Niềm vinh dự và tự hào đó tiếp tục là hành trang để ngành NN&PTNT Hà Nội vươn lên, vượt mọi gian khó, tiếp tục lập nên nhiều kỳ tích mới trên chặng đường mới.
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái
Không ngừng lớn mạnh, trưởng thành
Sở NN&PTNT Hà Nội, tiền thân là Sở Canh Nông Hà Nội, được thành lập theo Nghị định số 10-CN/ND ngày 30-11-1954 của Bộ Canh Nông. Trải qua quá trình hoạt động trong các giai đoạn lịch sử, Sở Canh Nông Hà Nội đã được đổi tên và nhiều lần thực hiện chia tách, hợp nhất để đáp ứng tình hình thực tế.
Nông nghiệp Hà Nội sau ngày Thủ đô được giải phóng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, ruộng đất hoang hóa, sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, vật nuôi hoành hành; trâu bò ít, sức kéo thiếu, hệ thống thủy lợi hầu như chưa có… Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, trên cơ sở tiếp quản Sở Nông lâm Bắc Việt của chính quyền cũ, năm 1955, Sở Nông lâm Hà Nội được thành lập với nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Số cán bộ ban đầu chỉ là 250 người.
Qua 10 năm tiến hành khôi phục, cải tạo và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), nông nghiệp Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc. Nông nghiệp phát triển theo hướng đa canh và thâm canh, từ trồng cây lương thực là chủ yếu sang trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi, thủy sản, từng bước trở thành vành đai thực phẩm của thành phố.
Đến năm 1967, nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã đạt sản lượng 5,16 tấn thóc/ha, vượt qua ngưỡng 5 tấn (sau tỉnh Thái Bình), trong đó có nhiều hợp tác xã đạt 7 tấn/ha, như: Hợp tác xã Hà Nội - Huế - Sài Gòn; Hợp tác xã Đại Từ; Hợp tác xã Yên Duyên…
Trong giai đoạn 1965-1975, ngành Nông nghiệp Hà Nội vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ trương của Thành ủy, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông nghiệp theo Chỉ thị của Trung ương. Năm 1989, sản lượng lương thực quy thóc của Hà Nội đạt 52,9 vạn tấn, sản xuất vụ đông đạt 45% diện tích canh tác. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ chín (ngày 12-8-1991) về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, từ cuối năm 1991, ngoại thành Hà Nội thu gọn lại chỉ còn 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn), Sở đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 06 về “Phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng nông thôn mới” (giai đoạn 1992-1995). Chương trình đã mở đường và tạo đòn bẩy trong việc phát huy tiềm năng to lớn của ngành Nông nghiệp Thủ đô...
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, tháng 8-2008, Sở NN&PTNT Hà Nội được thành lập lại trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng Sở NN&PTNT Hà Tây và Sở NN&PTNT Hà Nội. Từ khi hợp nhất đến nay, sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đổi mới và hội nhập
Thành phố Hà Nội hiện có tổng diện tích tự nhiên là 3.358,59km². Trong đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố là 197.428ha, chiếm 58,8% tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Hà Nội có 17 huyện, 1 thị xã và 5 quận còn sản xuất nông nghiệp, gồm có 383/579 xã, phường, thị trấn. Dân số khu vực nông thôn là 4,30 triệu người, chiếm 51% dân số thành phố.
Trong gần 15 năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được thành phố ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ đây, hạ tầng nông thôn của Hà Nội tiếp tục được đầu tư khang trang, hiện đại; đời sống người dân ngày một nâng cao. Tính đến tháng 9-2024, thành phố Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các quy hoạch chuyên ngành đã được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô. Đối với nông nghiệp, Hà Nội đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, giúp nền sản xuất nông nghiệp của thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước tính năm 2024 đạt gần 50% tổng giá trị nông nghiệp của toàn thành phố.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố có 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 120 triệu đồng/người/năm trở lên. Trong lĩnh vực trồng trọt, thành phố tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong thành phố và hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, thành phố sẽ mở rộng diện tích trồng cây rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh; phấn đấu diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt đạt 30-40%, nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 2-3% tổng diện tích gieo trồng. Đối với chăn nuôi, Hà Nội khuyến khích phát triển 3 loại vật nuôi chủ lực chính, là: Bò, lợn và gia cầm; đồng thời, chú trọng phát triển sản xuất con giống, phấn đấu là trung tâm cung cấp con giống cho các địa phương trong cả nước.
Cùng với đó, Hà Nội cũng xác định, để sản xuất đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường, tạo ra giá trị cao hơn đối với mỗi sản phẩm nông nghiệp, cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng sản phẩm nông nghiệp với giá trị cao hơn, tiếp cận tới những nhu cầu cao hơn về thẩm mỹ, về trách nhiệm của người tiêu dùng trên thế giới. Đây cũng chính là những định hướng và giải pháp đã được nêu rõ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
Với tinh thần quyết tâm cao, trên chặng đường phát triển mới của Thủ đô và đất nước, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Đảng bộ cơ quan Sở NN&PTNT đề ra, đáp ứng niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Nguyễn Xuân Đại
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
Thành tích tiêu biểu của ngành NN&PTNT Hà Nội: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1983; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1984 và năm 1987; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1992 và năm 2024; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1999; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2004; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2006, 2013, 2023.
Nguyễn Xuân Đại