Vươn mình với 'giấc mơ xanh'

Vươn mình với 'giấc mơ xanh'
13 giờ trướcBài gốc
Cũng từ đây, vùng đất giàu tiềm năng này đang từng bước chuyển mình, mở ra một giai đoạn phát triển mới. “Giấc mơ xanh” đang dần thức giấc, mang theo nhiều kỳ vọng cùng không ít thách thức phía trước.
Một góc khu du lịch Ao Vua thuộc địa bàn xã Suối Hai.
Phát huy lợi thế đặc trưng
Ba Vì, Suối Hai và Yên Bài từ lâu được ví như “lá phổi xanh” của Thủ đô. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên nguyên sơ và bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường, Dao..., khu vực này tạo nên không gian lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự trong lành và yên tĩnh. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, dãy núi Ba Vì là lựa chọn hàng đầu cho các chuyến nghỉ dưỡng cuối tuần, dã ngoại gia đình hay tour du lịch trải nghiệm ngắn ngày.
Trên nền tảng hàng nghìn cơ sở lưu trú đa dạng, từ khu nghỉ dưỡng cao cấp đến homestay, farmstay, các xã Yên Bài, Suối Hai và Ba Vì đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới. Một trong những địa danh tiêu biểu phải kể đến Vườn Quốc gia Ba Vì - nơi không chỉ là địa chỉ nghiên cứu và bảo tồn mà còn là điểm nghỉ dưỡng nổi bật. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn Quốc gia Ba Vì, khu vực này đang vận hành hiệu quả nhiều loại hình du lịch như ngắm hoa dã quỳ vào mùa thu, ngày hội khinh khí cầu, săn mây đón bình minh mùa hè hay tản bộ trong những rừng thông cổ thụ...
Chị Nguyễn Thị Lan, du khách đến từ quận Đống Đa, chia sẻ: “Chưa đầy một tiếng lái xe, tôi đã được bước vào một thế giới khác với sương giăng, hoa nở, mây bay là là dưới tán thông... như lạc vào xứ sở cổ tích”. Nắm bắt xu hướng du lịch gắn với sức khỏe và thiên nhiên, nhiều đơn vị tại Ba Vì đã tiên phong phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe kết hợp y học cổ truyền. Tiêu biểu là Trung tâm chăm sóc sức khỏe thuộc Khu du lịch Ao Vua. Được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ nét mộc mạc giữa núi rừng, trung tâm sử dụng thảo dược bản địa cùng các phương pháp trị liệu truyền thống như tắm sục, xông hơi, xông ngải, bấm huyệt, thải độc... Tất cả liệu trình đều do đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản thực hiện trong không gian yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, giúp du khách thực sự được thư giãn và tái tạo năng lượng.
Ngoài lợi thế về cảnh quan và khí hậu, các xã Ba Vì, Suối Hai và Yên Bài còn sở hữu mạng lưới homestay, farmstay dày đặc, phát triển theo hướng gần gũi với thiên nhiên và đậm đà bản sắc địa phương. Riêng xã Yên Bài hiện có gần 1.000 cơ sở lưu trú nhỏ và vừa, mỗi nơi là một mảnh ghép văn hóa độc đáo. Từ những căn nhà sàn truyền thống của người Mường đến những khu vườn rực rỡ sắc hoa bốn mùa, tất cả tạo nên một không gian du lịch cộng đồng đầy màu sắc và chiều sâu văn hóa. Chị Nguyễn Thị Phương - chủ một homestay nổi tiếng ở Yên Bài, cho biết: “Khách đến đây vì vườn hoa đẹp, bữa cơm quê có cá kho, rau vườn, nước lá... Vì thế đa số họ thường sớm quay trở lại”. Nếu như trước đây, du khách đến Ba Vì chủ yếu để leo núi, tắm suối hay cắm trại, thì ngày nay, họ tìm đến để thư giãn, tận hưởng dịch vụ chất lượng và trải nghiệm nghỉ dưỡng toàn diện. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Melia Ba Vì, Amour Resort hay Paragon Hill Resort thường xuyên kín phòng, đặc biệt vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ.
Và “bản giao hưởng” cộng đồng
Trên hành trình phát triển du lịch, để Ba Vì - Suối Hai - Yên Bài thực sự “cất cánh”, vẫn còn nhiều việc phải làm. Cơ hội đã rõ, tiềm năng hiện hữu, nhưng cần những bước đi thận trọng và bền vững. Trên hết, cần bắt đầu từ những điều giản dị mà thiết thực đến từ chính cộng đồng cư dân địa phương và những người làm du lịch có tâm.
