Bầy cá hô há to miệng hút mồi.
Mỹ Hòa Hưng là vùng đất cù lao, được bao bọc bởi dòng sông Hậu nên nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh với hơn 800 lồng, bè, vèo được xem là vùng nuôi cá nước ngọt lớn nhất tỉnh.
Nuôi cá hô làm cá cảnh
Đa phần là nuôi cá điêu hồng, cá lóc, cá chim trắng… Một số ít hộ thả nuôi cá hô nhưng nuôi trong ao hầm, hiếm ai nuôi cá hô trong bè vì hiệu quả kinh tế chưa cao như nuôi ao hầm. Nuôi cá hô được vài năm thì chủ xuất ao vì cá hô càng lớn tăng trọng càng chậm.
Nuôi cá hiếm lâu năm trong bè nhưng chủ cá là ông Huỳnh Tấn Hải, ngụ ấp Mỹ Khánh 1, khá kín tiếng nên ít ai biết đến sự hiện diện của bầy cá. Một số du khách khi tới cù lao này, do quen biết trước mới được mời xuống bè xem cá hô và cho cá ăn.
Cá hô là họ cá chép và có kích thước lớn nhất trong họ. Ngày xưa, chúng xuất hiện nhiều trên các dòng sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao, sông Châu Đốc trên địa phận tỉnh An Giang.
Là loài cá nước ngọt hiền lành nhưng cá hô lại có kích cỡ “khổng lồ”, có con bị dính lưới ngư dân cân nặng hơn 200kg. Trước kia, do chưa bị cấm săn bắt nên ngư dân hay thả lưới bắt cá hô. Dính một con cá nặng từ 100 ký trở lên đối với ngư dân như nuôi được một con heo sắp xuất chuồng.
Theo thời gian, cùng với các loài cá khác, cá hô cạn kiệt dần và đối diện nguy cơ biến mất. Để bảo tồn loài cá quý hiếm có nguy tuyệt chủng này, các nhà khoa học ở Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II ở An Thái Trung, tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã ương ép thành công cá hô nhân tạo.
Sau đó, cá giống được các hộ nuôi thủy sản trong nước đến tìm mua về nuôi làm kinh tế. Trong các đợt thả cá về tự nhiên tái tạo lại nguồn cá bản địa và cá quý hiếm, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng thả cá hô.
Trở lại với bầy cá hô của ông Hải. Chúng tôi cùng các cán bộ Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng xuống bè cá. Bè cá được canh giữ nghiêm, gặp người lạ, các nhân công và chủ bè từ chối không cho xuống vì sợ ảnh hưởng đến cá hô.
Chúng tôi rải mồi vào bè, bầy cá hô tranh nhau nổi lên ăn mồi, nhiều con há cái miệng rộng hoác như miệng cái tô hút mồi. Có con vừa ăn, vừa quẫy mạnh đuôi hất nước văng tung tóe.
Bè nuôi cá hô của ông Hải.
Ông Hải cho biết, ông nuôi cá ngọt hơn 15 năm. Năm 2015, ông đến Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ mua cá hô giống về nuôi với hơn 1.000 con.
Sau thời gian nuôi, ông gạn lại bầy cá đưa ra bè cá những con cá khỏe, có trọng lượng hơn 1 ký nuôi thử nghiệm. Ông Hải cho biết, cá hô nuôi ao hầm được vài năm có trọng lượng 15 ký/con là chủ nuôi xuất ao bán.
Bầy cá hô nuôi bè của ông có con trọng lượng hơn 8 ký, có con hơn 30 ký. Ban đầu ông tính bán nhưng suy nghĩ lại nên giữ bầy cá hơn 200 con nuôi trong bè xem như thú vui nuôi cá cảnh. Như vậy tính từ lúc thả nuôi, bầy cá có con tròn 10 năm tuổi.
Ở An Giang, cũng có người nuôi cá hô làm cá cảnh như ông Hải nhưng đều nuôi trong ao hầm và số lượng cá hô kiểng rất ít. Họ có niềm vui khi cho cá hô ăn mồi. Một số người nuôi cá hô lâu năm mục đích khi có đám tiệc đem ra đãi khách.
