Chuyên gia cao cấp về kinh tế và chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa
Bên lề hội thảo tổng kết của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), phóng viên VietTimes đã có dịp trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hữu Thái Hòa khi ông vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin Truyền thông số (VDIC), trực thuộc VDCA.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, sinh năm 1969, từng du học ngành kiến trúc tại Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto, Canada và có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Học viện Trung Âu Quốc tế Công thương (CEIBS), Thượng Hải, Trung Quốc. Ông cũng được biết đến là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ với khát vọng xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp” tại Việt Nam. Trước khi trở về Việt Nam, ông có hơn 17 năm làm việc và quản lý cấp cao tại các công ty quốc tế ở Canada, Pháp.
Ông hiện công tác ở Hà Nội với vai trò Tổng Giám Đốc công ty cổ phần Cuộc Sống Số - DigiLife và Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Chiến lược tại các tập đoàn lớn như FPT, VNPT, VnDirect, Schneider Electric (Pháp)...
- Xin ông cho biết vì sao lại nhận lời tham gia hoạt động trong Hội Truyền thông số Việt Nam, cụ thể là đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Trung tâm Thông tin Truyền thông số?
- Từ những ngày đầu tham gia vào hoạt động của Hội VDCA, với vai trò thành viên và chuyên gia trong tổ tư vấn của Trung tâm VDIC, tôi luôn ý thức Hội là trụ cột quan trọng của đất nước qua mọi thời kỳ. Đặc biệt giai đoạn hiện nay, trách nhiệm truyền thông cả bên ngoài lẫn bên trong của Hội và Trung tâm là vô cùng trọng yếu.
Về truyền thông bên ngoài, nhiệm vụ chính là truyền tải chuẩn mực và tầm quan trọng của "Bộ tứ Nghị quyết" gồm Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 – các văn kiện chiến lược tạo đòn bẩy thay đổi toàn diện đất nước. Chúng tôi sẽ bám sát bốn nghị quyết này để đến 28 tỉnh thành, hỗ trợ các địa phương tuyên truyền, đồng thời xây dựng chương trình thương hiệu mới cho từng tỉnh.
Về truyền thông bên trong, Hội là cầu nối giữa các chuyên gia với các đơn vị thành viên. Ban cố vấn của Hội là những nhân vật từng giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ. Ví dụ như nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) Đỗ Trung Tá - người được xem là khai quốc công thần của Internet Việt Nam, hay nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân - người đã thay đổi tư duy về khởi nghiệp Việt Nam.
- Bên cạnh nhiệm vụ truyền thông cho bộ tứ nghị quyết, VDIC dự định có những hoạt động hay đóng góp gì khác trong thời gian tới?
- Với vai trò của Trung tâm VDIC, chúng tôi có slogan "Dựa vào truyền thống để tiến lên hiện đại".
Thế hệ trẻ hiện nay thường thể hiện mình qua TikTok, YouTube với phong cách thời thượng, nhưng không thể quên những giá trị cốt lõi và định hướng đúng đắn. Với kinh nghiệm khi làm việc tại một số quốc gia và tập đoàn, tôi mong muốn không chỉ dành cho Hội hay Trung tâm VDIC, mà còn dành cho Việt Nam – đất nước đang đứng trước cơ hội lớn mà tôi gọi là "Trận Điện Biên Phủ lần thứ ba" của kinh tế số và chuyển đổi số.
Trong "trận chiến" này, chúng ta phải vượt qua chính mình với một chiến lược và một "Tổng tư lệnh" về chuyển đổi số. Quan trọng nhất là kết nối công nghệ số với chiến lược số về tài chính. Chúng tôi cùng nhiều chuyên gia đã đề xuất với Chính phủ chiến lược tài chính số, bao gồm đồng tiền số, ngân hàng số, tài sản số và cả việc quản lý bất động sản số – yếu tố quyết định để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, con người đóng vai trò trung tâm. Việt Nam cần chiến lược phát triển "con người số" đồng bộ. Mặc dù đã có nhiều startup và chương trình quốc gia, nhưng khởi nghiệp còn chưa vào đúng quỹ đạo. Sử dụng công nghệ số để phát triển con người số sẽ giúp Việt Nam tiến lên, tái cấu trúc đất nước theo một hệ sinh thái toàn diện, với mục tiêu dẫn dắt ASEAN.
Việt Nam đã giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong hai nhiệm kỳ, nhưng để phát huy mạnh mẽ vị thế trong khu vực và vươn lên tốp đầu Đông Nam Á, cũng như ra toàn cầu với chuẩn mực quốc tế, thì chuyển đổi số phải là then chốt. Hiện chúng ta đi rất mạnh về digital, nhưng nhiều ngành khác còn tụt hậu. Vì vậy, chuyển đổi số phải trở thành đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển toàn diện cho đất nước trong thời gian tới.
- Riêng đối với cá nhân ông, được biết ông đã từng tu nghiệp Pháp và Canada, có nhiều năm kinh nghiệm làm chuyên gia cao cấp về chiến lược cho một số tập đoàn. Ông dự định sẽ áp dụng kinh nghiệm cá nhân vào hoạt động của Hội như thế nào?
Tôi trở về Việt Nam năm 2010 với vai trò chuyên gia cao cấp được Bộ Khoa học và Công nghệ mời về. Sau đó, tôi làm việc tại các tập đoàn lớn, đảm nhận vị trí giám đốc chiến lược tại FPT, VNPT và sàn chứng khoán VnDirect. Hiện tại, tôi là thành viên hội đồng quản trị của một số tổ chức.
Trước khi về nước, tôi làm giám đốc chất lượng và khách hàng cho Schneider Electric, chịu trách nhiệm khu vực 40 quốc gia, trong đó có 20 nhà máy ở Trung Quốc. Qua công việc này, tôi hiểu sâu sắc về mạng lưới kết nối (networking) và sự đồng bộ hóa trong tổ chức.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa tham gia diễn thuyết tại Diễn đàn Chuyển đổi số khu vực công, Hà Nội ngày 17/7.
Với kinh nghiệm đó, tôi có thể đóng góp cho Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Trung tâm VDIC mà chúng tôi phụ trách, đặc biệt là về việc tăng cường liên kết và đồng bộ hoạt động. Theo tôi, ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo tính đồng bộ, sau đó mới phát triển ý tưởng đổi mới và tiên phong.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò và định hướng của Hội Truyền thông số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi mà Đảng và Nhà nước đã ban hành nghị quyết thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số?
Trong số các hiệp hội tại Việt Nam mà tôi từng tư vấn và làm việc, tôi có thể khẳng định VDCA là một trong những hội mạnh nhất về tầm nhìn tương lai, con đường phát triển và nền tảng cơ sở. Lý do là nếu nhìn vào các chỉ số về lĩnh vực Internet, kỹ thuật số, chuyển đổi số, Việt Nam đang thuộc nhóm đầu trên thế giới, thậm chí đứng trong top 3 đến top 5 ở một số lĩnh vực cụ thể. Các tập đoàn như FPT và Viettel đã mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu từ lâu, đóng vai trò như những cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Với thế giới ngày càng số hóa sâu sắc, truyền thông số và chuyển đổi số trở thành động lực lớn nhất thúc đẩy phát triển. Vì vậy, VDCA sẽ phát triển vì digital chính là thế mạnh then chốt giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế và bước ra toàn cầu.