Vẻ đẹp trên con đường lãng mạn nhất Hà Nội do chính Bác Hồ đặt tên

Vẻ đẹp trên con đường lãng mạn nhất Hà Nội do chính Bác Hồ đặt tên
3 giờ trướcBài gốc
Đường Thanh Niên tên cũ là đường Cổ Ngư, con đường lãng mạn nhất của Hà Nội. Có người đã gọi con đường này là "đường tình yêu", nơi đã cất giấu bao nhiêu lời tự tình của trai gái Hà thành. Theo sử sách ghi lại, sau hàng vạn ngày công lao động của thanh niên, việc mở rộng đường Cổ Ngư đã hoàn thành. Người ta thảo luận đặt tên mới cho con đường. Đa số các ý kiến đề nghị bỏ tên cũ là Cổ Ngư vì không phù hợp với không khí của Thủ đô mới. Hàng loạt các "đề cử" tên mới như: đường Lý Tự Trọng, đường Hồ Xuân Hương nhưng vẫn chưa thống nhất.
Lúc đó, Chủ tịch UBND Hành chính Hà Nội là ông Trần Duy Hưng đã xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và được gợi ý đặt tên đường Thanh Niên như một sự tôn vinh công lao của thanh niên Thủ đô trong việc mở đường. Vậy là tên đường Thanh Niên có từ ngày ấy và đã gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua, cùng chứng kiến biết bao vui buồn của Thủ đô cả trong chiến tranh và hòa bình.
Ở hiện tại, đường Thanh Niên dài 1km, kéo dài từ dốc Yên Phụ tới ngã tư Quán Thánh - Thụy Khuê, thuộc địa bàn các phường Yên Phụ, Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Trúc Bạch và Quán Thánh (quận Ba Đình). Nhìn từ trên cao, đường Thanh Niên giống như một cây cầu phủ đầy cây xanh.
Con đường độc đáo nhất thủ đô nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, hai hồ nổi tiếng của Hà Nội.
Những tấm pano cỡ nhỏ tuyên truyền về Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội được bày trí tại đường Thanh Niên.
Con đường này cũng được mệnh danh là “con đường lãng mạn nhất Thủ đô”, thu hút nhiều bạn trẻ tới dạo chơi, hẹn hò.
Nằm trên tuyến đường Thanh Niên, một không gian xanh với hàng trúc 7.500 cây xuất hiện bên bờ hồ Trúc Bạch thời gian qua thu hút người dân tới tham quan, khám phá.
Không gian trúc xanh tại bờ hồ Trúc Bạch.
Người dân Hà Nội chụp hình bên tấm pano chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2024).
Vào những ngày hè oi bức, dưới lòng đường và hai bên vỉa hè đều đông đúc người tới hóng mát.
Người dân Hà Nội tập thể dục vào mỗi sáng hàng ngày tại khu vực vỉa hè đường Thanh Niên.
Một nhóm những người bạn vui vẻ trò chuyên bên hồ Tây.
Người dân tập thể dục khu vực đường Thanh Niên thuộc quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Trên trục đường còn có chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (541 – 547) với tên ban đầu là Khai Quốc. Vào thời Lê Thần Tông (1619- 1643), dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang đắp đập Cổ Ngư chắn ngang Hồ Tây (ngăn thành hồ Trúc Bạch) nhân đó đắp luôn con đường vào chùa.
Đường Thanh Niên là con đường lãng mạn nhất Hà Thành và được nhiều người gọi vui là “đường tình yêu”. Và không mấy người biết chính Bác Hồ đã đặt tên cho con đường đẹp nổi tiếng này.
Dọc tuyến đường đi bộ khu vực đường Thanh Niên - nơi giao nhau giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Khu vực trước cổng đền Quán Thánh do nước hồ Tây rút ra xa để lại vũng lầy lội đã được đổ rất nhiều đất tạo thành vườn hoa đẹp (vườn hoa Lý Tự Trọng hiện nay).
Di tích Danh lam thắng cảnh Đền Thủy Trung Tiên nằm tại khuôn viên hồ Trúc Bạch, tiếp giáp với đường Thanh Niên.
Lối đi vào di tích Danh lam thắng Cảnh Đền Thủy Trung Tiên.
Người dân Hà Nội dạo bước trên tuyến đường Thanh Niên mỗi ngày như một thói quen thường nhật. Con đường chỉ dài 1km nhưng chất chứa bao hoài niệm về Thủ đô với lịch sử ngàn năm văn hiến.
Du khách quốc tế ngày ngày dạo bước trên đường Thanh Niên.
Vậy là tên đường Thanh Niên đã gắn với Hà Nội hơn nửa thế kỷ và cũng chứng kiến biết bao vui buồn của Thủ đô. Nhưng tên Cổ Ngư không vì thế mà mất đi, nó ẩn hiện trong tâm thức của những người yêu Hà Nội, nhẹ nhàng và lãng mạn trong mỗi câu hát "Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về".
Bài và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ve-dep-tren-con-duong-lang-man-nhat-ha-noi-do-chinh-bac-ho-dat-ten-post314141.html