Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus,Tổng Giám đốc WHO, nhận định: "Việc giảm đáng kể số ca tử vong do đuối nước từ năm 2000 là một tín hiệu tích cực, chứng minh được hiệu quả của những giải pháp đơn giản và thiết thực mà WHO đề xuất".
Ảnh: Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc bộ phận các vấn đề xã hội quyết định đến sức khỏe của Tổ chức y tế thế giới (WHO).
“Dẫu vậy, mỗi trường hợp tử vong vẫn là một mất mát lớn lao và hàng triệu người vẫn đang đối diện với nguy cơ. Báo cáo này tổng hợp dữ liệu quan trọng để định hình chính sách và đưa ra những hành động cấp bách nhằm cứu sống nhiều người hơn”, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý.
Theo Báo cáo về phòng chống đuối nước toàn cầu, đuối nước vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với y tế công cộng, với hơn 30 người được ước tính tử vong mỗi giờ và tổng cộng 300.000 người thiệt mạng vì đuối nước trong năm 2021. Khu vực Tây Thái Bình Dương và Khu vực Đông Nam Á có số ca tử vong do đuối nước cao nhất, lần lượt là 84.000 ca và 83.000 ca/năm.
Đáng chú ý, gần một nửa số ca tử vong xảy ra ở những người dưới 29 tuổi, trong đó một phần tư là trẻ em dưới 5 tuổi (24%), 19% ở độ tuổi từ 5-14. Đặc biệt, trẻ nhỏ không có sự giám sát của người lớn nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhất. Đuối nước là nguyên nhân tử vong đứng thứ tư đối với trẻ em từ 1 đến 4 tuổi và là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba đối với nhóm trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.
Tiến độ giảm thiểu tình trạng đuối nước vẫn còn chênh lệch. Kể từ năm 2000, tỷ lệ tử vong do đuối nước trên toàn cầu đã giảm từ mức 6,1 xuống 3,8 trên 100.000 dân. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm ở tất cả các khu vực, nhưng có sự khác biệt rất lớn. Trên phạm vi toàn cầu, 9/10 trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
WHO chi nhánh châu Âu ghi nhận tỷ lệ tử vong do đuối nước giảm 68% từ năm 2000 đến 2021, trong khi châu Phi chỉ giảm 3% và vẫn giữ tỷ lệ cao nhất với 5,6 ca tử vong trên 100.000 người. Điều này có thể phản ánh mức độ cam kết quốc gia đối với vấn đề này: tại châu Phi, chỉ 15% các quốc gia có chiến lược hoặc kế hoạch phòng chống đuối nước, so với 45% quốc gia tại châu Âu.
Ông Michael R. Bloomberg, nhà sáng lập Bloomberg L.P. và Bloomberg Philanthropies, Đại sứ Toàn cầu của WHO về Bệnh không lây nhiễm và Chấn thương, đồng thời là cựu Thị trưởng New York, cho biết: "Đuối nước vẫn là một thách thức lớn đối với y tế công cộng nhưng hoàn toàn có thể cải thiện nếu chính phủ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức địa phương. Hơn một thập kỷ qua, Bloomberg Philanthropies đã hỗ trợ chính phủ và các tổ chức địa phương dẫn đầu trong nỗ lực phòng chống đuối nước. Báo cáo này nêu rõ những bước mà các quốc gia có thể thực hiện để cứu hàng nghìn sinh mạng mỗi năm".
Theo bà Kelly Larson, Giám đốc Quỹ Bloomberg Philanthropies, trong số 5.000 người tử vong do đuối nước mỗi năm ở Việt Nam, có hơn 2.000 ca tử vong là trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Quỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống đuối nước từ năm 2018, hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để ngăn ngừa tử vong do đuối nước ở nhóm tuổi này trên cả nước.
Vào tháng 5/2024, Quỹ Bloomberg Philanthropies công bố khoản đầu tư mới trị giá 60 triệu USD nhằm giảm thiểu tử vong do đuối nước tại các quốc gia Bangladesh, Ghana, Ấn Độ, Uganda, Mỹ và Việt Nam. Tính đến nay, tổng số tiền Bloomberg Philanthropies đã đầu tư vào các sáng kiến toàn cầu đã đạt 104 triệu USD.
Ảnh: Bà Kelly Larson, Giám đốc Chương trình An toàn đường bộ, Quỹ Bloomberg Philanthropies
Tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam là 7,8/ 100.000 dân
Tiến sĩ Caroline Lukaszyk, Cán bộ kỹ thuật Phòng chống tai nạn thương tích không chủ ý, Bộ phận Di chuyển và an toàn, WHO đánh giá, mặc dù cách đây 20-30 năm trước, tỷ suất đuối nước toàn quốc của Việt Nam nằm ở vị trí khá cao so với các quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực ấn tượng nhằm giảm bớt gánh nặng này và số lượng người tử vong do đuối nước ở Việt Nam đã sụt giảm.
