Vai trò của Mỹ trong màn kết của cuộc xung đột Nga-Ukraine

Vai trò của Mỹ trong màn kết của cuộc xung đột Nga-Ukraine
một giờ trướcBài gốc
Kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine của Mỹ dần hé lộ
Ngày 27/11, ông Trump đã chọn Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên của mình về vấn đề Ukraine và Nga. Ông Kellogg được kỳ vọng sẽ tiếp tục các nỗ lực làm trung gian hòa giải cho hai bên tham chiến.
Hồi tháng 6, Reuters đưa tin ông Kellogg và một cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống đắc cử Trump - cựu Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Frederick Fleitz, đã đưa ra kế hoạch ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi Kiev đồng ý đàm phán với Nga. Hai người này cũng được cho là đã đề xuất đóng băng tiền tuyến ở vị trí hiện tại và loại bỏ mục tiêu Ukraine gia nhập NATO khỏi các thỏa thuận hòa bình.
Quan điểm của Kellogg về cuộc xung đột hiện nay phức tạp hơn so với Tổng thống Joe Biden, người ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine và để Kiev quyết định thời điểm đàm phán. Ông Kellogg lập luận, Mỹ nên ngừng viện trợ cho Ukraine nếu Kiev từ chối đàm phán với Điện Kremlin nhưng ngược lại, nên tăng viện trợ cho Ukraine lên nếu Nga là bên rút lui khỏi thỏa thuận hòa bình. Áp lực từ Mỹ sẽ buộc hai bên đi đến lựa chọn duy nhất mà Nhà Trắng mong muốn là cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Cựu tướng Mỹ Keith Kellogg cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Washington nên đưa ra “cảnh báo mạnh mẽ hơn” về việc sẽ tiếp tục “rót viện trợ” cho Ukraine trong trường hợp Nga không chấp nhận đề xuất của Mỹ. Ông nói thêm rằng ông Trump - ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tại thời điểm đó, đã có những phản hồi "tích cực" với đề xuất này.
Ông Keith Kellogg. Ảnh: RBC-Ukraine
Hồi tháng 7, Kellogg tiết lộ về tầm nhìn của ông trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, được xuất bản như một phần của cuốn sách An America-First Approach to US National Security. Khi nói đến kế hoạch thuyết phục Nga tham gia đàm phán, cựu tướng Mỹ viết rằng Washington và các đối tác NATO khác sẽ trì hoãn tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh để đổi lấy một "thỏa thuận toàn diện và có thể kiểm chứng được với các đảm bảo an ninh".
Tổng thống Putin coi ý định gia nhập NATO của Kiev là một trong những lý do Moscow phải tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi đầu năm 2022.
Căng thẳng đang leo thang trong bối cảnh Washington đã “bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa Mỹ hồi tuần trước. Để đáp trả, Moscow cũng hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, chứng minh những lời đe dọa trước đó không phải là “đòn gió”. Việc Bình Nhưỡng triển khai quân đến Nga khiến cuộc chiến hiện giờ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về khả năng xung đột sẽ lan rộng và thậm chí bùng nổ một cuộc Thế chiến mới.
Nói về việc cần nhanh chóng tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình, ông Kellogg nhận định: "Tôi không nghĩ rằng Thế chiến thứ III đã bắt đầu nhưng chúng ta đang ở ngay bờ vực và một tia lửa đơn giản cũng có thể khiến mọi thứ trở nên mất kiểm soát bất cứ lúc nào”.
Mặc dù các chi tiết cụ thể của chiến lược vẫn đang được xây dựng nhưng ông Mike Waltz, người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, đang cân nhắc đề xuất của ông Kellogg.
Vai trò của Mỹ
Tuy nhiên, điều mà Ukraine và các nhà quan sát đang lo lắng nhất không phải là cách Mỹ đưa hai bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán như thế nào, mà là nội dung của kế hoạch đàm phán đó và khả năng lập lại hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có nhiều khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga hơn nếu Ukraine giành được nhiều lợi thế hơn trên chiến trường. Ông Trump cho biết ưu tiên trong nhiệm kỳ tới là chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và ngăn chặn những gì ông tin là đang làm hao hụt nguồn lực quân sự của Mỹ.
Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị châu Âu đang cảnh báo rằng một thỏa thuận ngừng bắn trao nhiều quá nhiều quyền lợi cho Nga có thể là bước mở đầu cho một cuộc xung đột tiếp theo. Business Insider dẫn lời ông John Lough, chuyên gia nghiên cứu chính trị thuộc tổ chức Chatham House, cho biết việc từ bỏ Ukraine có thể khiến ông Trump “lộ vẻ yếu đuối và tiếp thêm động lực cho các đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của Mỹ.
"Nếu ông Trump không tìm kiếm một thỏa thuận công bằng cho Ukraine thì trong mắt các đồng minh phương Tây, điều này chẳng khác gì việc Mỹ đang nhượng bộ Nga, làm suy giảm vị thế của nước Mỹ trong các tổ chức quốc tế", ông Lough cho biết.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Getty
Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng Ukraine phải ở vào vị thế có thể ngăn chặn Nga. Trong những tháng gần đây, Nga đã đạt tốc độ tiến công nhanh nhất kể từ bắt đầu xung đột với Ukraine vào đầu năm 2022 và đạt được nhiều thắng lợi đáng kể ở mặt trận miền Đông, trong bối cảnh Kiev phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực và vũ khí. Gần đây, Moscow còn tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện diện rộng.
Trả lời phỏng vấn với CNN ngày 27/11, bà Evelyn Farkas, Giám đốc điều hành Viện McCain có trụ sở tại Mỹ, lập luận rằng, ông Putin có ít động lực để tìm kiếm hòa bình với Ukraine nếu nhà lãnh đạo Nga tin rằng sự ủng hộ dành cho Kiev đang suy yếu. Nếu không, cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc trên bàn đàm phán.
Đánh giá cao vai trò của Washington, ông Lough cho hay, việc đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài ở Ukraine sẽ phụ thuộc phần nhiều vào “sức mạnh Mỹ”.
"Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ liên quan đến sự hỗ trợ của Mỹ dưới một hình thức nào đó để duy trì hòa bình. Ukraine cần duy trì sức mạnh quân sự nếu có bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra trong tương lai, trong khi Nga cần một đối thủ đủ mạnh để khiến nước này phải dè chừng ", ông Lough nói.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Euronews, Business Insider
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vai-tro-cua-my-trong-man-ket-cua-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-post1138900.vov