Nhiều lợi ích từ không gian công cộng
Ngày 29/11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Hạ tầng kỹ thuật (HTKT) Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo “Thiết kế công viên thuận tiện, an toàn cho mọi người và tăng khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam”, với sự tham gia của nhiều đại diện các Bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học, đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế, chính quyền đô thị địa phương.
Ông Tạ Quang Vinh-Cục trưởng Cục HTKT Bộ Xây dựng cho biết, việc tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị.
Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục HTKT cho biết, lý do tổ chức hội thảo vì hiện nay Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị, sau 14 năm áp dụng, đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, như: thiếu các quy định quản lý công viên, chưa có quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để cụ thể hóa quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, hệ thống công viên, cây xanh ở các đô thị chưa phát triển tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị. Vì vậy, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị, để từ đó bổ sung những kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và phát triển cây xanh, công viên đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân ở đô thị.
Kiến trúc sư (KTS) Đinh Đăng Hải - Chuyên gia tổ chức HealthBridge, với tham luận “Phát triển không gian công cộng đô thị với sự tham gia của cộng đồng” đã đưa ra mô hình quy hoạch không gian công cộng (KGCC) ở TP Hội An (TP Đà Nẵng).
Theo KTS Đinh Đăng Hải, công viên cây xanh và các KGCC ngoài trời có những lợi ích rất quan trọng về môi trường (biến đổi khí hậu cảnh quan), sức khỏe (hoạt động thể chất giao tiếp xã hội), kinh tế (tạo việc làm/kinh doanh giá trị đất đai, hòa nhập công bằng). Do đó, một số quốc gia có chính sách về công viên cây xanh, không gian xanh và đã thành công ở một số TP lớn trên thế giới như: London (Vương quốc Anh), Copenhagen (Đan Mạch). Ở những TP này, chính quyền và cộng đồng chung tay thực hiện tạo ra mảng xanh đô thị: mái nhà xanh, không gian đô thị xanh, mặt tiền tòa nhà xanh, đường phố xanh, cây xanh đường phố, cây xanh sân trường…
Cần nghị định mới về quản lý cây xanh, công viên đô thị
Cũng theo KTS Đinh Đăng Hải, từ những lợi ích quan trọng nêu trên, tại TP Hội An đã thực hiện kế hoạch KGCC giai đoạn 2015-2020 và đã đạt được 199 KGCC với diện tích 910.000m2, trung bình 9m2/người, trong khi trước đó KGCC tại TP này chỉ đạt 6m2/người.
Công viên đô thị góp phần cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và tăng gắn kết xã hội. Ảnh: Công viên Phạm Đình Hổ (phường 1, quận 6, TP Hồ Chí Minh).
“Chính vì sự quan trọng của KGCC: không gian xanh và công cộng góp phần cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và tăng gắn kết xã hội; cây xanh và không gian mở giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và quản lý lũ lụt; tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng đến không gian chất lượng cao cho mọi người. Do đó về vĩ mô nên sớm có chính sách chiến lược cho lĩnh vực này, trong đó ưu tiên sử dụng quỹ đất công để tạo ra nhiều công viên và KGCC”, KTS Đinh Đăng Hải góp ý.
KTS Đinh Đăng Hải khẳng định, công viên cây xanh và các KGCC ngoài trời có những lợi ích rất quan trọng về môi trường, sức khỏe, kinh tế.
Tại hội thảo, đại biểu cũng nghe tham luận của KTS Chu Kim Đức về “Kinh nghiệm thiết kế công viên bằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện chính quyền địa phương cũng nhìn nhận vai trò và những giá trị to lớn của mảng xanh đô thị trong việc phục vụ lợi ích của cộng đồng. Nhiều đại biểu cũng đồng tình việc quy hoạch, quản lý, duy trì, phát triển hệ thống cây xanh, công viên đô thị hiện nay còn nhiều bất cập. Do đó, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan cần sớm định hướng xây dựng Quy chuẩn về cây xanh và công viên đô thị để hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý cây xanh, công viên đô thị.
Tân Tiến