Bà Lê Thị Tuyết là vợ ông Trần Văn Tâm, cựu Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ, tỉnh Cà Mau) quê Thanh Hóa, vào Cà Mau làm giáo viên từ năm 1996 tới nay. Tại đây, bà quen biết, kết hôn với ông Tâm quê tỉnh Bạc Liêu (cũ). Vợ chồng ông Tâm có 2 người con đều đến tuổi trưởng thành.
Trường THCS Tam Giang Tây, nơi bị cáo Tâm từng làm hiệu trưởng.
Theo bà Tuyết, trong gần 2 năm chồng bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng, sau đó tòa sơ thẩm tuyên 7 năm tù, hầu như người thân, hàng xóm, đồng nghiệp đều không tin. Nhiều người cho rằng, kể cả có tham ô thật, với số tiền đó cũng không đáng phải chịu mức an cao tới như vậy.
Bà Tuyết cho biết, chồng mình đã từng viết đơn đề nghị xem xét từ nhà tạm giữ Công an huyện Ngọc Hiển (cũ), sau khi bị tuyên 7 năm tù. “Anh Tâm đưa ra một bảng tính chi tiết, cho rằng mình không những không lấy tiền của trường, còn bỏ tiền túi ra để lo việc chung và nhà trường còn nợ chồng tôi hơn 20 triệu đồng”, bà Tuyết nói.
Ông Tâm thừa nhận có sai sót khi chi các khoản tiền của trường cho việc chung đã không công khai kịp thời trước hội đồng sư phạm, do cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trường không có phó hiệu trưởng, kế toán lại nghỉ việc, một mình ông phải “gánh vác” quá nhiều việc.
Về việc vì sao ở cấp sơ thẩm ông Tâm kêu oan, nhưng khi đến phúc thẩm ông chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, bà Tuyết giải thích: “Từ khi bị điều tra tới nay đã gần 2 năm, trong đó có 11 tháng bị tạm giam, chồng tôi đã quá mệt mỏi nên muốn xin giảm nhẹ tội về với gia đình”.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, ngày 6/5, TAND tỉnh Cà Mau tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm 7 năm tù đối với bị cáo Trần Văn Tâm - cựu Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây vì tham ô 10,7 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cấp sơ thẩm không ghi lời khai, không đưa người đại diện theo pháp luật của trường vào tham gia tố tụng để xác định thiệt hại thực tế là "vi phạm tố tụng".
Chứng cứ tại hồ sơ cho thấy, bị cáo Tâm có mua vật tư và thuê người cùng bị cáo tự làm các sản phẩm (ghế, kệ tivi) cho trường. Như vậy, việc mua vật tư về tự làm sau đó có dôi dư và tận dụng để làm thêm các sản phẩm khác cho trường trong thực tiễn cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào việc bị cáo thừa nhận có sử dụng vật tư đã thanh toán để làm các sản phẩm mới, sử dụng hóa đơn không có hàng hóa thành phẩm thật kèm theo để thanh toán, từ đó quy kết bị cáo là chưa đảm bảo đủ cơ sở vững chắc và chưa có tính thuyết phục.
Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy, cần phải định giá toàn bộ sản phẩm của bị cáo đã làm, so sánh với số tiền nhà trường đã chi (thanh toán vật tư, công thợ hàn). Như vậy mới có đủ chứng cứ vững chắc để kết luận thiệt hại.
Do cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng và nhiều sai sót, nên HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận đề nghị của Viện KSND, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Tân Lộc