Trong một buổi chiều mưa hè, chúng tôi gặp một cán bộ xã Ba Vì - người đã gắn bó mấy chục năm với vùng đất này. Anh bộc bạch, những năm gần đây, du lịch đã làm thay đổi diện mạo xã miền núi Ba Vì theo hướng xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. “Cứ khu du lịch nào mọc lên là ở đó đường sá được bê tông hóa, cảnh quan được chăm chút”. Tuy nhiên, điều khiến anh trăn trở là làm sao để các chủ homestay, doanh nghiệp du lịch thật sự tôn trọng văn hóa bản địa - từ nếp nhà, món ăn đến cách ứng xử với thiên nhiên và người dân sở tại. Anh cho rằng, phát triển bền vững không chỉ nằm ở con số lượng khách hay doanh thu, mà phải là sự kết nối hài hòa giữa cơ sở du lịch với chính quyền và cộng đồng. Các cơ sở làm du lịch cần ưu tiên sử dụng nông sản và lao động địa phương, đồng thời đưa những giá trị văn hóa như cồng chiêng, múa sạp, ẩm thực truyền thống của người Mường, người Dao... vào không gian trải nghiệm của du khách. Chỉ khi đó, du lịch mới thật sự gắn bó, tôn vinh và làm giàu thêm cho vùng đất này.
Thực tế, nhiều vấn đề vẫn đang cản trở sự phát triển bền vững của du lịch địa phương như đầu tư chưa bài bản, hạ tầng còn sơ sài và đơn điệu, cảnh quan thiếu quy hoạch, quảng bá quá đà, hay thậm chí là những hành vi thiếu ý thức từ một bộ phận người làm và người hưởng thụ du lịch... khiến không ít du khách cảm thấy chưa thực sự hài lòng. Chị Nguyễn Thị Giang, chủ một homestay tại thôn Liên Bu, xã Ba Vì, tâm sự: “Từ nơi khác đến Ba Vì làm du lịch, chúng tôi đã rất yêu vùng đất này. Khách đến đông, mừng lắm. Nhưng nếu họ không có ý thức giữ gìn cảnh quan, không tôn trọng không gian sống của dân bản địa, thì sự phát triển ấy sẽ không thể bền vững. Chúng tôi mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ sở lưu trú, chính quyền và cộng đồng để cùng xây dựng một môi trường du lịch lành mạnh”.
Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Hai, phát triển du lịch không thể là câu chuyện đơn lẻ của từng xã, từng khu nghỉ dưỡng. Suối Hai, Ba Vì, Yên Bài phải được xem là một thể thống nhất. Vùng ven sông Đà, khu vực chân núi Ba Vì và liên hồ Suối Hai hiện đang được quy hoạch thành vùng du lịch trọng điểm. Trong tương lai gần, hệ thống giao thông khung với các trục chính và hai vành đai sẽ kết nối đồng bộ, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các xã miền núi với trung tâm thành phố. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để Suối Hai, Yên Bài và Ba Vì trở thành cực tăng trưởng mới trong bản đồ du lịch của Thủ đô.
Chủ tịch UBND xã Ba Vì, ông Nguyễn Giáp Đông, chia sẻ: “Du lịch không chỉ là chuyện mở homestay hay xây khu nghỉ dưỡng. Cái gốc của nó là văn hóa, là con người. Trên con đường phát triển ấy, người dân bản địa phải là chủ thể - tự tin, tự hào kể câu chuyện quê hương mình, giới thiệu ẩm thực địa phương... Mong sao du lịch Ba Vì phát triển đúng hướng, không lai căng, không biến chất”. Chung quan điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Thản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội - cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành giữa doanh nghiệp và chính quyền trong việc phát triển du lịch Ba Vì, Suối Hai, Yên Bài theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, với mục tiêu trở thành điểm nghỉ dưỡng hàng đầu miền Bắc. Nhưng quan trọng hơn, theo ông, là làm sao để mỗi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển ấy, có thêm thu nhập, có thêm lý do để giữ rừng, gìn giữ nếp nhà và bảo tồn truyền thống.
Bởi lẽ, du lịch không thể lớn lên nếu thiếu những con người kiên nhẫn và tử tế, biết vun trồng từ những điều giản dị nhất. Để “giấc mơ xanh” Ba Vì không chỉ là khoảnh khắc thăng hoa ngắn ngủi, mà thực sự trở thành nền tảng phát triển dài lâu, nơi đây rất cần một “bản giao hưởng” đồng điệu giữa doanh nghiệp, người dân, chính quyền và cả du khách.
Bạch Thanh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/vuon-minh-voi-giac-mo-xanh-709520.html