Mô hình tưới phun mưa bán tự động trên rau màu được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất cây trồng.
Trước tình hình sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, Trại Thực nghiệm Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình tưới tự động trên cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng tại các huyện Châu Thành, Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Tú. Hệ thống tưới phun mưa mang đến hiệu quả giúp tiết kiệm nước, thời gian và sức lao động, hạn chế được sâu bệnh và sự phát triển của cỏ dại, giúp tăng năng suất cây trồng. Đơn vị còn triển khai và nhân rộng công nghệ tưới phun sương bán tự động, giúp người trồng nấm bào ngư ở thành phố Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, huyện Long Phú, huyện Thạnh Trị… giảm công lao động, tăng năng suất nấm, ổn định nguồn thu nhập.
Theo đồng chí Lê Trung Tâm - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Sóc Trăng:
Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau, cây ăn trái, đưa sản phẩm của địa phương trở thành sản phẩm đặc trưng, như: củ hành tím Vĩnh Châu, Artemia Vĩnh Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, vú sữa tím Trinh Phú, trái cây Cù Lao Dung được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể... Từ việc xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất và canh tác hiệu quả, Sóc Trăng hiện đã xuất khẩu được nhiều giống lúa thơm đặc sản như ST25, ST1, ST2, ST3, ST5, ST10, ST17, ST18, ST19, ST20, Khao Dawk Mali 105.
Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN của ngành đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Có thể kể đến mô hình nuôi lươn theo phương pháp tuần hoàn nước vừa tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao vừa bảo vệ môi trường; mô hình sử dụng nấm xanh (Metarhizium anisopliae) phòng trừ rầy nâu hại lúa đã được triển khai tại các huyện Châu Thành, Thạnh Trị không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch. Hay mô hình nhân giống một số loại hoa kiểng và cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy in vitro đã cung cấp cây con có chất lượng, góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh lân cận.
Trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, ngành KH&CN tỉnh đã hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh theo quy trình nước xanh cải tiến, chuyển giao công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính, cá tra, xây dựng các mô hình nuôi hàu, cá bông lau, sản xuất giống cá lóc đồng, xây dựng quy trình nuôi tôm sú bán công nghiệp và công nghiệp. Tại thị xã Vĩnh Châu, việc triển khai hiệu quả mô hình nuôi artemia thâm canh và nghiên cứu quy trình nuôi artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến đã giúp cho thị trường tiêu thụ trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu được mở rộng đến các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đồng chí Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng cho biết:
Các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo phục vụ nông nghiệp của tỉnh luôn được quan tâm và ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt. Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghệ chế biến sâu trong phát triển sản xuất theo chuỗi các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP.
Đồng thời sẽ có các giải pháp hỗ trợ xác lập, quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương, thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Hoạt động nghiên cứu KH&CN sẽ từng bước được đổi mới và nâng cao hiệu quả theo hướng gắn kết với sản xuất và đời sống.
XUÂN THANH