Từng bùng nổ như "cơn sốt" vào những năm 2015 - 2016, các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Tinder, Bumble đã một thời như "thỏi nam châm" hấp dẫn giới trẻ. Những nền tảng này có thời điểm mở ra kỷ nguyên mới cho các mối quan hệ, và gần như định hình lại khái niệm kết nối trong thời đại số.
Sự chuyển mình ngoạn mục đó biến các công ty sở hữu ứng dụng hẹn hò thành những “ngôi sao sáng” trong lĩnh vực công nghệ. Bức tranh tăng trưởng rực rỡ được khắc họa qua những kết quả kinh doanh bứt phá, điển hình là các tập đoàn lớn như Match Group - công ty mẹ của Tinder - liên tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ. Cổ phiếu của họ không ngừng leo thang, tạo tâm điểm thu hút sự quan tâm và kỳ vọng từ giới đầu tư toàn cầu.
Các ứng dụng hẹn hò online không còn được thế hệ Gen Z ưa chuộng (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 - 2021) - tệp khách hàng ruột của ứng dụng hẹn hò trực tuyến, tỏ ra không còn mặn mà với thao tác vuốt màn hình để tìm "nửa kia". Họ chọn cách trở về với sự kết nối chân thực, truyền thống.
Sự mới lạ và hấp dẫn ban đầu của các ứng dụng hẹn hò giờ đây đã phai nhạt, chẳng còn là trải nghiệm thú vị mà thậm chí trở nên nhàm chán. Những mối tình thoáng qua, thiếu chiều sâu và sự bền chặt là thành hệ quả tất yếu, đẩy nhiều người đến quyết định từ bỏ nền tảng này. Sự hời hợt trong tình cảm dấy lên khao khát tìm lại giá trị thực sự của tình yêu ngoài đời thực.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ, họ đã dần quay trở lại cách tìm kiếm mảnh ghép của đời mình trong chính vòng tròn xã hội thân thuộc, từ mối quan hệ bạn bè, người quen ở trường học, câu lạc bộ, hoặc người tình cờ gặp gỡ ở các hoạt động ngoại khóa.
Việc hẹn hò với những người mà mình quen biết từ trước sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Đầu tiên, nó giúp giảm thiểu cảm giác lo lắng và căng thẳng, có nhiều kênh thông tin để đối chứng, kiểm chứng. Đồng thời, họ cũng được thể hiện bản thân một cách tự nhiên nhất trước mặt đối phương, thay vì phải xây dựng hình ảnh hoàn hảo, có phần "tô vẽ" trên mạng để thu hút người khác.
Thứ hai, việc có những người bạn chung giúp quá trình tìm hiểu đối phương dễ dàng hơn. Điều đó còn giảm thiểu nỗi sợ bị từ chối hoặc ngó lơ (ghosting), đang là những rào cản lớn nhất khiến Gen Z e ngại khi sử dụng các ứng dụng hẹn hò.
Khác với các thế hệ trước, Gen Z lớn lên trong một môi trường số hóa, nơi mọi tương tác đều được ghi lại và có thể lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Điều này khiến họ trở nên nhạy cảm hơn với những đánh giá và bình luận của người khác.
Trong khi các thế hệ trước có thể dễ dàng vượt qua cảm giác bị từ chối và xem đó là một phần bình thường của cuộc sống, thì các bạn trẻ ngày nay lại cảm thấy khó khăn hơn để đối mặt với những tình huống này. Mỗi cuộc hẹn hò thất bại, mỗi tin nhắn bị bỏ qua đều có thể trở thành một nỗi ám ảnh, ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của họ.
Đặc biệt, về góc độ vận hành của các ứng dụng hẹn hò, nhiều người cảm thấy thuật toán mà các nền tảng này sử dụng đang không hiệu quả, không thật sự giúp tìm thấy những người phù hợp với mình. Thay vào đó, đưa ra những gợi ý một cách ngẫu nhiên và thiếu logic.
Hệ quả này bắt nguồn từ chiến lược ngày càng ưu tiên lợi nhuận của các doanh nghiệp sở hữu ứng dụng hẹn hò. Việc hạn chế nghiêm ngặt trải nghiệm của người dùng thông thường, tạo cảm giác như mọi kết nối đều bị đặt sau một “bức tường phí”, đã đẩy nhiều người đến sự khó chịu. Sự lạm dụng này không chỉ làm xói mòn niềm tin mà còn khiến họ cảm thấy như mình chỉ là công cụ để doanh nghiệp tối đa hóa doanh thu.
Nhìn chung, sự chuyển dịch từ những kết nối ảo đến mối quan hệ chân thành có thể là lời nhắc nhở cho các doanh nghiệp công nghệ: Không phải thuật toán, mà chính sự thấu hiểu và chân thành mới là chìa khóa để xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa và bền vững.
Minh Anh