Vì sao đặc sản vùng cao khó vào siêu thị và xuất khẩu?

Vì sao đặc sản vùng cao khó vào siêu thị và xuất khẩu?
3 giờ trướcBài gốc
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở TPHCM. Ảnh: SGGPO
Ngày 29-11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”.
Ít sản phẩm vùng sâu trên kệ hàng siêu thị
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng sâu vùng xa đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền đã tiếp cận được thị trường hiện đại, góp phần hình thành thị trường ổn định.
Tuy nhiên, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, tỷ lệ các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo xuất hiện trên kệ hàng của các siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện nay còn thấp.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước tại cuộc tọa đàm ngày 29-11
Một trong những rào cản chính đối với tiêu thụ sản phẩm từ các khu vực này là vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm. Nhiều nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hay tiêu chuẩn quốc tế, nên khó cạnh tranh trên các kênh phân phối hiện đại.
Chi phí logistics cao và hạn chế về hạ tầng giao thông cũng là một vấn đề nan giải.
“Do khoảng cách địa lý lớn và hạ tầng chưa đồng bộ, việc vận chuyển các sản phẩm tươi sống dễ hỏng như nông sản gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sàn thương mại điện tử nông sản Bưu điện Việt Nam (nongsan.buudien.vn), chia sẻ. Ông cho rằng, lộ trình logistics không đảm bảo về thời gian và nhiệt độ trong quá trình vận chuyển là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng hàng hóa khi đến tay khách hàng.
Bên cạnh đó, năng lực tiếp cận thị trường còn yếu. Nhiều hộ sản xuất và hợp tác xã vẫn thiếu kỹ năng kinh doanh, tiếp thị và chưa thành thạo ứng dụng công nghệ số. Dù thương mại điện tử đã hỗ trợ đưa sản phẩm lên các nền tảng, hiệu quả vẫn chưa cao do người dân chưa biết cách khai thác tiềm năng của các kênh này.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bùi Nguyễn Anh Tuấn còn cho biết, một số chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vẫn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ và chưa tạo được sự bền vững. Các hoạt động xúc tiến thương mại thường mang tính thời vụ, chưa xây dựng được thị trường ổn định cho các sản phẩm đặc sản.
Giải pháp gỡ khó
Để giải quyết những thách thức trên, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cho người dân và các hợp tác xã. Các sản phẩm cần đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để đủ điều kiện tham gia vào các kênh phân phối hiện đại và thị trường quốc tế.
Về logistics, đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết, VNPost đang tối ưu hóa hệ thống vận chuyển nội tại với hơn 13.000 bưu cục trải dài trên cả nước, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Ông Phạm Quyết Tiến khẳng định: “Chúng tôi đang xử lý tối ưu kho vận và quy chuẩn đóng gói riêng cho từng loại hàng hóa để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay khách hàng”.
Bộ Công thương cũng đề xuất đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, coi đây là giải pháp trọng tâm để mở rộng thị trường. Các chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh, tiếp thị và ứng dụng số sẽ được tổ chức, giúp người dân khai thác hiệu quả các nền tảng trực tuyến.
Ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sàn thương mại điện tử nông sản Bưu điện Việt Nam, chia sẻ tại cuộc tọa đàm
Đại diện VNPost cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các mô hình bán hàng O2O (Online to Offline). Việc kết hợp giữa kênh trực tuyến và cửa hàng vật lý sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Trong thời gian tới, VNPost sẽ thí điểm mở các điểm bán hàng offline tại Hà Nội như Bưu cục Giảng Võ, Tây Sơn và Hà Đông, tận dụng lợi thế vị trí đắc địa của các bưu cục để quảng bá sản phẩm.
Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thể chế pháp luật để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại nội địa. Các chương trình xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, không chỉ trong nước mà còn qua các kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhằm quảng bá sản phẩm miền núi đến thị trường quốc tế.
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, một giải pháp quan trọng khác là phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn và miền núi, bao gồm các trung tâm lưu thông, kho bãi và chợ đầu mối. Bên cạnh đó, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, liên kết chuỗi cung ứng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc sản của các khu vực này.
Để phát triển thị trường cho các sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa, ông Phạm Quyết Tiến cho rằng, cần định hướng phát triển theo hướng khác biệt, mang tính đặc trưng và giàu giá trị văn hóa.
“Chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà còn phải bán cả câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm đó. Điều này sẽ giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và thu hút cả du lịch”, ông Tiến nói.
VĂN PHÚC
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/vi-sao-dac-san-vung-cao-kho-vao-sieu-thi-va-xuat-khau-post770615.html