Ông Hải nuôi bầy cá 10 năm tuổi làm cá cảnh.
Ông Hải cho biết, lúc đầu thả ra bè bầy cá liên tục húc vào thành bè. Trước đó, ông Hải đã cho rào lưới lại bên trong bao sát thân bè nên bầy cá húc đều trúng lưới, không trúng gỗ bè nên chỉ bị thương nhẹ. Sau này quen môi trường mới, chúng ít “quậy” hơn.
Ông Hải kể: “Đặc điểm của cá hô khi nuôi trong ao chúng hay dùng miệng soi húc đất và khi thả bè cũng vậy. Như mấy ngày trước, tôi có mua 2 con cá hô nhỏ nặng hơn 4kg do ngư dân thả lưới dính. Khi thả vào bè, chúng soi húc vào bè rất mạnh nên miệng bị thương nặng dù có lưới bảo vệ”.
Phát triển du lịch ngắm cá hô?
Các cán bộ Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, gần đây vùng đất cù lao phát triển du lịch thu hút du khách đến tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trải nghiệm đời sống miệt vườn và vùng sông nước…
Và qua tham khảo các điểm du lịch cho thấy, ít có nơi nào ở đồng bằng sông Cửu Long nuôi được bầy cá hô bè hơn 200 con như hộ ông Hải nên nếu đầu tư khai thác du lịch tham quan cá hô nuôi bè sẽ là nơi thú vị cuốn hút sự quan tâm.
Bầy cá hô quen cho ăn nên rất dạn với người.
Chẳng hạn như bày biện lại không gian bè cá cho gọn gàng đẹp hơn, bắc cầu cho du khách đi ra bè dễ dàng. Khi đó bán vé cho du khách tham quan cá hô, mua mồi cho cá ăn chắc chắn sẽ thu hút sự hiếu kỳ của du khách.
Bầy cá dạn dĩ nên không trốn lặn sâu khi khách cho ăn mồi. Và qua đó, cũng giúp cho các bạn trẻ tiếp cận được với loài cá quý, biết thêm hơn nữa về loài cá khổng lồ của vùng sông nước mênh mông.
Các cán bộ xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, tháng 5 rồi, có đoàn du khách nước ngoài đến tham quan vùng cù lao và họ đã đưa du khách đến tham quan bè cá hô. Đoàn khách rất thích thú cho cá ăn mồi và ghi hình lại bầy cá hô.
Mỹ Hòa Hưng mới đây có mô hình tham quan bè cá của ông Mười Thuận- tức Nguyễn Văn Thuận là hộ nuôi cá nước ngọt lâu đời. Đây là mô hình mới do ông Thuận hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mỹ Hòa Hưng.
Một góc làng bè nhìn như căn nhà nổi trên sông của ông Mười Thuận.
Ông Thuận có 10 bè cá, trên các bè ông Thuận khéo léo bày trí các chậu cây kiểng, trồng cây thủy sinh trong chậu như cây điên điển nên nhìn bè cá như căn nhà nổi trên sông rất thơ mộng.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mỹ Hòa Hưng phát triển kết hợp đưa du khách đi tàu tham quan sông nước, cảnh quan vùng đất cù lao và điểm cuối là đến bè cá ông Thuận trải nghiệm nghề nuôi cá nước ngọt.
Và như vậy, nếu đầu tư đúng mức, bè cá hô có thể là một điểm liên kết trở thành 1 điểm du lịch độc đáo mới của tỉnh. Và từ đó, cũng có thể nhiều hộ nuôi trồng thủy sản quan tâm hơn đến việc nuôi bảo tồn các loài cá quý hiếm.
Điều này cũng thú vị như cù lao Cồn Sơn, thành phố Cần Thơ phát triển du lịch từ nhiều mô hình độc đáo như mô hình cá lóc bay, hay tham quan bầy cá quý hiếm của ông Bảy Bon.
THANH DŨNG