Ngày nay, việc di chuyển giữa các thành phố cảng Hong Kong và Macao mất khoảng 1 giờ bằng phà cao tốc. Nhưng từ năm 1948 đến năm 1961, khi hai nơi này vẫn còn là thuộc địa của các nước châu Âu, du khách giàu có có thể lựa chọn một chuyến đi ngắn bằng máy bay.
Chiếc máy bay nói trên là thủy phi cơ Consolidated Model 28 Catalina, đưa du khách từ Macao đến Hong Kong mất khoảng 20 phút. Máy bay này còn được gọi với cái tên thân mật Miss Macao (tạm dịch: Hoa hậu Macao), theo đài CNN.
Những chuyến bay này được gọi là "chuyến bay thuốc lá", vì thời gian bay bằng khoảng thời gian bay vừa đủ để hút một điếu thuốc. Trên thực tế, hành khách có thể làm điều này vì thời điểm đó không có quy định nào cấm hút thuốc trên máy bay.
Theo ông Dan Porat – giáo sư lịch sử tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, hồi đó, lên máy bay "giống như đi xe buýt". Nếu đủ khả năng, hành khách có thể mua vé ngay khi lên máy bay mà không cần đặt trước.
Việc di chuyển bằng máy bay trở thành lựa chọn phổ biến cho các doanh nhân đi lại giữa hai nơi, đặc biệt là những người mang theo các mặt hàng như vàng. Nhưng rồi vào ngày 16-7-1948, thủy phi cơ Consolidated Model 28 Catalina không đến được sân bay Khải Đức của Hong Kong, sau khi khởi hành từ Macao. Các quan chức ở Hong Kong đã nhanh chóng báo động, cảnh sát địa phương bắt đầu tìm kiếm vùng biển giữa hai nơi.
Vụ cướp máy bay Consolidated Model 28 Catalina gây rúng động ngành hàng không lúc bấy giờ. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Vụ cướp máy bay gây chấn động
Chiếc máy bay được xác định rơi xuống Biển Đông. Người sống sót duy nhất là một nông dân trồng lúa người Trung Quốc 24 tuổi tên là Hoàng Vũ (Wong Yu). Anh này đã được một ngư dân cứu sống và đưa đến bệnh viện ở Ma Cao. Theo nhiều bản tin thời điểm đó, một chân của Hoàng Vũ bị gãy và anh này vẫn mặc áo phao vào thời điểm máy bay rơi.
Hoàng Vũ tự nhận mình là một hành khách bình thường và giải thích rằng máy bay đã phát nổ giữa không trung, dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong lời khai và hành vi đáng ngờ của anh ta, bao gồm việc cố gắng trốn thoát khỏi bệnh viện, đã khiến chính quyền và báo chí đưa ra một lời giải thích khác: chiếc máy bay đã bị những kẻ xấu khống chế và gây nên tai nạn.
Vào ngày cất cánh cuối cùng, chiếc máy bay trên được 2 phi công trong điều khiển, bao gồm cơ trưởng người Mỹ Dale Cramer và cơ phó người Úc Ken McDuff. Cả hai người đều là cựu phi công quân sự.
Tổng cộng có 27 người trên máy bay. Ngoài 24 hành khách, trên máy bay còn có 1 tiếp viên là cô Delca da Costa – công dân Bồ Đào Nha và cũng là bạn gái của cơ phó McDuff.
Tuy nhiên, trong số các hành khách này, có 4 người không thực sự có ý định đến Hong Kong. Họ là những tên cướp.
Trong lời khai với cơ quan điều tra sau này, Hoàng Vũ nói rằng anh ta và 3 tên cướp đồng bọn đã bán tất cả tài sản để mua vé, nghĩ rằng số tiền thu được từ vụ cướp sẽ rất lớn.
Theo các tài liệu, ngay sau khi máy bay cất cánh từ Macao, 4 tên không tặc đã nhanh chóng hành động. Trong đó, 1 tên xông vào buồng lái và yêu cầu các phi công giao quyền kiểm soát máy bay.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, tên không tặc cầm đầu là Chiu Tok. Người này đã học lái máy bay ở Philippines và dự định sẽ cầm lái máy bay sau khi các phi công bị khống chế.
Tuy nhiên, những tên không tặc không ngờ cơ trưởng Cramer không chịu trao quyền kiểm soát máy bay. Một hành khách cũng xông ra phản kháng với 1 tên không tặc và có tiếng súng nổ.
Sau đó, phi công McDuff vung thanh sắt vào Chiu Tok. Tức giận, những tên không tặc đã bắn cả 2 phi công. Thi thể của cơ trưởng Cramer chạm mạnh vào cần điều khiển của máy bay, khiến máy bay lao xuống Biển Đông.
Hoàng Vũ được một chiếc thuyền gần địa điểm chiếc máy bay rơi cứu.
