Văn hóa tranh luận trên không gian mạng: Đừng cố tỏ ra 'cool ngầu', hãy nhớ 3 quy tắc cốt lõi (Kỳ 2)

Văn hóa tranh luận trên không gian mạng: Đừng cố tỏ ra 'cool ngầu', hãy nhớ 3 quy tắc cốt lõi (Kỳ 2)
8 giờ trướcBài gốc
Sự không giới hạn của Internet và mạng xã hội cũng có cái giá của nó: Tạo điều kiện cho những kẻ thù ghét, những kẻ theo "thuyết âm mưu" và những kẻ phá rối được tự do hành động. Nếu như ở các phương tiện truyền thông chính thống như báo chí, truyền hình, ê kíp biên tập sẽ thẩm định và quyết định nội dung nào được xuất bản hoặc phát sóng dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực và quy trình nghề nghiệp tương đối chặt chẽ, thì người dùng mạng xã hội hoàn toàn tự quyết định đăng tải, bình luận và chia sẻ bất kỳ nội dung mà họ muốn. Mạng xã hội đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia rộng rãi của nhiều chủ đề và đối tượng khác nhau.
"Những người ngầu"
"Vai trò của người dùng đã thay đổi hoàn toàn", GS Jeanette Hofmann - Giám đốc Viện Alexander von Humboldt về Internet và Xã hội (HIIG) tại Berlin cho biết: "Người dùng hiện có quyền lực lớn hơn nhiều trong việc thiết lập cái gọi là 'chương trình nghị sự'. Điều đó có nghĩa là họ giúp xác định những gì được thảo luận công khai. Và tiếng nói của họ thực sự có ảnh hưởng đến việc sản xuất tin tức. Xét cho cùng, các phương tiện truyền thông chuyên nghiệp luôn theo dõi sát sao những gì mọi người nhấp vào và thời gian độc giả đọc một bài viết hoặc bài đăng cụ thể".
Internet mang đến cho mọi người cơ hội được lên tiếng và tham gia vào các cuộc trò chuyện công khai, khởi xướng các cuộc tranh luận, phàn nàn về những thiếu sót và huy động người khác vì mục tiêu của riêng họ. Thoạt nghe thì điều này nghe có vẻ tốt và thực sự dân chủ. Tuy nhiên, những cơ hội mà Internet mang lại cũng đi kèm với rủi ro.
Các thuật toán ẩn danh được sử dụng trên các nền tảng để giúp quyết định bài đăng nào và do đó là ý kiến nào được lan truyền. Các nghiên cứu cho thấy nội dung khiêu khích và gây khó chịu thu hút nhiều lượt nhấp chuột hơn, sự bất đồng quan điểm trong phần bình luận có thể làm tăng sự tương tác của người dùng. Tuy nhiên, hiệu ứng này không đồng đều giữa các hành vi tương tác với tin tức khác nhau. Hơn nữa, mức độ tương tác với các chủ đề "tin tức cứng" và "tin tức mềm" cũng khác nhau. Sự bất đồng quan điểm trong bình luận về các chủ đề "tin tức mềm" (giải trí, xã hội và thể thao) làm tăng sự chú ý của người dùng vào trường bình luận. Ngược lại, sự bất đồng quan điểm trong bình luận về các chủ đề "tin tức cứng" (kinh tế và chính trị) làm giảm sự chú ý của người dùng vào trường bình luận, cũng như khả năng họ tự đánh giá là sẽ đọc bài đăng.
Văn hóa tranh luận đang có nguy cơ bị biến tướng. Ngôn từ kích động, thù địch là một hiện tượng phổ biến, ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Hofmann tin rằng, điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho diễn ngôn dân chủ: "Các chuyên gia trong bối cảnh những tác động đáng sợ này, những người chứng kiến người khác bị bắt nạt, sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi công khai nói ra điều gì đó có thể gây tranh cãi, và rất có thể sẽ tránh xa nó".
Các trang như X (Twitter), Facebook và Instagram được tối ưu hóa để thuận tiện cho người dùng, giúp việc chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc trực tuyến trở nên dễ dàng hơn ngay lập tức. Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng có cái giá của nó. Trong quá trình đăng bài vội vàng, chúng ta không nhận ra những hậu quả tiêu cực mà những bình luận này có thể gây ra trong tương lai. Đơn giản chỉ là bài đăng bị sa thải sau khi đăng tweet phản đối hôn nhân đồng giới, hay sa thải vì những vấn đề nhạy cảm... cũng nhận được hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt thích và hàng chục nghìn bình luận, khơi mào cộng đồng mạng đưa ra ý kiến tranh luận của họ trên mạng xã hội về việc đúng hay sai mà quên rằng phải dựa trên sự thật để đưa ra bình luận, điều mà nhiều người đã bỏ qua vì quá vội vàng bình luận.
Nếu không có sự thật, thật khó để hình thành một quan điểm đáng kính trọng hoặc có hiểu biết về một chủ đề, vì bạn không có bằng chứng để chứng minh. Khi bạn chỉ trích trên tweet hoặc bất kỳ trang mạng xã hội nào, bạn sẽ bị coi là thiên vị, hoặc tệ hơn.
