Chiều 20/7, căn nhà nhỏ ở thôn Vĩnh Ninh, xã Đại Thanh (TP. Hà Nội) chìm trong không khí tang thương. Từng dòng người lặng lẽ bước vào, mang theo nén hương và ánh mắt đỏ hoe, chia sẻ nỗi đau với gia đình vừa mất 4 người thân trong vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long.
4 di ảnh đặt cạnh nhau khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa.
Bốn di ảnh đặt cạnh nhau trên bàn thờ tạm, khói hương nghi ngút khiến ai chứng kiến cũng lặng người. Nạn nhân là ông N.H.T (SN 1973), bà T.T.Ng (SN 1974) cùng hai con gái T.H (SN 2002) và A.Th (SN 2017). Người duy nhất sống sót là con trai út - em Ph. (SN 2007), hiện đang được điều trị tại bệnh viện ở Quảng Ninh.
Sáng cùng ngày, thi thể các nạn nhân đã được đưa về quê để tổ chức tang lễ theo phong tục địa phương. Mọi người trong thôn đều không khỏi bàng hoàng trước mất mát quá lớn này.
Hàng xóm, người thân có mặt để lo tang lễ cho các nạn nhân.
Ngồi lặng lẽ trong góc nhà, chị Phước An - người em kết nghĩa của bà Ng. nhiều lần ôm mặt khóc nức nở. Gạt vội nước mắt, chị nghẹn ngào chia sẻ: “Chị Ng. với tôi không phải ruột thịt nhưng thân như chị em trong nhà. Vừa mới đây còn nhắn tin hỏi thăm nhau, ai ngờ sáng nay lại nghe tin cả nhà chị gặp nạn... Tôi không tin nổi cho đến khi tận mắt thấy clip chiếc tàu bị lật”.
Chị An cho biết, cuộc sống của vợ chồng ông T. không mấy dư dả. Ông làm nghề lái xe, bà Ng. sức khỏe yếu nên chỉ làm việc nhẹ kiếm thêm thu nhập. Từ khi bà phát hiện bị ung thư, kinh tế gia đình càng thêm kiệt quệ. Mọi khoản chi tiêu, thuốc men, học hành của ba người con đều trông vào đồng lương ít ỏi, đôi khi phải vay mượn để xoay sở.
“Vất vả là vậy, nhưng anh chị lúc nào cũng cố gắng cho con ăn học đàng hoàng. Mấy chục năm rồi chưa bao giờ thấy họ đi nghỉ hay du lịch. Chuyến đi lần này là món quà cho con trai sau kỳ thi lớp 12 - một kỷ niệm trước khi bước vào đại học. Nào ngờ…”, chị An nghẹn giọng, bỏ dở câu nói.
Hình ảnh bên trong chiếc tàu bị lật. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Dũng (58 tuổi) - anh trai ông T. đứng thất thần trước bàn thờ tạm, mắt đỏ hoe: “Em trai, em dâu và hai cháu ra đi trong chớp mắt. Cả gia đình tan nát, chúng tôi không biết phải làm sao để vượt qua nỗi đau này”.
Gửi lời cảm ơn đến các lực lượng cứu hộ đã nỗ lực xuyên đêm tìm kiếm, ông Dũng xúc động: “Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến tất cả các cán bộ, chiến sĩ đã hết lòng hỗ trợ gia đình chúng tôi trong những giờ phút đau thương nhất”.
Hiện trường vụ lật tàu du lịch khiến nhiều người tử vong. Ảnh: Công an Quảng Ninh
Nỗi đau không lời, chỉ còn em Ph. là người sống sót, nhưng liệu em có đủ mạnh mẽ để vượt qua cú sốc quá lớn này? Câu hỏi ấy như nặng trĩu trong lòng những người ở lại, trong căn nhà giờ đây chỉ còn tiếng khóc và hương khói lạnh lẽo.
Chiều 19/7, một chiếc tàu du lịch tên Vịnh Xanh 58 chở 49 người (gồm 46 hành khách và 3 thuyền viên) gặp giông lốc dữ dội khi đang tham quan khu vực hang Đầu Gỗ trên Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tàu bị nghiêng và lật ngửa chỉ trong vài phút.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hộ với hơn 1.000 người và hàng chục tàu thuyền đã được huy động để tìm kiếm và cứu nạn. Tính đến chiều 20/7, đã xác định 35 người thiệt mạng, 10 người được cứu sống, và còn 4 người đang mất tích.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguyên nhân được xác định là do một trận giông lốc cục bộ bất ngờ, không liên quan đến cơn bão số 3.
Hiện thi thể các nạn nhân đã được đưa về quê để tổ chức tang lễ. Các địa phương có người bị nạn như Hà Nội đã hỗ trợ tài chính và phối hợp chăm sóc người sống sót. Ngành y tế Quảng Ninh cũng miễn phí điều trị và huy động hàng chục kíp y bác sĩ, xe cứu thương tham gia công tác cứu hộ.
Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra nguyên nhân, đồng thời chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hoạt động du lịch đường thủy để tránh lặp lại thảm kịch đau lòng này.
Yến Nguyễn