Tuy nhiên, việc lấy lời khai của anh này cũng không dễ. Sức khỏe thể chất và tinh thần của Hoàng Vũ không tốt, vì vậy cảnh sát không muốn sử dụng biện pháp thẩm vấn mạnh tay.
Thay vào đó, họ đã nghĩ ra một kế hoạch khác thường, là đưa các điệp viên nằm vùng vào bệnh viện. Hàng chục cảnh sát ngầm nói tiếng Trung Quốc đóng giả làm bệnh nhân được giao nhiệm vụ kết bạn với Hoàng Vũ và cuối cùng họ đã khiến anh thừa nhận những gì thực sự đã xảy ra trên chuyến bay xấu số.
Hoàng Vũ thú nhận rằng kế hoạch của những tên không tặc là chiếm quyền kiểm soát máy bay và chuyển hướng nó đến một thị trấn ở tỉnh Quảng Đông (miền nam Trung Quốc). Tại đây, các tên không tặc lên kế hoạch cướp hết tài sản của hành khách và phi hành đoàn và giữ họ để đòi tiền chuộc.
Vào năm 1951, Hoàng Vũ bị trục xuất từ Macao về Trung Quốc đại lục và qua đời tại đây vào năm 27 tuổi. Cho đến lúc mất, Hoàng Vũ chưa từng bị đưa ra tòa và xét xử.
Phi công Dale Cramer (trái) cùng phi hành đoàn đứng trên máy bay Catalina. Ảnh: Jack Birns/THE LIFE PICTURE COLLECTION
Thay đổi ngành hàng không
Vụ cướp máy bay Miss Macao khác lạ đến mức báo chí lúc bấy giờ gọi đó là "cướp biển máy bay". Tuy nhiên, chính tình huống kỳ lạ này đã dẫn đến thay đổi lớn trong ngành hàng không thế giới.
Lúc đó, khái niệm kiểm tra hành khách bằng máy dò kim loại trước khi lên máy bay vẫn còn xa lạ. Hành khách chỉ bị kiểm tra an ninh sơ sài, bị mở hành lý ra và lục soát.
Câu chuyện về vụ không tặc nói trên nhanh chóng lan truyền trên báo chí. Nhiều người trong ngành hàng không thương mại coi đó là một sự kiện khủng khiếp và không tin rằng cướp máy bay là điều sẽ thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, từ năm 1968 đến năm 1972, các hãng hàng không đã phải trải qua cái gọi là “thời kỳ hoàng kim của không tặc”.
“Cứ 5 ngày rưỡi lại có một vụ cướp máy bay. Đây là thời điểm ngành hàng không đang cố gắng phát triển. Và về cơ bản, [cướp máy bay] trở thành một mối đe dọa” – giáo sư sử học Dan Porat nói.
Không tặc trở nên phổ biến đến mức các văn phòng hàng không phải lúc nào cũng dự trữ một lượng lớn tiền mặt phòng trường hợp cần phải trả tiền chuộc cho những kẻ cướp máy bay.
Ông William Landes – nhà kinh tế học người Mỹ – ước tính rằng trong cái gọi là "thời kỳ hoàng kim" này, các vụ cướp máy bay gây thiệt hại cho ngành hàng không 219.221 USD/hành khách.
Tình hình không tặc diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân dẫn đến Công ước Liên Hợp Quốc về Ngăn chặn tịch thu máy bay bất hợp pháp được thông qua vào năm 1970. Công ước này là một thỏa thuận đa phương nhằm cấm và trừng phạt hành vi cướp máy bay.
Công ước gọi các vụ cướp máy bay là "vấn đề đáng quan ngại nghiêm trọng", đồng thời cho rằng "các hành vi chiếm giữ hoặc kiểm soát máy bay bất hợp pháp đang bay gây nguy hiểm cho sự an toàn của con người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các dịch vụ hàng không và làm suy yếu niềm tin của người dân trên thế giới vào sự an toàn của hàng không dân dụng".
Năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã bổ nhiệm Trung tướng Benjamin O. Davis Jr. làm người đứng đầu cơ quan chống không tặc đầu tiên – và cho đến nay là duy nhất – của Mỹ. Ông Davis muốn áp dụng các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt tại các sân bay nhưng đã vấp phải sự phản đối từ ngành hàng không. Tuy nhiên, vào năm 1973, Tổng thống Nixon đã áp dụng quy định bắt buộc kiểm tra bằng máy dò kim loại đối với tất cả hành khách tại Mỹ và kiểm tra X-quang đối với tất cả hành lý.
Sau đó, loạt các sự kiện mất an ninh hàng không như vụ tấn công ngày 11-9-2001 vào nước Mỹ đã định hình các quy tắc kiểm tra nghiêm ngặt trước khi lên máy bay như ngày nay.
KHOA ĐIỀM