Vì sao một quả xoài Nhật Bản có thể giá hơn 2 triệu đồng, còn xoài Việt dù ngon nhưng giá trị rất thấp?

Vì sao một quả xoài Nhật Bản có thể giá hơn 2 triệu đồng, còn xoài Việt dù ngon nhưng giá trị rất thấp?
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 20/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, nhiều đại biểu tham gia tọa đàm "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững", với nhiều ý kiến tâm huyết.
Các đại biểu trao đổi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế xanh. Ảnh: Xuân Tùng
Cần hệ sinh thái "4 chân” hỗ trợ các nhà sáng tạo Việt
Tại tọa đàm, TS. Đinh Hùng Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển tại Viện Hóa học Nước biển Fukuoka (Nhật Bản) mang đến góc nhìn thẳng, nhưng đầy tâm huyết về hành trình đưa ý tưởng nghiên cứu khoa học từ phòng thí nghiệm đến thị trường sản phẩm nông nghiệp.
TS. Cường đặt lên bàn cân một so sánh khiến cả khán phòng phải suy ngẫm: Vì sao một quả xoài Miyazaki (Nhật Bản) có thể được bán với giá hơn 2 triệu đồng, trong khi xoài Việt Nam dù ngon nhưng giá trị lại thấp hơn rất nhiều?
Câu trả lời không chỉ nằm ở thương hiệu, hay dừng lại ở một sản phẩm. Họ kể một câu chuyện cho sản phẩm. Đó là câu chuyện về sự chăm chút tỉ mỉ, từ việc cắt tỉa để mỗi cây chỉ giữ lại vài chục quả, cho đến bọc từng quả trong túi lưới, thu hoạch đúng thời điểm quả vừa rụng khỏi cành – thời điểm ngon nhất, chất lượng nhất.
Tuy nhiên, theo TS. Cường, câu chuyện cho sản phẩm tạo ra giá trị chỉ có thể thuyết phục khi dựa trên một nền tảng chất lượng, ngay từ khâu đầu vào. Môi trường sản xuất xuống cấp, đất đai bạc màu, hệ sinh thái bị phá vỡ bởi hóa chất thì mọi nỗ lực marketing, mọi câu chuyện thương hiệu đều vô nghĩa. “Đầu vào không tốt thì không thể có sản phẩm tốt”, TS. Cường nói.
Anh nhấn mạnh, cần thiết, quan trọng đến các giải pháp công nghệ xanh - để kể những câu chuyện về sự an toàn, bền vững, đổi mới cho nông sản Việt; cần những sản phẩm đột phá từ nghiên cứu khoa học.
TS. Đinh Hùng Cường chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng
Cũng trong phần chia sẻ của mình, TS. Đinh Hùng Cường phá vỡ lầm tưởng rằng đổi mới sáng tạo đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, bằng khẳng định chắc nịch: “Không cần phải nhiều tiền, chúng ta vẫn có thể nghiên cứu được!”. Từ kinh nghiệm thực tiễn làm việc tại Nhật, anh đề xuất một mô hình hỗ trợ “công thức 4 chân” để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ thông minh cho các nhà sáng tạo Việt.
Cụ thể, nhà nước cần xây dựng các phòng thí nghiệm mở (Open Lab) dùng chung, thay vì để mỗi doanh nghiệp tự đầu tư dàn trải. Có một cơ chế tài chính linh hoạt, cho phép các nhà nghiên cứu được “ghi nợ” chi phí và chỉ hoàn trả khi dự án thành công, qua đó giảm bớt nỗi lo thất bại.
Phải rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế từ 3 - 4 năm hiện nay xuống còn 1 năm, trao cho doanh nghiệp “tấm khiên pháp lý” đủ nhanh để bảo vệ mình. Cuối cùng, các nhà sáng lập nên tận dụng hệ thống nhà máy gia công (OEM) chuyên nghiệp để sản xuất, giúp họ tập trung hoàn toàn vào thế mạnh là nghiên cứu và phát triển thị trường.
Khi được hỏi về động lực đưa sản phẩm tâm huyết của mình về nước, câu trả lời của TS. Cường không phải là bài toán kinh doanh, mà là một nỗi niềm sâu sắc. "Bố mẹ tôi ở đây, bạn bè tôi ở đây. Họ không thể ăn những sản phẩm mà ở đâu cũng thấy không có chất lượng được. Đó là lý do chính tôi đưa sản phẩm về Việt Nam, không phải vì mục đích bán hàng".
Biến nguồn rác khổng lồ thành "mỏ vàng"
TS. Nguyễn Hoàng Chinh – Trung tâm nghiên cứu các sản phẩm sinh học bền vững trường ĐH Deakin, Úc đã trao đổi về chủ đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất xanh: từ thách thức đến giải pháp tại Việt Nam.
TS. Chinh đã gợi mở hướng để các startup có thể biến nguồn ‘rác’ khổng lồ này thành một ‘mỏ vàng’, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.
Theo TS. Chinh, là một cường quốc nông nghiệp, Việt Nam đang đứng trước một nghịch lý lớn: lãng phí hàng chục triệu tấn phụ phế phẩm mỗi năm. Từ đầu, xương cá tra, ba sa đến rơm rạ, trấu lúa gạo, nguồn phụ phẩm của Việt Nam là vô cùng dồi dào.
Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ xử lý chúng ở phân khúc giá trị thấp, như làm thức ăn chăn nuôi hay đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Đây không chỉ là một vấn đề môi trường, mà còn là một rào cản kinh tế khi chúng ta bỏ lỡ một cơ hội ngay trước mắt.
TS. Nguyễn Hoàng Chinh chia sẻ tại chương trình.
TS. Chinh nhấn mạnh, chìa khóa để giải quyết bài toán này nằm ở việc chuyển đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Thay vì xem phụ phẩm là rác, các startup cần nhìn nhận chúng như một nguồn nguyên liệu quý giá. Mô hình được đề xuất là "nhà máy lọc sinh học", nơi từ một nguyên liệu đầu vào, chúng ta có thể tạo ra một chuỗi sản phẩm đa dạng theo phân cấp giá trị.
Ví dụ, từ phụ phẩm cá, thay vì chỉ làm bột cá, quy trình mới sẽ ưu tiên chiết xuất collagen và Omega-3 cho ngành dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng – những sản phẩm có giá trị cao nhất. Phần còn lại mới được dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón. Cách tiếp cận này giúp tối đa hóa giá trị kinh tế và tiến tới mục tiêu “không còn chất thải”, biến mỗi nhà máy thành một hệ sinh thái khép kín.
Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận gắn với chủ đề Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế xanh. Ảnh: Xuân Tùng
Để biến ý tưởng thành hiện thực, TS. Nguyễn Hoàng Chinh đề xuất, Việt Nam cần một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả, dựa trên mô hình hợp tác “kiềng ba chân”: Chính phủ - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp.
Trong mô hình này, Chính phủ đóng vai trò đầu tư hạ tầng nghiên cứu dùng chung, như các trung tâm nghiên cứu trọng điểm với phân xưởng sản xuất quy mô bán công nghiệp (pilot scale). Viện nghiên cứu cung cấp công nghệ và nhân lực chuyên môn. Doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu và là đơn vị cuối cùng thương mại hóa sản phẩm.
Sự hợp tác này giúp giảm chi phí đầu tư riêng lẻ cho từng doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo sôi động.
Xuân Tùng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/vi-sao-mot-qua-xoai-nhat-ban-co-the-gia-hon-2-trieu-dong-con-xoai-viet-du-ngon-nhung-gia-tri-rat-thap-post1761902.tpo