Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình chị Nguyễn Thị Biên (giữa), xã Hoằng Thanh.
Săn ngao khi thủy triều rút
Tờ mờ sáng, khi thủy triều rút, trên các bãi cát dài, những người phụ nữ vùng biển lại bắt đầu công việc cào, nạo ngao. Hành trang là một chiếc túi lưới, một chiếc rổ, một cây đinh ba hoặc có thể là cái muỗng hay cái muôi nhỏ... Họ đi thành từng nhóm nhỏ, mỗi người làm việc ở một vùng khác nhau, tỉ mỉ, lặng lẽ cào, xới dưới lớp cát để tìm ngao.
Mặc dù mỗi lần đi làm đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, nhưng đôi bàn tay của chị Nguyễn Thị Hà (SN 1985, phường Nghi Sơn) vẫn không tránh khỏi những vết chai sạn, bỏng rát. Làm nghề cào ngao ngót nghét đã hơn chục năm, với chị công việc khá vất vả, đòi hỏi sức khỏe, sự kiên trì và phụ thuộc vào từng con nước. Bởi vậy, mỗi khi thủy triều rút chị cùng hàng chục phụ nữ lại bắt đầu tìm, cào ngao nhớt. Chị Hà cho biết, để săn được nhiều con ngao nhớt đòi hỏi phải nhanh mắt, nhanh tay, phán đoán đúng nơi con ngao hay trú ẩn, chưa kể trong quá trình đào phải hết sức cẩn thận, nhẹ nhàng tránh làm vỡ vỏ. Nếu chăm chỉ và may mắn, một ngày có thể cào được 6 - 8kg ngao, nhập sỉ cho các nhà hàng, cơ sở thu mua.
Trung bình, mỗi tháng người dân phường Nghi Sơn đi cào ngao nhớt khoảng 18 – 20 ngày tùy vào điều kiện thời tiết. Do vị trí cào ngao gần với tuyến đường nhiều phương tiện qua lại nên sau khi cào ngao xong, người dân có thể bán trực tiếp cho du khách hoặc người đi đường với giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg.
Ngao là loại nhuyễn thể có giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao.
Với kinh nghiệm gần 8 năm cào ngao thuê khu vực đảo Nẹ, chị Trần Thị Bình (47 tuổi, trú xã Vạn Lộc) thường bắt đầu đi làm từ 4 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 9 giờ. Chị cho biết, mùa ngao từ tháng 3 âm lịch cho đến hết tháng 9. Trước đây, ngày công đi làm chỉ có 160.000 – 200.000 đồng, nay đã tăng lên 300.000 đồng nên thu hút nhiều chị em phụ nữ, đàn ông tham gia. Đặc điểm của nghề này thường đi theo con nước, khi thủy triều rút cũng là lúc người dân bắt đầu công việc của mình.
Sinh kế bền vững từ nghề nuôi ngao
Sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển, gắn bó với công việc cào ngao mưu sinh từ nhỏ, nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nuôi trồng và khai thác thủy sản, năm 2005, chị Nguyễn Thị Biên (SN 1973, xã Hoằng Thanh) quyết định mua ngao giống về nuôi kết hợp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về ngao. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay gia đình đã mở rộng diện tích nuôi lên 50ha (trong đó có 30ha nuôi ngao thương phẩm, 20ha ngao giống).
“Qua thực tiễn nhiều năm nuôi ngao, tôi đã tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm, chú ý nhiều hơn tới các chu kỳ sinh trưởng, phát triển của con ngao để đem lại hiệu quả cao. Từ chỗ trông chờ vào thiên nhiên, gia đình bắt đầu áp dụng thêm các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần tăng thu nhập từ nuôi thương phẩm và bán giống. Đồng thời, chủ động liên kết thu mua và tiêu thụ lượng lớn ngao cho các địa phương trong, ngoài tỉnh. Hiện, trung bình mỗi năm gia đình thu lãi về trên 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng”, chị Biên chia sẻ.
Người dân vùng biển xã Vạn Lộc cào ngao thuê tại khu vực đảo Nẹ.
Những năm qua, nghề nuôi ngao phát triển ở các địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa, trong đó tập trung ở xã Tân Tiến 400ha, xã Vạn Lộc 530ha và phường Ngọc Sơn 70ha. Đến nay, các vùng nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh phát triển ổn định với diện tích nuôi là 1.000ha, sản lượng ngao ước đạt 19.500 tấn. Hiện nay, các cơ sở nuôi ngao đã liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa để tiêu thụ hàng ngàn tấn ngao thương phẩm. Phía công ty cũng đã xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất khép kín và tổ chức bao tiêu sản phẩm tới người tiêu dùng, áp dụng công nghệ nuôi lưu làm sạch ngao thương phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Theo đại diện Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa, để phát huy tiềm năng và hiệu quả từ ngao, thời gian tới ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố phát triển chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ ngao an toàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng vùng nuôi ngao bền vững được chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC. Tăng cường kết nối xúc tiến thương mại cho sản phẩm ngao của tỉnh, hỗ trợ các cơ sở nuôi ngao nghiên cứu đổi mới các quy trình công nghệ, bảo hộ thương hiệu. Xây dựng doanh nghiệp hạt nhân có quy mô và áp dụng quy trình công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến sâu, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, mở rộng tiềm năng tiêu dùng và thị trường tiêu thụ...
Bài và ảnh: Trung Lê