Tiến sĩ Caroline Lukaszyk, Cán bộ kỹ thuật Phòng chống tai nạn thương tích không chủ ý, Bộ phận Di chuyển và an toàn thuộc WHO.
Về công tác quản lý và phối hợp, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về Chiến lược quốc gia về phòng chống đuối nước và có cơ quan đầu mối quốc gia về phòng chống đuối nước, thực hiện nhiều biện pháp can thiệp phòng chống đuối nước trong cộng đồng. Tuy nhiên, gánh nặng đuối nước và tỷ lệ đuối nước vẫn còn tương đối cao.
Theo ước tính của WHO, năm 2021 số lượng người tử vong do đuối nước ở Việt Nam là 7.700 trường hợp, tỷ lệ tử vong do đuối nước là 7,8 trên 100 nghìn dân. Còn theo dữ liệu của Bộ Lao đông và thương binh xã hội, số người tử vong do đuối nước ở Việt Nam năm 2021 là trên 4.000 ca. Trẻ em vẫn là đối tượng tử vong do đuối nước chủ yếu tại Việt Nam, trong đó 16% ở nhóm 0-4 tuổi, có 24% trường hợp nằm ở nhóm tuổi từ 5-14 tuổi, và 14% trong nhóm từ 15-29 tuổi.
Đến năm 2050, 7,2 triệu người, chủ yếu là trẻ em có thể tử vong vì đuối nước
Tổ chức y thế thế giới khuyến cáo, với thực trạng đuối nước hiện nay, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời và quyết liệt, hơn 7,2 triệu người, chủ yếu là trẻ em, có thể mất mạng vì đuối nước từ nay đến năm 2050. Tuy nhiên, phần lớn các ca tử vong này hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu áp dụng các biện pháp mà WHO khuyến nghị.
WHO đề xuất nhiều giải pháp phòng chống đuối nước dựa trên cộng đồng. Bao gồm: lắp đặt rào chắn để ngăn trẻ tiếp cận nguồn nước; Tạo không gian an toàn, cách xa nguồn nước cho trẻ mầm non; dạy trẻ em kỹ năng bơi cơ bản, đảm bảo an toàn dưới nước và cứu hộ an toàn; Đào tạo kỹ năng cứu hộ và hồi sức; Nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ đuối nước; Ban hành và thực thi các quy định an toàn về tàu thuyền, vận tải đường thủy và phà và tăng cường quản lý rủi ro lũ lụt.
Cũng theo báo cáo, mặc dù đã có hướng dẫn rõ ràng để giảm thiểu tử vong do đuối nước nhưng mức độ triển khai còn thiếu đồng bộ. Các biện pháp phòng chống đuối nước do WHO đề xuất đang được triển khai ở mức độ khác nhau. Tín hiệu tích cực là hiện có 73% quốc gia đã có dịch vụ tìm kiếm và cứu hộ và cũng 73% triển khai các chương trình giảm thiểu rủi ro lũ lụt dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ 33% các nước có chương trình quốc gia đào tạo về kỹ năng cứu hộ và hồi sức cho người dân, và chỉ 22% đưa nội dung bơi lội và an toàn dưới nước vào chương trình học của nhà trường.
Về việc triển khai chính sách và luật pháp liên quan đến phòng chống đuối nước, theo Báo cáo, điểm tích cực là hiện có 81% quốc gia có luật đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi thuyền, nhưng chỉ có 44% trong số quốc gia này yêu cầu kiểm tra an toàn thuyền định kỳ, và 66% các quốc gia bắt buộc sử dụng áo phao khi chèo thuyền giải trí hoặc vận chuyển trên mặt nước. Đáng lo ngại, 86% quốc gia chưa có luật yêu cầu lắp đặt hàng rào xung quanh hồ bơi - một biện pháp quan trọng để ngăn trẻ em bị đuối nước trong các môi trường nhất định.
Báo cáo này là cơ sở để các quốc gia nắm được những thành tự và thách thức gặp phải, trên cơ sở đó có những giải pháp để cải thiện công tác phòng chống đuối nước.
Nhiều chuyên gia tham dự buổi lễ ra mắt Báo cáo toàn cầu về phòng chống đuối nước nhấn mạnh, việc phòng chống đuối nước cần có sự phối hợp chặt chẽ và hành động đồng bộ từ mọi thành phần trong xã hội. Thông qua việc tăng cường hợp tác và đầu tư, những nhóm dễ bị tổn thương nhất có thể được bảo vệ, đảm bảo rằng các tiến bộ tích cực hiện tại sẽ được lan tỏa một cách đồng đều và công bằng.
Hải Hà/VOVGT Từ Geneva, Thụy Sĩ