Đồng chí Bùi Thị Sen Chủ tịch UBND huyện cùng Ban chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo huyện đi kiểm tra hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Phương Gia
Huyện Võ Nhai hiện có 7 xã thuộc khu vực III, 8 xã, thị trấn còn lại thuộc khu vực I; 59/153 xóm đặc biệt khó khăn. Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, UBND huyện Võ Nhai đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch triển khai hằng năm.
Trong đó, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình trong 3 năm 2022, 2023 và 2024 là trên 19 tỷ đồng. Trong 3 năm qua, huyện đã tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững, hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho hộ nghèo từ các nguồn kinh phí hợp pháp… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 12,06% và dự kiến đến hết năm 2024 giảm xuống chỉ còn 8,48%.
Huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả việc lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là tại các địa bàn khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bên cạnh đó, UBND huyện Võ Nhai cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của chương trình giảm nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí.
Các chính sách giảm nghèo và Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của các xã vùng dân tộc, miền núi khó khăn. Tính đến nay toàn huyện có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ xã có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã chiếm 100%, trên 98% số hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các xã có hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.
Nhờ có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ được xây dựng đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình xóa đói giảm nghèo. Đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi; công tác giáo dục, đào tạo có tiến bộ; trình độ, năng lực cán bộ xã, thôn, bản từng bước được nâng lên; sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến theo hướng kinh tế hàng hóa nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.
Với những nỗ lực xóa đói giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện Võ Nhai tập trung thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương.
UBND huyện tập trung triển khai thực hiện Đề án về “Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án về “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” theo hướng tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp tiến tới sản xuất các sản phẩm hàng hóa an toàn, có sức cạnh tranh cao, có đầu ra ổn định.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số của địa phương.
Phấn đấu giai đoạn 2024-2029, huyện Võ Nhai có thu nhập bình quân của người DTTS bằng 60% bình quân chung cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 8% (theo tiêu chí mới); 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn; trên địa bàn huyện không còn xã đặc biệt khó khăn; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; phấn đấu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vũng đến năm 2030./.
Minh Huế