Những lời chỉ trích thường mang tính bộc phát và mang tính cảm xúc, khiến chúng không phù hợp để bày tỏ quan điểm. Việc sử dụng chữ in hoa, biểu tượng cảm xúc, xen kẽ và những từ ngữ tục tĩu có tác dụng làm mất tính chính đáng của một lập luận. Việc chỉ trích là chuyện của dân nghiệp dư và tiềm ẩn nhiều vấn đề về uy tín và sự trung thực.
Do các chuẩn mực tập thể không khuyến khích xung đột, giới trẻ châu Á áp dụng các cách tiếp cận gián tiếp, ít tính đối đầu hơn trên các nền tảng xã hội. Ngược lại, giới trẻ các nước phương Tây chia sẻ quan điểm và niềm tin trực tiếp hơn, phản ánh văn hóa cá nhân khuyến khích sự tự do thể hiện một cách cởi mở. Nhưng, một trong những vấn đề mà giới trẻ châu Á hay gặp phải, đó là văn hóa tranh luận gắn kết với văn hóa thần tượng. Chỉ đơn giản đăng tải một thông tin về thần tượng A bị 'phong sát ngầm' được lấy lại từ báo chí, đi ngược lại số đông trong cộng đồng người hâm mộ, ngay lập tức bạn trở thành tâm điểm thù địch, phải nhận những lời lẽ thóa mạ... hay là việc fan của thần tượng C nêu một thông tin là thần tượng mình trông "thần thái" hơn thần tượng D, ngay lập tức sẽ nổ ra cuộc chiến tranh luận trên mạng xã hội giữa hai cộng đồng fan, thậm chí họ còn lôi cả những người không liên quan xung quanh đối tượng của cuộc tranh luận vào để thóa mạ, bôi nhọ...
Một nghiên cứu toàn cầu được công bố, với tiêu đề "Cool People" (Những người ngầu) trên Tạp chí Tâm lý Thực nghiệm đã xác định sáu đặc điểm tính cách định nghĩa một người "cool" (ngầu), bất kể quốc tịch, độ tuổi hay giới tính. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 5.943 người tham gia tại 12 quốc gia, bao gồm Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Mexico, Nigeria... Nghiên cứu cho thấy, mọi người thường liên tưởng sự "ngầu" với sáu đặc điểm sau: Hướng ngoại, khoái lạc, quyền lực, thích phiêu lưu, cởi mở và tự chủ. Những đặc điểm này xuất hiện một cách nhất quán, bất kể quốc gia, độ tuổi, giới tính hay trình độ học vấn của người tham gia, cho thấy sự "ngầu" đã trở thành một loại ngôn ngữ toàn cầu về tính cách và theo GS Tâm lý học Jon Freeman của ĐH Columbia, hay GS Todd Pezutti của ĐH Adolfo Ibánẽz, nó phản ánh bản chất của văn hóa tranh luận trên cộng đồng mạng hiện nay, cách mà một người muốn thể hiện sự 'cool ngầu'.
Trước khi đăng tải những lời chỉ trích lên mạng xã hội, hãy dành vài giây để cân nhắc ba quy tắc cốt lõi của mạng xã hội:
Thứ nhất, bất cứ điều gì bạn đăng tải đều được công khai cho công chúng. Thứ hai, các bài đăng trực tuyến của bạn có thể bị lợi dụng để chống lại bạn, các nhà tuyển dụng thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội trong quá trình tuyển dụng. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, nếu bạn đăng tải điều gì đó mang tính kỳ thị hoặc kích động, nó có thể và sẽ lan truyền chóng mặt. Vì vậy, nếu bạn định bình luận hoặc tweet, hãy chắc chắn rằng bạn suy nghĩ kỹ trước khi nhấp chuột.
Ranh giới nào cho "tự do ngôn luận"?
Làm thế nào để tận dụng những cơ hội mà Internet mang lại cho văn hóa tranh luận mang tính xây dựng, đảm bảo quyền biểu đạt mà lại giảm thiểu rủi ro? Các nhà hoạch định chính sách Đức đã ban hành đạo luật thực thi mạng, yêu cầu các nền tảng phải xóa nội dung bất hợp pháp, hay Bộ luật Hình sự Đức cũng nghiêm cấm hành vi kích động, lạm dụng và phỉ báng. Tuy nhiên, ranh giới giữa tự do ngôn luận và kích động đôi khi rất khó xác định và việc quản lý thế giới trực tuyến là một vấn đề phức tạp.
Văn hóa bình luận trên mạng xã hội là một hiện tượng phức tạp và đa chiều, có khả năng vừa xây dựng cộng đồng, vừa tạo ra xung đột. Có lẽ, mỗi cá nhân đều cần có trách nhiệm thúc đẩy văn hóa tranh luận và thảo luận văn minh, như Jeanette Hofmann giải thích: "Công nghệ mở ra một lĩnh vực cơ hội, nhưng con người phải lấp đầy lĩnh vực này".
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/van-hoa-tranh-luan-tren-khong-gian-mang-dung-co-to-ra-cool-ngau-hay-nho-3-quy-tac-cot-loi-ky-2-post1760792.tpo