nhiều đoàn thăm, tặng quà người có công với cách mạng tại các địa phương; dâng hương và thăm viếng các công trình ghi công liệt sĩ trong và ngoài tỉnh.
Lễ dâng hương tưởng niệm, các hoạt động tôn vinh, tri ân, cùng với việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần giúp đỡ kịp thời, thiết thực các gia đình chính sách trên địa bàn, từng bước cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động chính sách, hệ thống chính trị còn tích cực phát động nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ với nhiều hình thức đa dạng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Sự tham gia ngày càng đông đảo của nhân dân đã chứng minh rằng đây không phải là trách nhiệm riêng của Nhà nước mà là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn xã hội.
Thực tế tại Thái Nguyên và các địa phương khác trong cả nước đã khẳng định, không chỉ dịp 27-7 mà hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành truyền thống văn hóa với mọi tầng lớp nhân dân, ở khắp các vùng, miền đất nước.
Các chính sách dành cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đang được hoàn thiện; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tu bổ đền đài, nghĩa trang liệt sĩ luôn được quan tâm.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên, các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng thật sự trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể thiết thực, phong phú, sáng tạo trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.
Trân trọng, biết ơn quá khứ - hướng về cội nguồn là truyền thống quý báu làm nên sức mạnh tinh thần to lớn cho dân tộc Việt Nam. Chính tinh thần ấy, cùng với khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, sẽ tiếp thêm động lực để thế hệ hôm nay viết tiếp những trang sử vàng, tô thắm truyền thống cách mạng của dân tộc. Đó cũng là câu trả lời rõ ràng, dứt khoát nhất trước mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch đối với nền tảng tư tưởng và đường lối đúng đắn của Đảng ta.
Hồng Hạnh